Xây dựng thương hiệu 2 đặc sản của Trà Vinh

Ông Nguyễn Văn Chừa, thành viên Hợp tác xã Quýt đường Thuận Phú, chăm sóc vườn quýt đường. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN
Ông Nguyễn Văn Chừa, thành viên Hợp tác xã Quýt đường Thuận Phú, chăm sóc vườn quýt đường. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN

Theo Ban quản lý dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh (Dự án SME Trà Vinh), các đơn vị, sở, ngành cùng các địa phương đang nỗ lực hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho 2 loại đặc sản của tỉnh Trà Vinh, là quýt đường Bình Phú của Hợp tác xã quýt đường Thuận Phú, huyện Càng Long và dừa hữu cơ Tân Hòa của Hợp tác xã Tân Thành, huyện Tiểu Cần.

Xây dựng thương hiệu 2 đặc sản của Trà Vinh ảnh 1Ông Nguyễn Văn Chừa, thành viên Hợp tác xã Quýt đường Thuận Phú, chăm sóc vườn quýt đường. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN

Bà Trần Thị Thu Loan, Giám đốc Ban quản lý dự án SME Trà Vinh cho biết, đây là các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh Trà Vinh, được Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Liên minh Hợp tác xã, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thống nhất lựa chọn để hỗ trợ nhãn hiệu chứng nhận, tiến đến xây dựng thương hiệu. Mới đây, Cục Sở hữu Trí tuệ đã chấp nhận đơn hợp lệ đối với 2 sản phẩm này, dự kiến sau 12-18 tháng, quýt đường Bình Phú và dừa hữu cơ Tân Hòa của Trà Vinh sẽ được Cục Sở hữu Trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu.

Việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sẽ giúp người tiêu dùng tin tưởng và ưu tiên lựa chọn sử dụng. Các loại đặc sản này được mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng lợi nhuận cho nhà vườn, từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân. Đây cũng là tiền đề để đặc sản của Trà Vinh hướng đến thị trường xuất khẩu.

Hợp tác xã quýt đường Thuận Phú có 57 thành viên trồng quýt đường trên tổng diện tích 42 ha; trong đó, khoảng 25 ha cho trái, với sản lượng hàng năm đạt từ 200-300 tấn.

Bà Phan Thị Thuý Nga, Giám đốc Hợp tác xã quýt đường Thuận Phú cho biết, hầu hết quýt đường ở vùng đất này được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, sử dụng phân bón hoá học rất hạn chế. Theo kinh nghiệm trồng quýt lâu năm của các nhà vườn địa phương, để quýt đường mọng nước, ngọt thanh và không bị chai, các vườn quýt này đều sử dụng con kiến vàng để diệt thiên địch gây hại và chủ yếu dùng phân bón hữu cơ để bón cho cây.

Là loại đặc sản nổi tiếng ở Trà Vinh, nhưng quýt đường Thuận Phú chưa được nhiều người tiêu dùng ngoài tỉnh biết đến. “Hy vọng sau khi được chứng nhận có nhãn hiệu, thương hiệu, giá trị quả quýt đường Thuận Phú được nâng lên, đầu ra sẽ ổn định, tăng thu nhập cho nhà vườn địa phương. Theo kế hoạch, hợp tác xã sẽ mở rộng quy mô sản xuất lên 200 ha”, bà Phan Thị Thuý Nga chia sẻ.

Dự án SME Trà Vinh do Chính phủ Canada tài trợ tỉnh Trà Vinh thực hiện từ năm 2014, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh làm chủ dự án. Dự án có tổng nguồn vốn đầu tư 12,1 triệu đô la CAD; trong đó, nguồn vốn do Chính phủ Canada tài trợ không hoàn lại là 11 triệu CAD, số tiền còn lại do tỉnh Trà Vinh đối ứng.

Mục tiêu của dự án là hỗ trợ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh. Dự kiến cuối năm 2023 dự án kết thúc. Trước đó, dự án cũng đã hỗ trợ xây dựng và công bố nhãn hiệu cho sản phẩm Gạo Trà Cú của Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp (huyện Trà Cú). Đây là sản phẩm gạo đầu tiên của tỉnh Trà Vinh được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu.

Thanh Hòa

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm