Tìm hướng gìn giữ, phát triển nghề nước mắm truyền thống Phú Quốc

Khách du lịch tìm hiểu và mua nước mắm tại Nhà thùng nước mắm Khải Hoàn ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Khách du lịch tìm hiểu và mua nước mắm tại Nhà thùng nước mắm Khải Hoàn ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc hình thành và phát triển hơn 200 năm trên đảo ngọc Phú Quốc với quy trình sản xuất hoàn toàn tự nhiên được gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ ở thành phố biển đảo Phú Quốc, tỉnh  Kiên Giang.

Tìm hướng gìn giữ, phát triển nghề nước mắm truyền thống Phú Quốc ảnh 1Khách du lịch tìm hiểu và mua nước mắm tại Nhà thùng nước mắm Khải Hoàn ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc chia sẻ: “Nguồn cá cơm trên vùng biển Phú Quốc được đánh bắt và muối ngay trên tàu, đem về ủ chượp trong thùng gỗ thiên nhiên đặc biệt thời gian 12 - 15 tháng. Sau đó, cho ra thành phẩm nước mắm. Nước mắm Phú Quốc được bảo hộ trong nước năm 2001 và 28 nước liên minh châu Âu bảo hộ vào năm 2012.

Nghề và làng nghề sản xuất truyền thống này tại địa phương được tỉnh Kiên Giang công nhận năm 2017 và năm 2021, nước mắm Phú Quốc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể, tri thức dân gian” cấp quốc gia.

Hiện nay, nước mắm Phú Quốc là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế cho thành phố Phú Quốc, góp phần quảng bá “Du lịch đảo ngọc Phú Quốc”, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch.”

Hiện nay, Hội nước mắm Phú Quốc có 54 hội viên là chủ nhà thùng, cơ sở sản xuất nước mắm, tập trung ở hai phường Dương Đông và An Thới, với hơn 7.000 thùng ủ chượp cá cơm nguyên liệu, sản lượng từ 20 - 30 triệu lít/năm; trong đó, có 10 hội viên xuất khẩu nước mắm và 7 hội viên có tàu khai thác cá cơm trên ngư trường.

Theo Hội nước mắm Phú Quốc, những năm vừa qua cũng như hiện tại, tình hình sản xuất kinh doanh nước mắm Phú Quốc gặp rất nhiều khó khăn mà nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Năm 2022, hơn 70% nước mắm nguyên liệu thô của hội viên không thể tiêu thụ dẫn đến các tàu đánh bắt cá cơm hoạt động cầm chừng, vì không bán được cá cơm và giá dầu lại tăng cao nên ngành nghề này lâm vào tình trạng bấp bênh, ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất nước mắm.

Dự báo năm 2023 tình hình này tiếp tục khó khăn, chưa có tín hiệu cải thiện tích cực, nước mắm vẫn không bán được nhiều. Mặt khác, vốn vay ngân hàng khó khăn, lãi suất tăng cao làm cho nhiều hội viên khó có thể duy trì sản xuất, một số hội viên đang bên bờ vực phá sản…

Nguyên nhân sản phẩm nước mắm Phú Quốc khó tiêu thụ do các công ty lớn tại Tp. Hồ Chí Minh không mua của các đơn vị trung gian nên các đơn vị này không mua nước mắm Phú Quốc; ảnh hưởng đại dịch COVID-19 đã làm giảm sức mua của người tiêu dùng từ 20 - 30%; giá thành nước mắm Phú Quốc cao hơn những loại nước mắm, nước chấm khác trên thị trường. Việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm nước mắm, xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường trong và ngoài nước còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa được đầu tư sâu, thiếu thị trường truyền thống tiềm năng ổn định...

Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc nhấn mạnh, trước tình hình hết sức khó khăn này, nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc cần có những giải pháp đồng bộ để phát triển bền vững, hiệu quả; trong đó, vấn đề cốt lõi là quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại và tìm ra hướng tiêu thụ nước mắm ổn định, hiệu quả cho hội viên và những nhà thùng khác trên đảo Phú Quốc, nhất là xây dựng được thị trường truyền thống ổn định cho nước mắm Phú Quốc.

Hội nước mắm Phú Quốc đề xuất với cấp thẩm quyền tỉnh Kiên Giang cần tổ chức “Lễ hội nước mắm Phú Quốc năm 2023” với quy mô cấp tỉnh, nhằm quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm hướng tiêu thụ nước mắm Phú Quốc; tích cực tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm nước mắm mang tính căn cơ, ổn định, bền vững.

Hội nước mắm Phú Quốc cũng đề xuất hỗ trợ dựng bảng hiệu quảng cáo nước mắm Phú Quốc tại các vị trí tập trung đông người trong và ngoài tỉnh, nhất là trên địa bàn thành phố Phú Quốc nhằm truyền tải thông điệp của một sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với khách du lịch trong và ngoài nước.

Theo Hội nước mắm Phú Quốc, vì du khách trong nước và quốc tế hàng năm đến đảo ngọc Phú Quốc tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng… hàng triệu lượt người vì vậy, cần tăng cường truyền thông, quảng bá, giới thiệu đặc sản nước mắm Phú Quốc.

Đồng thời, xây dựng điểm tập trung mua bán nước mắm cho hội viên Hội nước mắm Phú Quốc tại Phú Quốc theo hướng chuyên nghiệp, bài bản, thu hút khách hàng…

Cùng đó, nhiều hội viên Hội nước mắm Phú Quốc kiến nghị tỉnh Kiên Giang sớm có các giải pháp hữu hiệu để nước mắm Phú Quốc phát triển ổn định và bền vững, xứng tầm với một di sản mà ông cha để lại, phát huy văn hóa bản địa của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố biển đảo Phú Quốc.

Tỉnh cũng cần có cơ chế riêng cho việc xúc tiến thương mại trong và ngoài nước cho sản phẩm nước mắm Phú Quốc; hàng năm, tổ chức “Lễ hội nước mắm” trên đảo Phú Quốc vào dịp lễ 30/4; bố trí cho Hội nước mắm Phú Quốc quỹ đất sạch từ 3 - 5 ha để xây dựng khu tập trung bán nước mắm của hội viên và phục dựng làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống cho khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, mua đặc sản nước mắm truyền thống Phú Quốc.

Ngoài ra, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các hội viên, doanh nghiệp, nhà thùng nước mắm, chủ phương tiện khai thác đánh bắt cá cơm nguyên liệu về thủ tục, quy trình, thực hiện đúng quy định hồ sơ đáp ứng yêu cầu của thị trường châu Âu và những thị trường khác trên thế giới để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nước mắm vào các thị trường này.

Bên cạnh đó, có kế hoạch, giải pháp đảm bảo nguồn nguyên liệu cá cơm trên vùng biển Phú Quốc ngày càng sinh sôi, nảy nở, không bị suy kiệt để ổn định và phát triển bền vững, hiệu quả việc sản xuất kinh doanh nước mắm truyền thống Phú Quốc.

Lê Huy Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm