Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên, hiện toàn tỉnh có tổng đàn hợn hơn 650.000 con; 15,8 triệu con gia cầm; trên 90.000 con trâu, bò với tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 212.000 tấn/năm. Chăn nuôi chiếm 44,5% giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản và hơn 50% giá trị sản xuất nội ngành nông nghiệp.
Chất lượng đàn gia súc, gia cầm ngày càng được nâng cao, tỷ lệ đàn lợn ngoại, lai năng suất, chất lượng đạt 75% tổng đàn; đàn bò lai Zebu và các giống bò chất lượng cao đạt 65% trở lên; đàn gà lông màu có chất lượng đạt 85% tổng đàn. Sản xuất chăn nuôi của tỉnh Thái Nguyên những năm qua phát triển theo hướng tích cực.
Chăn nuôi quy mô trang trại phát triển nhanh, đang thay thế dần chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô nông hộ với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong chăn nuôi. Điều này góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi...
Thái Nguyên hiện có hơn 1.100 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; trong đó có 57 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, 723 trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm quy mô vừa và hơn 300 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ. Hiện hầu hết các trang trại chăn nuôi ở Thái Nguyên đã sản xuất theo chuỗi liên kết kép kín, tuần hoàn trong cung cấp thức ăn, giống, thuốc thú y, xử lý môi trường và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất như: sử dụng 100% giống ngoại năng suất, chất lượng cao, hệ thống chuồng kín, trang bị đèn sưởi, silo, máng ăn tự động, máy tiêm, máy bấm răng nanh, gắn chíp điện tử thẻ tai, đầu tư hệ thống quạt làm mát, phun tắm tự động...
Bước đầu, một số trang trại chăn nuôi đã áp dụng hệ thống dọn chất thải tự động, hệ thống quạt hút giảm nhiệt độ bằng bộ phận cảm ứng, áp dụng các biện pháp xử lý môi trường chăn nuôi như: công nghệ phủ bạt, Saibon, đệm lót sinh học, máy ép tách phân sản xuất phân hữu cơ, máy lọc sục khí, công nghệ vi sinh hữu hiệu, chế phẩm sinh học để xử lý chất thải... Qua đó, 116 trang trại, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn đã được cấp chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, 42 cơ sở được chứng nhận chăn nuôi an toàn dịch bệnh...
Để phát triển chăn nuôi tuần hoàn, các huyện, thành phố đã quy hoạch, bố trí đất đai dành cho phát triển chăn nuôi, quy hoạch địa điểm để thu hút đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Toàn tỉnh đã có 75 hợp tác xã chăn nuôi hoạt động sản xuất theo chuỗi từ tổ chức sản xuất đến giết mổ, tiêu thụ sản phẩm, hình thành các vùng chăn nuôi gà thả vườn có thương hiệu tại huyện Phú Bình, Định Hóa, vùng chăn nuôi lợn tại thành phố Phổ Yên, huyện Phú Bình, vùng chăn nuôi bò tại huyện Định Hóa, Phú Bình, thành phố Phổ Yên.
Đến nay, Thái Nguyên đã xây dựng được 22 chuỗi sản xuất chăn nuôi gắn với giết mổ, tiêu thụ sản phẩm, chế biến. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại áp dụng mô hình chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm hiệu quả. Điển hình là 13 công ty, doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn như: CP, Japfa comfeed, Emivet, Emoss, CJ Vina Agri, Dabaco… đã liên doanh, liên kết với 400 trang trại để hình thành chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, một số hợp tác xã chăn nuôi quy mô lớn như Hợp tác xã chăn nuôi trồng trọt dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh (xã Tân Khánh, huyện Phú Bình), Hợp tác xã chăn nuôi bò 3B Thanh Bình (xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ), Hợp tác xã chăn nuôi Xanh (xã Lương Sơn, thành phố Sông Công), Hợp tác xã chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My (xã Nga My, huyện Phú Bình)... đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng các dự án chăn nuôi quy mô lớn tuần hoàn, kép kín khi đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng tổng đàn lợn thêm trên 200.000 con...
Phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn là hoạt động chăn nuôi theo chu trình kép kín, tuần hoàn giúp chất thải được xử lý làm nguyên liệu cho trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát trong sản xuất. Đây là hướng đi bền vững trong định hướng phát triển nông nghiệp tuần hoàn, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành chăn nuôi của tỉnh.
Tuy nhiên, việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm ở Thái Nguyên vẫn còn một số hạn chế. Các mô hình chăn nuôi tuần hoàn được áp dụng nhưng chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả chưa cao, phương thức chăn nuôi tuần hoàn hiện mới chỉ áp dụng đồng bộ tại mô hình trang trại tổng hợp; việc quy hoạch, bố trí đất đai cho phát triển chăn nuôi trang trại, cơ sở giết mổ còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc chuyển đổi, bố trí đất đai để thu hút đầu tư các dự án chăn nuôi có quy mô lớn; chăn nuôi quy mô nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ cao (trên 60%), hệ thống chuồng trại tận dụng, không đồng bộ, hạn chế về kiến thức khoa học để áp dụng vào thực tiễn nên việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi tuần hoàn, VietGAP khó thực hiện đồng bộ...
Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, triển khai các dự án, mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cao, công nghệ sinh học, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tái sử dụng chất thải chăn nuôi góp phần giảm ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững. Tỉnh quy hoạch các vùng chăn nuôi, giết mổ tập trung, ứng dụng công nghệ cao để kêu gọi cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi, thực hiện đồng bộ biện pháp phòng chống dịch bệnh; áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý môi trường chăn nuôi, sử dụng phân bón hữu cơ cho ngành trồng trọt.
Đồng thời, Thái Nguyên tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ của Trung ương về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi tập trung, thu hút đầu tư chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Ngành nông nghiệp xây dựng, nhân rộng mô hình phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái, nhất là mô hình trồng trọt - chăn nuôi, sử dụng sản phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi và sử dụng hiệu quả các phụ phẩm chăn nuôi, cung cấp nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ cho trồng trọt; khuyến khích người dân xây dựng các mô hình trồng trọt - chăn nuôi bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu...
Hoàng Thảo Nguyên