Còn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đặc sản vùng miền trên địa bàn Nghệ An tích cực nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm, tăng cường quảng bá ra thị trường thông qua nhiều kênh phân phối bán lẻ khác nhau nhằm tìm kiếm thị trường, tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho người dân trong dịp Tết.
Chủ động nguồn cung, đa dạng sản phẩm
Giò bê (hay còn gọi là giò me) Châu Hường – một trong những sản phẩm OCOP 4 sao của huyện Nam Đàn từ lâu nức tiếng thơm ngon, hương vị đậm đà của thịt bê và là món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết của mỗi gia đình.
Với phương châm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ sở đặt hàng với nhiều hộ dân cung cấp nguyên liệu nuôi bê thành phẩm. Mỗi ngày lựa chọn từng con bê cỏ ngon, béo, vừa tháng (3-4 tháng), trung bình 7 tạ thịt/ngày để làm ra các loại sản phẩm. Cơ sở sản xuất giò bê Châu Hường sản xuất quanh năm, song cao điểm là hai tháng cuối năm. Sản lượng tiêu thụ trong tháng Tết gấp 3 – 4 lần so với các tháng trong năm, dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sẽ cần khoảng 30 tấn thịt để làm ra các loại sản phẩm.
"Ngoài cung ứng lượng hàng đã cam kết với siêu thị Go, Lotte, hiện tại cơ sở sản xuất cũng đã nhận các đơn hàng của khách hàng sỉ lâu năm ở trong và ngoại tỉnh, Hàn Quốc và Anh. Đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, ngoài sản phẩm truyền thống là giò bê, xúc xích bê thì nay cơ sở đã cho ra mắt nhiều sản phẩm khác để khách hàng lựa chọn như gà/chân giò ủ muối, nem chua chả cốm, chân giò/gà ủ muối, gân bò/bắp bò/chân gà muối rau tiến vua... Để cung ứng đủ lượng hàng Tết, cơ sở cũng đã đặt hàng thêm với nhiều hộ dân ở các địa phương khác có được nguồn nuôi bê có chất lượng", anh Nguyễn Văn Huy – Chủ cơ sở sản xuất Giò bê Châu Hường nói.
Thời điểm cuối năm là cao điểm tăng cường sản xuất phục vụ thị trường Tết, Công ty cổ phần Hasafood Nghệ An, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp tích cực thu mua nguyên liệu để cung ứng cho thị trường. Là công ty chuyên về hoa quả sấy như chuối, mít, cam dứa, khoai…, sản phẩm được người tiêu dùng ưa thích không chỉ có mặt trong những ngày lễ Tết mà cả ngày thường.
Với dây chuyền sấy hiện đại, mỗi năm Công ty cổ phần Hasafood đã bao tiêu khoảng 100 tấn cam tươi, chế biến thành sản phẩm cam lát sấy khô, sấy lạnh; 50-70 tấn mít tươi thành sản phẩm mít sấy giòn; 80 tấn chuối thành sản phẩm chuối sấy giòn, chuối sấy lạnh; hàng chục tấn dứa và hàng chục tấn chè búp tươi thành sản phẩm bột trà xanh matcha… tạo việc làm và thu nhập cho gần 30 lao động địa phương.
Anh Nguyễn Sơn Tin cho biết: "Cam, chuối, mít, chè xanh… đều là các loại cây trồng chủ lực tại địa phương. Các sản phẩm đều đạt chất lượng 3-4 sao, được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước, phân phối tại nhiều cửa hàng, siêu thị bán lẻ hiện đại và Tết này đã có mặt trên kệ của hệ thống Go. Vì vậy, đây là thời điểm nước rút Công ty tăng cường thu mua thêm nguyên liệu, đa dạng sản phẩm, mẫu mã và giữ vững nguyên tắc đẩm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đưa tới tay người tiêu dùng sản phẩm chất lượng nhất".
Quảng bá trên sàn thương mại điện tử
Đến nay, tổng số doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, hộ sản xuất nông nghiệp Nghệ An được đưa lên các sàn gần 270.000 hộ, với gần 9.000 sản phẩm, xếp thứ 5 cả nước về số sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn; trong đó, hơn 95% sản phẩm OCOP của tỉnh Nghệ An đã lên các sàn thương mại điện tử.
Không chỉ tham gia sàn hay sử dụng website của mình để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã ứng dụng lợi thế các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo… để quảng bá, tương tác, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ. Đây chính là giải pháp đưa số hóa vào cuộc sống của người dân một cách thiết thực và hiệu quả nhất, từ đó, thúc đẩy phát triển các hình thức giao thương đa dạng.
Trước đây, các mặt hàng hải sản qua chế biến của Công ty TNHH Sơn Huyền, phường Nghi Hải, Thị xã Cửa Lò chỉ nhắm đến thị trường truyền thống là các đại lý phân phối, nhà hàng, chợ và khách lẻ mua trực tiếp, do đó lượng khách hàng bó hẹp nội tỉnh. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc tiêu thụ các sản phẩm không thuận lợi, vì vậy ngoài duy trì khách hàng truyền thống thì năm nay, công ty đã đẩy mạnh việc quảng bá trên các nền tảng số, tham gia các hội chợ thương mại, kết nối với các siêu thị, các cửa hàng thực phẩm sạch để tiếp cận thị trường mới, nhất là thời điểm cận Tết.
"Trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin, các doanh nghiệp muốn phát triển sản phẩm của mình thì phải đưa thông tin sản phẩm của mình lên đa kênh, bán hàng trực tiếp trên sàn thương mại điện tử. Thông qua các hội chợ và trang thương mại điện tử, chúng tôi có một lượng khách hàng mới ở các địa phương khác trong cả nước. Các mặt hàng chả mực, nem hải sản, chả cá thu… của doanh nghiệp đã vào được nhiều siêu thị lớn với hệ thống cả nước nên chắc chắn rằng, thị phần sẽ được mở rộng. Bởi vậy đây là thời điểm để chúng tôi tăng tốc thu mua nguyên liệu, đa dạng sản phẩm cung ứng cho thị trường", chị Nguyễn Thị Huyền – Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Sơn Huyền nói.
Ngoài các loại sản phẩm hạt ngũ cốc dinh dưỡng, giò bê và khô gà, năm nay Công ty cổ phần Mami Farm cho ra sản phẩm mới là mứt dừa non lá dứa, gấc, hoa đậu biếc phục vụ thị trường Tết. Hiện Công ty đang đẩy mạnh việc tìm kiếm đại lý, ký gửi sản phẩm tại các cửa hàng thực phẩm sạch, mini mart, tích cực quảng bá trên nền tảng số… để mở rộng thị trường cho sản phẩm của mình. Dự kiến lượng hàng cung ứng cho thị trường tháng giáp Tết gấp 3 lần tháng thường.
Chị Trần Thị Thu Hằng – Giám đốc Công ty cổ phần Mami Farm cho biết, công ty hiện đã nhận đơn cho 8 mã hàng Tết. Mặc dù sản phẩm mứt dừa non mới ra mắt nhưng hứa hẹn là sản phẩm ưa thích của người tiêu dùng. Các sản phẩm của công ty vừa sử dụng hàng ngày vừa có thể làm quà biếu tặng nên được nhiều người lựa chọn. Ngoài nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã đa dạng, công ty còn triển khai các chương trình khuyến mãi, tăng mức chiết khấu cho đối tác, quảng bá trên nền tảng số. Với nhiều sản phẩm được làm thủ công như khô gà, mứt dừa nên Công ty phải thuê thêm nhân viên thời vụ để đáp ứng đơn hàng Tết. Dự ước cần cho mỗi mã sản phẩm là 5 tấn nguyên liệu. Nhờ sàn thương mại điện tử, công ty đã đưa được thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng và bán rất tốt.
Theo các chủ thể OCOP, một trong những khó khăn hiện nay là khi tiếp cận thị trường các tỉnh, thành là khách hàng chưa biết nhiều về giá trị của hàng OCOP. Trong dịp Tết năm nay các doanh nghiệp đã chủ động các chương trình khuyến mãi, kích cầu người tiêu dùng.
Tết là dịp mua sắm lớn trong năm, là cơ hội để các cơ sở mở rộng sản xuất, tăng doanh thu, đồng thời là dịp để quảng bá sản phẩm, lan toả thương hiệu. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, sức mua giảm, các chủ thể OCOP ngoài nâng chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng thì cần chủ động mở rộng thị phần; đa dạng cách tiếp cận các thị trường và phân khúc khách hàng.
Theo Sở Công thương Nghệ An, năm nay các sản phẩm OCOP đưa ra thị trường đa dạng từ chủng loại đến giá thành, nhiều hệ thống phân phối đã có gian hàng riêng.
Ông Cao Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An cho biết, với sự chuẩn bị sớm nguồn cung hàng hóa Tết, năm nay Nghệ An không chỉ đảm bảo tốt lượng hàng tiêu dùng thiết yếu, giá cả ổn định phục vụ người tiêu dùng mà còn có thêm nhiều đặc sản vùng miền, góp thêm hương vị đậm đà, ấm cúng trong ngày Xuân.
Toàn tỉnh hiện có 422 sản phẩm được xếp hạng đạt chất lượng OCOP tiêu chuẩn 3 sao trở lên, trong đó có trên 40 sản phẩm 4 sao và 01 sản phẩm chất lượng OCOP 5 sao, chiếm 4,6% số sản phẩm đạt hạng sao cả nước. Trong những năm qua, tỉnh Nghệ An luôn quan tâm đến công tác chuyển đổi số đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP; trong đó các sản phẩm được Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Nghệ An đưa lên thương mại điện tử, quảng bá trên nền tảng mạng xã hội như TikTok, YouTube, Facebook…
Bích Huệ