Phát triển chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm

Phát triển chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm

Phát triển chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn là một trong những chủ trương, định hướng chung của nhà nước về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phù hợp với mục tiêu “Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045” tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg, ngày 6/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với ý nghĩa này, ngày 21/7, tại tỉnh Thái Nguyên, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp mang chủ đề “Giải pháp phát triển chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm”.

Phát triển chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm ảnh 1Gia đình anh Nguyễn Văn Tịnh, ở xóm 11, xã Tân Linh (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) liên kết chăn nuôi lợn với Công ty CJ Vina Agri nên không phải lo đầu ra sản phẩm. Ảnh: daitu.thainguyen.gov.vn

Phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn là việc triển khai các loại hình, phương thức, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, thủy sản và lâm nghiệp. Trong những năm gần đây, ở Việt Nam, mô hình áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi tuần hoàn đã nâng cao giá trị, gia tăng sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chăn nuôi, tận dụng đầu ra của chăn nuôi tạo nguồn phân bón hữu cơ chất lượng cao cho trồng trọt, làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, trồng lúa, rau hữu cơ…

Trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã và đang triển khai một số mô hình phát triển chăn nuôi tuần hoàn, trong đó có ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sử dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp như là một nguồn lợi nhằm nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể, triển khai mô hình chăn nuôi lợn, trồng trọt theo hướng hữu cơ tại 6 tỉnh gồm Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Nam Định, Quảng Bình, Huế, Đồng Nai với quy mô 2.700 lợn thịt. Mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học kết hợp trồng trọt tại Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ, Bắc Giang, Điện Biên. Hay một số mô hình chăn nuôi tuần hoàn của Trung tâm phối hợp với các doanh nghiệp có gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm như mô hình chăn nuôi an toàn sinh học 4F của Tập đoàn Quế Lâm, mô hình trang trại chăn nuôi bò thịt theo hướng tuần hoàn của Công ty T&T 159 (tỉnh Hòa Bình)…

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Liên Hương, Phó trưởng phòng Khuyến nông Chăn nuôi Thú y - Trung tâm Khuyên nông Quốc gia, nhìn chung, những mô hình này đã mang lại hiệu quả nhất định, song vẫn gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương chưa có chính sách hỗ trợ tài chính, đất đai, nguồn lực nên chưa phát triển kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; phụ phẩm nông nghiệp chưa được tái sử dụng triệt để, vẫn còn tình trạng lãng phí, gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, nhận thức của người dân, doanh nghiệp về bản chất của pháp triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi còn chưa đầy đủ, nhiều hộ tham gia vẫn theo thói quen, kinh nghiệm đã có nên việc tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Ngoài ra, việc sản xuất và thương mại phế phụ phẩm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm còn chưa được quan tâm đúng mức, đa số mới chỉ dừng lại ở việc tận dụng để phục vụ trồng trọt trong gia đình…

Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung xoay quanh chủ đề của chương trình như: thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế chăn nuôi tuần hoàn; sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ – định hướng trong thời gian tới; kết quả nghiên cứu về chăn nuôi tuần hoàn tại Việt Nam; giải pháp phát triển chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm…

Nêu quan điểm về định hướng và giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn đến năm 2030, ông Đường Công Hoàn, Phó trưởng phòng Môi trường và Công nghệ chăn nuôi, Cục Chăn nuôi cho rằng, cần có những giải pháp về cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính, đất đai, nguồn lực cho các trang trại xây dựng hệ thống xử lý chất thải, đáp ứng quy định pháp luật về môi trường; hoặc có chính sách về giá điện từ khí sinh học để khuyến khích các cơ sở chăn nuôi lớn khai thác hết lượng khí sinh học dư thừa; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Bộ tài liệu kỹ thuật hướng dẫn quy trình thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp cho mục đích khác…

Ngoài ra, ông Hoàn cho rằng cần phải có các dự án ưu tiên trong lĩnh vực này như: dự án sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi lợn, gà; dự án nuôi côn trùng để xử lý chất thải chăn nuôi làm thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón cho cây trồng; dự án sản xuất khí sinh học quy mô lớn từ chất thải chăn nuôi lợn…

Nhiều đại biểu cho rằng, để phát triển chăn nuôi tuần hoàn trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến để phát triển kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi tuần hoàn, ứng dụng công nghệ thông tin, thu thập, tổng hợp, phân tích, đánh giá, đề xuất quy trình, quy chuẩn phù hợp từng đối tượng, lĩnh vực và vùng miền.

Bên cạnh đó, cũng cần thực hiện việc tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và người sản xuất nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản), chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, khuyến khích áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt, hữu cơ, theo hướng hữu cơ, an toàn… quản lý và tái tạo tài nguyên theo một chu trình khép kín, hạn chế tối đa lượng phế thải, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh về giá trị sản phẩm; giảm tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe của con người.

Việt Nam là nước sản xuất lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp hàng năm, theo Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp trong năm 2020 của cả nước là 156,8 triệu tấn; trong đó ngành trồng trọt chiếm 56,7%, chăn nuôi chiếm 39,1%, lâm nghiệp chiếm 3,5% và thủy sản 0,7%. Theo ước tính của Cục Chăn nuôi, trong giai đoạn 2018-2022, mỗi năm cả nước có trung bình 60 triệu tấn phân và trên 290 triệu m3 nước thải chăn nuôi được thải ra từ các loại vật nuôi cần phải được xử lý, tái sử dụng để bảo vệ môi trường.

Hiện số trang trại có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi trong cả nước đạt tỷ lệ 95% và số hộ chăn nuôi có biện pháp này mới đạt 72%. Một nghịch lý đang diễn ra, đó là trong khi nước ta vẫn còn một lượng lớn chất thải chăn nuôi chưa được xử lý và thải trực tiếp ra môi trường, thì hằng năm, vẫn phải nhập khẩu trên 4 triệu tấn phân bón, trị giá khoảng 1,45 tỷ USD cho ngành trồng trọt. Đây là sự lãng phí vô cùng lớn.

Thu Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm