Xây dựng mã số vùng trồng cho sản phẩm nông sản chủ lực tại Gia Lai

Với định hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với dịch vụ hậu cần để xuất khẩu, tỉnh Gia Lai đang đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng cho các sản phẩm nông sản chủ lực. Nhờ nỗ lực này, chất lượng nông sản được nâng cao, giá trị sản phẩm tăng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành xuất khẩu nông sản.

vna_potal_gia_lai_day_manh_xuat_khau_nong_san_thong_qua_xay_dung_ma_so_vung_trong_7434840.jpg
Gia Lai hiện có 227 mã số vùng trồng và 38 cơ sở đóng gói nông sản cho các sản phẩm chủ lực của địa phương. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Những năm qua, xuất khẩu nông sản đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Gia Lai với kim ngạch liên tục tăng. Trong nửa đầu năm 2024, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận kim ngạch xuất khẩu ấn tượng với con số ước tính lên tới 525 triệu USD. Sự tăng trưởng này một phần được hỗ trợ bởi các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định EVFTA, Hiệp định RCEP giúp mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp.

Mã số vùng trồng là công cụ quan trọng trong việc truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng đã được nhiều địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn Gia Lai tích cực áp dụng. Các sản phẩm chủ lực như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, chanh leo, chuối… đều đã được cấp mã số khẳng định chất lượng trên thị trường quốc tế.

Hợp tác xã Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ - Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này. Với việc đăng ký thành công 3 mã số vùng trồng cho sầu riêng (diện tích 124 ha) và 3 mã số cho chanh leo (diện tích 100ha) đã giúp hợp tác xã khẳng định được vị thế; qua đó mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là tại Trung Quốc.

Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ - Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông, chia sẻ nhờ có mã số vùng trồng, giá trị sản phẩm của chanh leo tăng cao. Hợp tác xã đã phối hợp với Công ty Nafoods xây dựng mã số vùng trồng hiệu quả, giúp công ty nắm bắt được sản lượng để ký kết thu mua với giá cao cho người dân.

Tại huyện Đăk Đoa, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn cũng có 7 mã số vùng trồng và 3 cơ sở đóng gói. Nhờ đó, doanh nghiệp đã thành công trong việc xuất khẩu chuối sang các thị trường lớn, như: Trung Quốc (chiếm 50% thị phần xuất khẩu), Hàn Quốc, Nhật Bản... doanh thu hàng năm đạt từ 12 - 15 triệu USD.

Ông Lê Hoàng Linh, Giám đốc trang trại chuối của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn cho biết: Đơn vị có khoảng 400 ha chuối cho sản lượng từ 22.000 – 25.000 tấn/năm. Các sản phẩm chuối chủ yếu xuất khẩu sang thị trường các nước lớn, do đó mã số vùng trồng giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, từ đó tăng giá trị sản phẩm và doanh thu cho công ty.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có 227 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 9.600 ha và 38 cơ sở đóng gói nông sản với tổng công suất đóng gói vào khoảng 1.500 – 1.700 tấn quả tươi/ngày. Con số này đánh dấu sự gia tăng trưởng vượt bậc so với giai đoạn 2018 – 2022, khi đó Gia Lai chỉ có 95 mã số vùng trồng và 22 cơ sở đóng gói. Hiện các mặt hàng nông sản của tỉnh đều được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, New Zealand, Hoa Kỳ…

Ông Trần Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, cho rằng việc xây dựng mã số vùng trồng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai. Cụ thể, mã số vùng trồng giúp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao uy tín cho nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Thông qua mã số vùng trồng, người tiêu dùng có thể yên tâm về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ và tăng giá trị xuất khẩu.

Ngoài ra, mã số vùng trồng còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường. Các hộ dân được hướng dẫn áp dụng các quy trình canh tác khoa học, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý đảm bảo sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó, giá trị nông sản tăng cao hơn, mang lại lợi nhuận bền vững hơn cho người dân.

“Hiện các nước yêu cầu các mặt hàng nông sản, hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường họ đều phải có mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói. Đặc biệt là thị trường châu Âu luôn yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt vấn đề này. Do đó, việc nông sản của Việt Nam nói chúng, Gia Lai nói riêng đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói là vô cùng cần thiết”, ông Khải thông tin thêm.

Tỉnh Gia Lai đang tích cực đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Đồng thời, tỉnh Gia Lai cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng cho toàn bộ sản phẩm nông sản của mình.

Với những nỗ lực và định hướng chiến lược đúng đắn, Gia Lai đang từng bước khẳng định vị thế là địa phương có tỷ trọng xuất khẩu nông sản lớn của khu vực Tây Nguyên. Việc xây dựng mã số vùng trồng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực xuất khẩu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương và nâng cao đời sống của người dân.

Hoài Nam – Xuân Huy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm