Tỉnh Nghệ An đã và đang thực hiện nhiều giải pháp giới thiệu, quảng bá các sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đặc sản tỉnh Nghệ An tới người tiêu dùng, các nhà phân phối, đại lý, siêu thị, đặc biệt là Siêu thị Go. Hoạt động này nhằm tìm kiếm các nhà đầu tư để phát triển, mở rộng sản xuất các sản phẩm có lợi thế, tiềm năng, các sản phẩm của tỉnh, từ đó tăng cường năng lực cung cấp sản phẩm của tỉnh Nghệ An cả về số lượng và chất lượng.
Kết nối, quảng bá sản phẩm
Với quy trình sản xuất khép kín, hiện đại, an toàn và giàu dinh dưỡng; lấy khách hàng làm trọng tâm, làm nền tảng cho sự phát triển của doanh nghiệp, sản phẩm Bột ngũ cốc dinh dưỡng HaDaLiFa của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dinh dưỡng HaDaLiFa, thị xã Cửa Lò được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Chị Phan Thị Liên – Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dinh dưỡng HaDaLiFa cho biết, việc được giới thiệu vào Siêu thị Go Vinh là cơ hội giúp doanh nghiệp khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị, đồng thời tiếp tục tạo động lực để các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm, năng lực sản xuất, kinh doanh, đưa các sản phẩm uy tín phục vụ người tiêu dùng và mở thị trường ngày càng rộng hơn.
Để đáp ứng nguồn hàng ổn định trong thời gian tới, công ty cũng dự kiến vừa nâng cao chất lượng vừa đa dạng sản phẩm như trà thảo dược, hạt Granola, bánh kẹp hạt, kẹo hạnh phúc, thay đổi mẫu mã phong phú hơn phù hợp với các chương trình của Siêu thị Go.
Được đánh giá cao qua các đợt tham gia quảng bá sản phẩm của tỉnh với các địa phương trên cả nước, sản phẩm dược liệu Ngọc Thảo Châu của Hợp tác xã Dược liệu Nghĩa Đàn, huyện Nghĩa Đàn đã có mặt rộng khắp trên cả nước và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tuy vậy, chị Nguyễn Thị Châu – Giám đốc Hợp tác xã Dược liệu Nghĩa Đàn rất vui mừng khi tham gia vào chương trình kết nối, quảng bá sản phẩm với Siêu thị Go Vinh.
Chị Châu cho biết, được sự kết nối của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Nghệ An, điểm kết nối trở thành nơi uy tín cho các khách hàng tiêu dùng và doanh nghiệp thương mại tìm nhà sản xuất, từ đây sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc sản địa phương sẽ phát triển bền vững hơn, giúp nâng tầm nông sản bản địa của Việt Nam.
Chị Châu cũng cho rằng, tuy sản phẩm đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước, sản phẩm sản xuất luôn trong tình trạng "cháy" hàng, thế nhưng sản phẩm được vào Go Vinh sẽ trở thành nhịp cầu kết nối người sản xuất với người tiêu dùng, sản phẩm sẽ ổn định, bền vững hơn. Cùng đó, hợp tác xã cũng tính đến sẽ phải mở rộng diện tích vùng nguyên liệu lên gấp đôi, nâng công suất máy sản xuất, nhà xưởng để đáp ứng với quy mô và chất lượng sản phẩm.
Thực tế cho thấy, các chủ thể là các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp khi tham gia trưng bày đều mong muốn được kết nối, lựa chọn sản phẩm đưa vào kệ hàng của các siêu thị lớn. Qua đó, một mặt tăng thị phần, doanh thu, mặt khác, hiện diện trên các kênh quảng bá, tiếp thị, mang sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.
Đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị
Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm đạt hạng sao được công nhận. Tỉnh hiện có 422 sản phẩm được xếp hạng đạt chất lượng OCOP tiêu chuẩn 3 sao trở lên; trong đó, có trên 40 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm chất lượng OCOP 5 sao, chiếm 4,6% số sản phẩm đạt hạng sao cả nước.
Nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Nghệ An tới người tiêu dùng, các nhà phân phối, đại lý, siêu thị, đặc biệt là Siêu thị Go Vinh; từ đó hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhà phân phối kết nối cung cầu nhằm tìm kiếm đầu ra ổn định cho các sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Nghệ An, từ ngày 24 – 26/11 Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch phối hợp với Tập đoàn Central Retail Việt Nam, Trung tâm Thương mại Go Vinh tổ chức Chương trình Giới thiệu sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Nghệ An tại Siêu thị Go Vinh năm 2023. Đây là lần thứ 2, các sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Nghệ An được tiếp cận cơ hội trưng bày, giới thiệu tại Siêu thị Go Vinh.
Chương trình này cũng là cơ hội tốt để các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm tỉnh Nghệ An tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tìm kiếm các nhà đầu tư để phát triển, mở rộng sản xuất các sản phẩm có lợi thế, tiềm năng, các sản phẩm của tỉnh, từ đó tăng cường năng lực cung cấp sản phẩm của tỉnh Nghệ An cả về số lượng và chất lượng.
Chương trình Giới thiệu sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Nghệ An tại Siêu thị Go Vinh thu hút sự quan tâm tham gia của 30 đơn vị với 150 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng có chất lượng. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã có uy tín, thương hiệu như: Tổng Công ty cổ phần Vật tư Nông nghiệp Nghệ An; Công ty cổ phần Thủy sản Nghệ An; Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát; Cty Trách nhiệm hữu hạn Long Lưu; Hợp tác xã Nông nghiệp Sen Quê Bác; Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Đồng Tâm…
Các sản phẩm tham gia chương trình đã chứng tỏ được khả năng phát huy tiềm năng, lợi thế đặc sản vùng miền của địa phương. Điển hình như huyện Diễn Châu, thị xã Cửa Lò với sản phẩm nước mắm, cá thu, tôm nõn, đặc sản chế biến từ hải sản; huyện Nam Đàn với các sản phẩm bột sắn dây, giò bê, các sản phẩm từ sen; các huyện miền Tây phát huy sản vật của vùng cao với các sản phẩm từ cây thảo dược, hoa quả sấy; gừng Kỳ Sơn, chè tuyết Shan... Một số địa phương phát huy sản phẩm ngành nghề truyền thống như tinh bột nghệ đến từ Thị xã Hoàng Mai.
Thực tế cho thấy, những yếu tố thống lĩnh độc quyền của một số nhóm siêu thị, khiến việc đưa hàng Việt, hàng OCOP đạt tiêu chuẩn vào một số siêu thị gặp rất nhiều khó khăn. Bởi hệ thống các siêu thị, nhất là với siêu thị có yếu tố nước ngoài đều có những tiêu chuẩn đầu vào rất cao. Đồng thời phải đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, các quy định cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy muốn tiêu thụ sản phẩm OCOP nhà sản xuất phải đáp ứng được những tiêu chuẩn, quy định đó.
Để các sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương của Nghệ An nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường và có chỗ đứng trong các siêu thị, hiện nay, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch, Sở Công Thương Nghệ An đang đẩy mạnh và tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Hữu Minh – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Nghệ An cho rằng, để sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương có thể đưa vào hệ thống phân phối lớn để có thị trường tiêu thụ rộng hơn, thì việc sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn trong nước cũng như tiêu chuẩn thị trường là yếu tố rất quan trọng. Trong khi đó, các yêu cầu này đang đòi hỏi ngày càng cao hơn như nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn thực phẩm…. Do đó, các chủ thể OCOP cần tiếp cận các thông tin này để có kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp.
Về phía siêu thị, ông Trần An Khang – Giám đốc Siêu thị Go Vinh cho hay, tháo gỡ khó khăn cho các chủ thể tham gia OCOP và các sản phẩm đặc sản địa phương khi đưa sản phẩm vào siêu thị, Go Vinh ưu tiên sản phẩm sản xuất theo quy trình an toàn đồng thời tạo điều kiện cho các chủ thể hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để đưa hàng vào siêu thị...
Qua các sản phẩm được trưng bày, giới thiệu lần này siêu thị đánh giá cao nhiều sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp và mang tính ổn định lâu dài để có thể đưa vào tiêu thụ.
Hiện nay, Go Vinh có các chương trình thu mua hàng hóa trực tiếp từ nông dân và hợp tác xã với chiết khấu 0% nhằm tạo điều kiện cho sản phẩm Việt Nam chất lượng đến tay người tiêu dùng với giá hợp lý. Điều đáng tiếc hiện nay, siêu thị rất mong muốn đưa sản phẩm cam Vinh vào siêu thị nhưng giá thành cao và sản phẩm mùa vụ, chưa mang tính ổn định nguồn cung đang là rào cản khiến sản phẩm đặc trưng này thiếu vắng trên kệ hàng của Go Vinh.
Cũng theo ông Khang, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng cũng cần sự đồng hành của các chủ thể OCOP, các doanh nghiệp và các hệ thống phân phối. Theo đó, về phía các doanh nghiệp cũng như hệ thống phân phối cần sự hợp tác nhiều hơn để thúc đẩy cả chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng.
Bích Huệ