Vaccine ngừa COVID-19 không ảnh hưởng đến quá trình thụ tinh ống nghiệm

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện vaccine ngừa COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA không ảnh hưởng đến hiệu quả của biện pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Vaccine ngua COVID-19 khong anh huong den qua trinh thu tinh ong nghiem hinh anh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho một phụ nữ tại San Antonio, Texas, Mỹ, ngày 9/1/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Sản phụ khoa, các nhà khoa học tại Trường Y khoa Icahn và Hiệp hội Y học Sinh sản New York (Mỹ) đã so sánh tỷ lệ thụ tinh, mang thai và sẩy thai sớm ở những sản phụ sử dụng phương pháp IVF - đã tiêm hai mũi vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer (Mỹ)-BioNTech (Đức) hoặc của Moderna (Mỹ) - với những sản phụ chưa tiêm phòng. Kết quả cho thấy 222 sản phụ đã tiêm phòng và 983 sản phụ chưa tiêm đã trải qua quá trình kích thích buồng trứng - phương pháp y tế để kích thích trứng phát triển - có tỷ lệ trứng được lấy, thụ tinh và phôi tương tự nhau với số lượng nhiễm sắc thể bình thường. Trong quá trình chuyển phôi đông lạnh (trứng được lấy từ buồng trứng và được thụ tinh với tinh trùng trong phòng thí nghiệm, tạo ra các phôi được đông lạnh, sau đó những phôi này được rã đông và chuyển vào tử cung của sản phụ), nhóm 214 sản phụ đã tiêm phòng và 733 chưa tiêm trải qua có tỷ lệ có thai và sẩy thai sớm tương tự nhau.

Các nhà nghiên cứu đi đến kết luận việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA không gây tác dụng phụ đối với quá trình kích thích hay mang thai sớm sau IVF. Họ cho biết những phát hiện này cung cấp thêm bằng chứng về sự an toàn của việc vaccine ngừa COVID-19 đối với những phụ nữ đang muốn thụ thai.

Cùng với những biện pháp xét nghiệm và phòng, chống dịch, vaccine là công cụ quan trọng giúp kiểm soát dịch COVID-19. Các loại vaccine đang được sử dụng đã vượt qua quá trình kiểm duyệt nghiêm ngặt của nhiều cơ quan quản lý nhà nước trên thế giới về tính an toàn cũng như các ảnh hưởng đến sức khỏe khác và được cấp phép sử dụng. Các bác sĩ sản khoa khuyến nghị những người đang thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản nên hoãn việc bắt đầu các phương pháp điều trị hỗ trợ sinh sản (lấy tinh trùng, kích thích buồng trứng, chuyển phôi) ít nhất vài ngày sau khi hoàn thành liều tiêm cơ bản vaccine ngừa COVID-19 để cơ thể có thời gian đáp ứng miễn dịch ổn định.

Phương Oanh

Tin liên quan

Những nguy cơ biến chứng trong thai kỳ do COVID-19

Thai phụ mắc COVID-19 cho tới cuối thai kỳ dễ bị các biến chứng liên quan đến sinh nở, với khả năng xuất hiện biến chứng cao hơn ở người chưa tiêm chủng trong giai đoạn đầu thai kỳ hoặc chưa từng nhiễm COVID-19.


Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho thai phụ: Lợi ích nhiều hơn nguy cơ

Theo hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 mới được Bộ Y tế ban hành ngày 10/8, phụ nữ mang thai trên 13 tuần và cho con bú thuộc đối tượng tiêm vaccine COVID-19. Đây là tin mừng cho hàng triệu bà mẹ đang mang thai vì tiêm vaccine được coi là cách tốt nhất để hạn chế các nguy cơ suy hô hấp nặng, phải nhập viện hồi sức cấp cứu hay can thiệp kỹ thuật ECMO, thậm chí là tử vong mẹ và con… nếu chẳng may thai phụ mắc COVID-19.



Đề xuất