Phú Thọ sẽ cấp và quản lý trên 200 mã số vùng trồng

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Thọ cho biết, năm 2024, tỉnh Phú Thọ phấn đấu cấp trên 200 mã số vùng trồng với diện tích 3.520 ha cho các vùng sản xuất tập trung trên cây trồng chủ lực và cây trồng có lợi thế của tỉnh như bưởi, chuối, chè và rau. Việc cấp mã số vùng trồng này nhằm tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

vna_potal_phu_tho_tim_huong_xuat_khau_buoi_dac_san_doan_hung_7130557.jpg
Gia đình chị Vũ Thị Tráng tại xã Vân Đồn (Đoan Hùng, Phú Thọ) mỗi năm thu về hơn 4 vạn quả bưởi cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ảnh: TTXVN phát

Theo đó, tỉnh Phú Thọ sẽ thực hiện rà soát, xác định cụ thể diện tích các vùng sản xuất tập trung, từ đó thực hiện việc cấp, quản lý mã số vùng trồng theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cùng đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, định hướng về việc cấp và quản lý mã số vùng trồng đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn dựa trên cơ sở đổi mới tư duy từ sản xuất đơn lẻ sang liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ nông nghiệp của huyện, xã, hợp tác xã, tổ hợp tác; người dân tại các vùng trồng nắm được quy trình sản xuất an toàn (VietGAP, hữu cơ,..), quản lý diện tích đã được cấp mã số vùng trồng đảm bảo theo quy định…

Ông Phan Văn Đạo, Chi Cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Thọ cho biết, theo kế hoạch năm 2024, tỉnh Phú Thọ thực hiện cấp 60 mã số vùng trồng cho cây chè; 69 mã số vùng trồng cho cây bưởi; 23 mã số vùng trồng đối với cây chuối và 48 mã số vùng trồng đối với các loại rau.

Đến thời điểm hiện tại, ngành nông nghiệp tỉnh đã cấp được 16 mã số vùng trồng cho các loại cây trồng trên. Phấn đầu từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục cấp mã số vùng trồng theo kế hoạch trên cơ sở đảm bảo chất lượng mã số vùng trồng được cấp theo đúng hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp, nông thôn cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế như sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún chưa hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, gắn với thị trường; diện tích các cây trồng chủ lực áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thực hành tốt, được cấp mã số vùng trồng còn đạt thấp, chưa tương xứng với tiềm năng.

Sản phẩm nông sản xuất khẩu còn ít, chủ yếu là xuất thô qua đường tiểu ngạch và qua các đầu mối trung gian, do vậy việc thực hiện các yêu cầu về quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chưa được quan tâm; trình độ năng lực của một bộ phận người dẫn còn hạn chế, chưa quan tâm đến việc thực hiện các quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chưa nhận thức được tầm quan trọng trong việc tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường trong và ngoài nước.

Ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ chia sẻ, nhằm tạo động lực phát triển các vùng trồng cây chủ lực được phát triển, xứng với tiềm năng, ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát và kiểm soát chất lượng nông sản, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; nâng cao nhận thức người dân tại các tổ chức, cá nhân sản xuất trong việc tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản trong nước và ngoài nước…

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, việc cấp mã số vùng trồng là bước đầu tiên trong tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu tập trung. Khi được cấp mã số, các thành viên trong vùng có trách nhiệm tuân thủ việc thực hiện quy trình canh tác đạt tiêu chuẩn chất lượng, giám sát việc sử dụng mã số vùng trồng để minh bạch thông tin. Về lâu dài, mã số vùng trồng là một trong những yêu cầu trong việc chuẩn hóa chất lượng nông sản, truy xuất nguồn gốc đầy đủ trước khi tới tay người tiêu dùng.

Năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ đã thực hiện cấp 207 mã số vùng trồng cho 207 vùng trồng cây trồng chủ lực của tỉnh nâng tổng số lên 251 mã số vùng trồng với tổng diện tích 4.500ha trên phạm vi toàn tỉnh. Trong số đó, có 27 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nga và Hoa Kỳ và một số thị trường EU. Số còn lại được phục vụ tiêu thụ ở thị trường trong nước và thị trường Trung Quốc.

Toàn Đức

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm