Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đang là hướng đi mới và bắt đầu manh nha một số mô hình trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và bước đầu đã có những lợi ích, hiệu quả nhất định. Đây là xu thế phát triển hiện đại, bảo vệ môi trường mà các cơ quan chức năng đang khuyến khích triển khai.
Mô hình chăn nuôi lợn theo quy trình tuần hoàn khép kín không phát sinh mùi hôi, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế chất thải, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi và xử lý chất thải để làm phân bón hữu cơ vi sinh cho cây trồng của Công ty TNHH Trang Linh, ấp Trang Hoàng, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc là mô hình chăn nuôi điển hình của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Hiện trang trại đang nuôi hơn 38.000 con lợn; trong đó có 35.000 con lợn thịt và 3.000 con lợn nái.
Theo anh Phạm Trường Giang, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Trang Linh cho biết, trang trại của gia đình anh có diện tích 70 ha; trong đó dành 25 ha sử dụng trong chăn nuôi lợn, ngay từ khi thành lập trang trại đã ứng dụng các công nghệ cao vào chăn nuôi, hạn chế chất thải, nước thải; từ đó hạn chế mùi hồi trong chăn nuôi.
Hiện, trang trại Trang Linh đang ứng dụng quy trình chăn nuôi lợn bằng đệm lót sinh học, khép kín trong chuồng lạnh, máng ăn, nước uống hoàn toàn tự động. Đặc biệt, trong quá trình nuôi, lợn nuôi từ khi sinh ra cho đến kỳ xuất chuồng lợn thịt hoàn toàn không tắm (không tiếp xúc với nguồn nước), từ thiết kế chuồng trại và cách chăn nuôi này đã giúp hạn chế về dịch bệnh, tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong sử dụng điện, nước, thuốc thú y, đảm bảo về môi trường nuôi do không phát sinh nước thải, không phải xử lý nước thải trong trong chăn nuôi.
Mặc dù, hiện nay trang trại nuôi với số lượng lợn rất lớn, nhưng khi bước vào khuôn viên của khu vực chăn nuôi hầu như không phát sinh mùi hôi, nước thải từ nước tiểu của lợn cũng được thu gom, xử lý triệt để không để tràn ra môi trường.
Để chất thải từ phân lợn sau mỗi lứa chăn nuôi, Công ty TNHH Trang Linh còn đầu tư xây dựng một nhà máy chuyên sản xuất phân hữu cơ vi sinh chất phân lợn. Anh Phạm Trường Giang cho biết, do dùng đệm lót sinh học nên sau mỗi lứa nuôi lợn phân được thu gom cũng đã được vi sinh phân hủy hoai mục. Công nhân chỉ việc thu gom tới nhà máy và tiếp tục trộn ủ thêm men vi sinh và đóng bao để bán ra thị trường và phục vụ trồng rau sạch trong khu vực nhà lưới của công ty. Nhờ áp dụng quy trình tuần hoàn này, phía công ty đã giải quyết được lượng chất thải rất lớn trong việc chăn nuôi có thêm nguồn thu nhập từ việc bán phân bón hữu cơ, lại cung cấp cho thị trường lượng lớn phân hữu cơ đã được xử lý triệt để rất chất lượng và tốt cho cây trồng.
Không chỉ áp dụng quy trình tuần hoàn trong mô hình chăn nuôi, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện mô hình dùng chính các phế phẩm dư thừa trong sản xuất trồng trọt để làm phân hữu cơ bón lại cho chính cây trồng đó.
Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ Nhân Tâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc là một trong những đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ sinh học xử lý chất thải từ những phụ phẩm bỏ đi như cành, lá các loại cây nhãn, phế phẩm, vỏ xoài, chuối… để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh dạng lỏng và rắn bón cho cây nhãn - cây trồng chủ lực của hợp tác xã. Việc ứng dụng công nghệ này vừa bảo vệ môi trường, vừa đem lại lợi ích kinh tế cao cho hợp tác xã.
Ông Phan Thế Hoành, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, trước áp lực giá các loại phân bón hóa học đang ngày càng tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người nông dân, anh và các cộng sự trong hợp tác xã đã tự mày mò học cách ủ phân hữu cơ vi sinh bằng chính những phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp mà hàng ngày nông dân thường phải gom bỏ đi hoặc gom lại để đốt trong vườn để làm phân bón cho cây nhãn.
Các loại phế phẩm này được anh gom lại và ủ chung với phân hữu cơ như phân dê, phân bò và men vi sinh thời gian 20 ngày. Nhờ tác dụng của men vi sinh các phế phẩm này nhanh chóng được hoai mục sau đó sẽ được cho vào máy xoay vụn như mùn cưa để đem đi bón cho cây nhãn.
Gia đình ông Trương Đình Nam, là thành viên của hợp tác xã Nhân Tâm, ngụ ấp Phú Lâm, xã Hòa Hiệp đang là hộ nông dân đầu tiên sử dụng loại phân bón từ quy trình tuần hoàn này. Ông chia sẻ, vườn nhãn của gia đình ông đã trồng được 20 năm, cây đã cằn cỗi đã tính sẽ chặt bỏ. Tuy nhiên, khi sử dụng loại phân bón hữu cơ ủ từ cành, lá, phế phẩm nông nghiệp với men vi sinh này đã giúp cây phục hồi và tươi tốt. Nếu như năm ngoái để bón dưỡng cây và nuôi hoa, nuôi trái ông Nam đã phải bón 4 lần phân hóa học cây mới được tươi tốt. Thế nhưng, năm nay ông mới chỉ bón có 1 lần phân hóa học và 1 lần loại phân hữu cơ này đã nhận thấy cây rất tốt, khỏe, tỷ lệ đậu trái khá cao, đặc biệt là đất rất tơi xốp và màu mỡ. Không những vậy, gia đình ông còn tiết kiệm được gần 70% chi phí phân bón, tận dụng được các phế phẩm sẵn có trong vườn mà trước đây ông thường phải thu gom và đốt bỏ.
Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã manh nha hình thành một số mô hình nông nghiệp sản xuất theo quy trình sản xuất tuần hoàn và mang lại hiệu quả cao như: mô hình vườn – ao – chuồng; mô hình trồng lúa – trồng nấm; mô hình trồng lúa – trồng nấm– sản xuất phân hữu cơ – trồng cây ăn quả; mô hình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp; mô hình sản xuất ủ phân bò – trùn quế - trồng cây; mô hình trông ngô – gia súc....
Theo ông Nguyễn Chí Đức lợi ích của mô hình sản xuất tuần hoàn trong nông nghiệp mang lại rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có rất ít hộ dân tham gia khiến công tác thu gom phụ phẩm gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ còn thủ công và ở quy mô nhỏ, chưa có máy móc thiết bị hỗ trợ nên nếu sản xuất ở quy mô lớn sẽ bị hạn chế. Còn thiếu sự liên kết giữa các hộ trồng nấm, hộ sản xuất phân bón và hộ trồng cây ăn quả nên chưa phát huy tối đa hiệu quả. Phân bón hữu cơ sản xuất đuộc chỉ dùng trong phạm vi hộ gia đình chứ chưa được sản xuất và bán rộng rãi…
Việc đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn là chủ trương của Chính phủ cũng như của tỉnh, chính vì vậy, thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đã ban nhiều tài liệu, văn bản hướng dẫn việc thu gom, xử lý phụ phẩm cây trồng để gửi các địa phương hướng dẫn bà con nông dân sử dụng đa giá trị trên một đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, thời gian tới Chi cục cũng sẽ triển khai một số mô hình trình diễn sản xuất tuần hoàn để bà con có thể học hỏi và áp dụng triển khai rộng rãi.
Hoàng Nhị