Thêm nhiều sản phẩm của Vĩnh Phúc được chứng nhận OCOP

Kể từ khi thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều sản phẩm đã được chứng nhận và phát huy hiệu quả. Công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đã và đang được tập trung thực hiện thông qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là nhân rộng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm nhằm đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

gadoilapthachaphot.jpg
Sản phẩm gà đồi ủ muối của Cơ sở sản xuất Ngô Văn Phước được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin tưởng lựa chọn. Ảnh: baovinhphuc.com.vn

Để hỗ trợ sản phẩm OCOP bắt nhịp thị trường và tiếp cận người tiêu dùng, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ cơ sở sản xuất đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là làm nông nghiệp hữu cơ góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời, tạo ra các sản phẩm hàng hóa chất lượng, mang tính đặc trưng vùng miền, có khả năng xuất khẩu cao.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng vừa ban hành Quyết định số 51/2023/QĐ-UBND về hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đối với các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình OCOP. Theo đó, Vĩnh Phúc hỗ trợ chi phí xây dựng và đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm OCOP, mức hỗ trợ theo hóa đơn thực tế và tối đa không quá 35 triệu đồng/nhãn hiệu; hỗ trợ chi phí in ấn tem nhãn hàng hóa, bao bì sản phẩm...

Riêng năm 2023, Vĩnh Phúc đã đánh giá phân hạng, chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cho 33 sản phẩm của 19 chủ thể, điển hình như: đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, nem thính tươi, nem hấp bùi, A Phớt - Gà đồi Lập Thạch ủ muối, cá thính Lan Anh, thịt chua Friend Foods, giò gà nấm (nhãn hiệu Hải Đồi). Huyện Tam Đảo có 5 sản phẩm gồm: rượu gạo nếp, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giải độc gan TAMDAO trùng thảo, đông trùng hạ thảo Tam Đảo ký chủ nhộng trường thọ, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phổi phế khang TAMDAO trùng thảo, trà hoa vàng Long Tám, sữa tươi thanh trùng không đường, sữa chua nếp cẩm Vĩnh Tường...

Như vậy, lũy kế từ khi thực hiện Chương trình OCOP (năm 2019) đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 140 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP; trong đó, 34 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 106 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Việc được đánh giá, phân hạng và công nhận là sản phẩm OCOP sẽ giúp nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho các sản phẩm trên thị trường và tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.Điều đáng quan tâm, Chương trình OCOP đã và đang tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp tại Vĩnh Phúc. Cùng với việc lập quy hoạch vùng sản xuất, phát triển chuỗi liên kết, tỉnh chú trọng xây dựng nhãn hiệu cho các nông sản đặc trưng, từ đó nâng cao giá trị và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Nhiều sản phẩm đặc trưng trước đây sản xuất theo phương thức truyền thống khi tham gia vào Chương trình OCOP được chuẩn hóa, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng.

Qua đó, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại. Sản phẩm thanh long ruột đỏ Lập Thạch, huyện Lập Thạch là nông sản đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc được xuất khẩu sang thị trường một số nước. Trước đây, cây trồng này trồng phân tán, nhỏ lẻ mang tính tự phát, huyện Lập Thạch đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển vùng sản xuất thanh long ruột đỏ bền vững theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm tại 5 xã: Ngọc Mỹ, Vân Trục, Xuân Hòa, Hợp Lý, Quang Sơn với quy mô hàng trăm ha, sản phẩm thanh long ruột đỏ Lập Thạch được tỉnh Vĩnh Phúc cấp chứng nhận đạt chất lượng sản phẩm OCOP, phân hạng 3 sao.

Điều này được coi là bước tiến quan trọng của thanh long ruột đỏ Lập Thạch trên hành trình khẳng định thương hiệu, thực tế sản phẩm được đưa đi nhiều siêu thị ở các tỉnh, thành tiêu thụ và được người tiêu dùng đánh giá cao. Các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm đến Lập Thạch ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm Thanh Long ruột đỏ ổn định.

Nguyễn Trọng Lịch

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm