Chăn nuôi gia súc an toàn sinh học theo chuỗi liên kết

Nhiều hộ chăn nuôi tại Bình Phước đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Nhờ vậy, chất lượng, tầm vóc đàn bò được cải thiện, nhiều mô hình chăn nuôi quy mô hàng hóa được hình thành, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: K GỬIH -
Nhiều hộ chăn nuôi tại Bình Phước đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Nhờ vậy, chất lượng, tầm vóc đàn bò được cải thiện, nhiều mô hình chăn nuôi quy mô hàng hóa được hình thành, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: K GỬIH -

Nhằm cung cấp cho thị trường những sản phẩm tốt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và đảm bảo cho người chăn nuôi có hiệu quả, bền vững, ngày 18/5, tại Phú Thọ, Hiệp hội chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam phối hợp với Trường đại học Hùng Vương và Hội chăn nuôi Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề: "Các giải pháp chính phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ hiệu quả và bền vững".

Theo PGS.TS Hoàng Kim Giao, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam nêu rõ, hiện chăn nuôi loại gia súc ăn cỏ ở nước ta mới cung cấp được 42-43% nhu cầu sữa, 45-50% nhu cầu thịt cho tiêu dùng trong nước, số còn lại vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Từ năm 2020 đến nay, tổng sản lượng thịt của loại gia súc này sản xuất ra đã tăng lên và chiếm 9,5% tổng sản lượng thịt sản xuất của ngành chăn nuôi, nhưng so với nhu cầu tiêu thụ trong nước vẫn chưa đáp ứng được.

Chăn nuôi gia súc an toàn sinh học theo chuỗi liên kết ảnh 1Nhiều hộ chăn nuôi tại Bình Phước đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Nhờ vậy, chất lượng, tầm vóc đàn bò được cải thiện, nhiều mô hình chăn nuôi quy mô hàng hóa được hình thành, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: K GỬIH - TTXVN

Theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), bình quân tiêu thụ thịt bò của người Việt Nam là năm 2021 là 7,3 kg; trong đó, sản xuất trong nước mới đảm bảo được 40% còn 60% phải nhập khẩu từ nước ngoài. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy, từ năm 2019 đến 2021, mỗi năm nước ta bỏ ra trên dưới 1 tỷ USD để nhập khẩu thịt trâu bò.

Hiện nay, chăn nuôi gia súc ăn cỏ đang được nhà nước ưu tiên cho đầu tư phát triển, nhưng chăn nuôi loại gia súc này đặc biệt gia súc cho thịt vẫn gặp rất nhiều khó khăn như khó khăn về con giống; chưa có hoặc có rất ít mô hình chăn nuôi trâu, bò thịt, dê thịt theo đúng nghĩa; hệ thống giết mổ, phân loại chất lượng thịt và phân phối lưu thông sản phẩm chưa phù hợp; chính sách khuyến khích và hỗ trợ vốn cho người chăn nuôi còn hạn chế; kiểm soát dịch bệnh còn gặp nhiều khó khăn…

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi, tiềm năng phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ như: như hạ tầng giao thông kết nối tốt; diện tích đất đồi tự nhiên lớn; đồng cỏ, thức ăn xanh lớn… Chăn nuôi gia súc ăn cỏ sẽ là một trong những giải pháp quan trọng góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững và làm giàu cho nông dân.

Theo ông Lã Văn Thảo, Quyền Trưởng phòng Kế hoạch và Tổng hợp Cục Chăn nuôi, mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất của gia súc ăn cỏ của Việt Nam giai đoạn 2021-2025 đạt mức 4-5%/năm; sản lượng thịt các loại từ 8-10%/năm; sản lượng sữa từ 1,7-1,8 triệu tấn/năm; trung bình tiêu thụ thịt các loại 50-55kg/người/năm và tiêu thụ sữa 16-18kg/người/năm.

Để đạt được mục tiêu này, ngành nông nghiệp rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển chăn nuôi. Từng bước chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, công nghiệp, phù hợp với thực tế địa phương. Đồng thời, thực hiện quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với quy hoạch giết mổ và thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, dự báo thị trường và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm gia súc ăn cỏ đến các thị trường tiềm năng.

Các đại biểu đều cho rằng, chăn nuôi gia súc an toàn sinh học, theo chuỗi liên kết để phát triển bền vững là xu hướng tất yếu. Vì vậy, cần có chính sách tiếp tục hỗ trợ các hộ chăn nuôi phát triển sản xuất trở thành các trang trại chăn nuôi, liên kết với các doanh nghiệp thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã. Phát triển sản phẩm chăn nuôi gia súc ăn cỏ sạch, hữu cơ, sinh thái, gắn với du lịch và xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm.

Ông Bùi Đại Phong, Tổng Giám đốc Công ty Giống gia súc Hà Nội chia sẻ, chăn nuôi ở Hà Nội luôn trong tốp đầu cả nước về năng suất, chất lượng, có nhiều giống mới hàng đầu trên thế giới được ứng dụng vào thực tiễn có hiệu quả, là địa chỉ uy tín cung cấp giống trên cả nước. Để đạt kết quả này, Hà Nội thực hiện đồng bộ giải pháp, thay đổi từ phương thức chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp, chăn nuôi sinh học, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, đưa chăn nuôi trở thành mũi nhọn đột phá trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp Thủ đô.

Cùng với đó, Hà Nội cũng có một số cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư để đưa chăn nuôi gia súc ăn cỏ phát triển thành ngành sản xuất hàng hóa. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới công tác quy hoạch vùng, xã trọng điểm, trại quy mô lớn ngoài khu dân cư, nâng cao chất lượng con giống xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Đặc biệt, chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản đứng đầu cả nước về chất lượng do áp dụng công nghệ cao; xây dựng bản đồ chăn nuôi phù hợp với từng vùng địa lý và chất lượng đàn bò cái nền; xây dựng trung tâm sản xuất tinh bò đông lạnh; thực hiện hợp tác sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi…

Theo ông Trần Tú Anh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Phú Thọ, trên địa bàn đã hình thành nhiều vùng phát triển chăn nuôi gia súc tập trung tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Cẩm Khê, Thanh Ba, Tam Nông, Thanh Thủy; một số vùng lên trồng ngô sinh khối tại các huyện Hạ Hòa, Đoan Hùng, Cẩm Khê, Thanh Thủy, với tổng diện tích ngô sinh khối khoảng 2.000 ha/năm. Hình thành 4 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ bò thịt chất lượng cao giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn. Đây vừa là xu thế vừa được xem là chìa khóa giúp người chăn nuôi gia súc ăn cỏ tăng lợi nhuận, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, tập trung sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được sản xuất chủ yếu trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, đối xử nhân đạo với vật nuôi, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng…

Các đại biểu cũng đồng tình cho rằng, thúc đẩy chăn nuôi gia súc ăn cỏ hiệu quả và bền vững, trước hết cần tập trung vào một số giải pháp và nhóm giải pháp như tiếp tục hoàn thiện thể chế ngành chăn nuôi; kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch kinh tế - xã hội, trong đó có ngành chăn nuôi theo hướng sản phẩm gắn với sản phẩm, theo vùng và theo từng đối tượng chăn nuôi để đáp ứng phù hợp nhu cầu thị trường; làm tốt công tác quản lý giống gia súc ăn cỏ; thực hiện tốt các giải pháp về chính sách, kỹ thuật, thức ăn.

Trung Kiên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm