Bạc Liêu đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể ở 5 lĩnh vực

Ao nuôi Artemia của nông dân ở huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu). Ảnh: Chanh Đa-TTXVN
Ao nuôi Artemia của nông dân ở huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu). Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Hiện nay, Bạc Liêu đang đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã bền vững trong các ngành, lĩnh vực và tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến cho nông nghiệp, nông thôn, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí cho nông dân góp phần tích cực thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh.

Bạc Liêu đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể ở 5 lĩnh vực ảnh 1 Ao nuôi Artemia của nông dân ở huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu). Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Cụ thể, tỉnh tập trung phát triển kinh tế tập thể ở 5 lĩnh vực: nông nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xây dựng và giao thông vận tải; thương mại dịch vụ; tín dụng.

Theo đó, đến năm 2025, Bạc Liêu thành lập mới 140 hợp tác xã (105 hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp, 35 hợp tác xã lĩnh vực phi nông nghiệp); thành lập mới ít nhất 2 Liên hiệp hợp tác xã trong ngành tôm, lúa gạo, vận tải và ngành nghề có điều kiện khác.

Tỉnh tập trung vận động các tổ hợp tác hoạt động khá nâng lên thành hợp tác xã; trong đó, thành lập mới 100 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và vệ sinh môi trường; thành lập mới 105 hợp tác xã (95 hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp và 10 hợp tác xã lĩnh vực phi nông nghiệp); xây dựng 15 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp…

Nhiều giải pháp được Bạc Liêu triển khai như đẩy mạnh tuyên truyền và thực thi pháp luật về kinh tế hợp tác - hợp tác xã; đổi mới nội dung hoạt động để các tổ chức kinh tế tập thể vươn lên và có những đóng góp tích cực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh huy động nhiều nguồn lực đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của các tổ chức kinh tế tập thể; nâng cao vai trò và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, trong phát triển kinh tế tập thể; tăng cường quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể cũng như phát huy vai trò, trách nhiệm của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong phát triển kinh tế tập thể.

Cùng với đó, tỉnh triển khai việc thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có trình độ, năng lực tham gia vào các chức danh quản lý, điều hành hợp tác xã; khuyến khích hộ thành viên cử con em đào tạo đại học, sau đại học về phục vụ cho hợp tác xã; đồng thời, xác định tiêu chí và phương pháp khoa học để theo dõi đánh giá quá trình phát triển của cán bộ trẻ trong hợp tác xã, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, nội dung thích hợp giúp cho đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành hợp tác xã luôn đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của sự phát triển.

Mặt khác, tỉnh khuyến khích xây dựng các đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ cho khu vực kinh tế tập thể; ưu tiên vốn khuyến khích phát triển khoa học công nghệ cho các hợp tác xã ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, chế biến; tập trung xây dựng mẫu mã, bao bì và xây dựng thương hiệu hàng hóa làm gia tăng giá trị và sức cạnh tranh của hàng hóa.

Bạc Liêu cũng tổ chức nhiều hình thức giúp cho các tổ hợp tác, hợp tác xã giới thiệu quảng bá sản phẩm rộng rãi đến các vùng, miền trong cả nước và ngoài nước; tìm đối tác giao dịch kinh tế; tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giao lưu, gặp gỡ giữa hợp tác xã với hợp tác xã, giữa hợp tác xã với doanh nghiệp tạo ra sự liên kết theo chuỗi giá trị hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Ngoài ra, tỉnh ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước, công trình thủy lợi... trước hết phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển sản xuất hàng hóa lớn, tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển kinh tế tập thể...

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm