Quỹ hỗ trợ nông dân tạo động lực thoát nghèo ở vùng biên

Quỹ hỗ trợ nông dân tạo động lực thoát nghèo ở vùng biên

Thời gian qua, để giúp người dân ổn định cuộc sống, các cấp Hội Nông dân huyện biên giới Lộc Ninh (Bình Phước) đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Trong đó, Quỹ hỗ trợ nông dân là một trong những nguồn lực quan trọng, góp phần tạo động lực giúp nhiều hộ phát triển sản xuất, từng bước nâng cao đời sống.

Vơi bớt khó khăn nhờ quỹ hỗ trợ nông dân

Hộ gia đình anh Điểu Vức ở xã Lộc Hòa quanh năm chỉ quanh quẩn với việc đi làm thuê nên luôn rơi vào tình trạng thiếu trước hụt sau. Dù gia đình luôn duy trì từ 3-5 con bò cỏ mỗi năm nhưng khi bán không mang lại giá trị kinh tế cao.

Quỹ hỗ trợ nông dân tạo động lực thoát nghèo ở vùng biên ảnh 1 Hộ anh Điểu Đia sử dụng nguồn vốn trồng cỏ, chăn nuôi để phát triển kinh tế hộ gia đình. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Đến đầu năm 2020, gia đình anh Vức được quỹ hỗ trợ từ Hội Nông dân huyện Lộc Ninh cho vay 30 triệu đồng để đầu tư phát triển thêm đàn bò. Sau khi được Hội tư vấn hướng phát triển mới, gia đình anh quyết định bán 2 con bò cỏ để bù thêm tiền mua cặp bò lai giống chất lượng tốt hơn.

Sau hơn 3 năm, đàn bò của gia đình anh đã tăng lên 7 con, trong đó có ba con bò lớn giá trị kinh tế từ 20-25 triệu đồng/con. Anh Điểu Vức cho biết: "Trước đây gia đình tôi không có vốn để phát triển chăn nuôi nên cuộc sống khó khăn. Sau khi được chính quyền địa phương, hội nông dân giúp đỡ, nhà tôi có tiền mua thêm bò lai giống để phát triển kinh tế. Từ khi đầu tư thêm bò lai giống, cũng như chăm sóc bài bản hơn, đến nay bò đã đẻ thêm 6 con. Kinh tế gia đình tôi đã ổn định hơn trước".

Cũng như anh Điểu Vức, anh Điểu Đia cùng xã Lộc Hòa cũng được vay vốn trong quỹ hỗ trợ của Hội Nông dân. Anh Đia rất vui mừng, đặc biệt cảm ơn các cấp Hội, Quỹ hỗ trợ nông dân đã quan tâm, tạo điều kiện cho gia đình anh và các hộ hội viên khác được vay vốn phát triển sản xuất.

Trước kia, anh Điểu Đia khi lập gia đình và tách hộ lập nghiệp chỉ với hơn 0,2 ha đất trồng điều, thu nhập của gia đình nhỏ chủ yếu dựa vào đồng lương đi làm thuê cuốc mướn hàng ngày. Niềm vui đã đến với gia đình anh Đia, năm 2019 Hội Nông dân huyện Lộc Ninh hỗ trợ anh vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân. Với nguồn vốn vay và sự hỗ trợ của người thân, vợ chồng anh đã mua được 2 con bò lai giống.

Cùng với việc đi làm thuê để có thu nhập chi tiêu trong gia đình, vợ chồng anh trồng cỏ toàn bộ trên mảnh đất 0,2ha. Từ 2 con bò giống đầu tiên, đến nay, đàn bò gia đình anh Đia đã tăng lên trên 5 con; trong đó bò trưởng thành đã được gia đình anh bán với giá trị kinh tế cao. Anh Điểu Đia phấn khởi chia sẻ: Kinh tế gia đình đến nay đã bớt khó khăn hơn. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ, gia đình có thể phát triển chăn nuôi, đầu tư mang lại hiệu quả cao hơn trước.

Góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh vùng biên

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hòa Dương Thị Hạnh, được sự quan tâm của Hội Nông dân tỉnh và huyện, hỗ trợ 600 triệu đồng để nông dân trên địa bàn phát triển kinh tế, địa phương đã triển khai rà soát, cho hội viên có nhu cầu được vay vốn; trong đó đã xét cho 20 hộ vay 30 triệu đồng/hộ để phát triển chăn nuôi trâu, bò. Đến nay, các hộ vay sử dụng nguồn vốn hiệu quả khá cao.

Quỹ hỗ trợ nông dân tạo động lực thoát nghèo ở vùng biên ảnh 2Hộ gia đình Điểu Vức, xã Lộc Hòa, Lộc Ninh sử dụng nguồn vốn mua bò lai giống để phát triển kinh tế hộ gia đình. Ảnh: K GỬIH - TTXVN
 

Giữa tháng 4/2023, Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân huyện Lộc Ninh đã giải ngân 200 triệu đồng cho 4 hộ hội viên nông dân ấp 7, xã Lộc Hưng tham gia dự án chăm sóc vườn nhãn. Các hộ rất phấn khởi khi có được nguồn vốn thiết thực, đúng thời điểm tập trung đầu tư chăm sóc, mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

Hiện nay, tổng số quỹ hỗ trợ nông dân huyện Lộc Ninh đạt hơn 10 tỷ đồng. Hội đã giải ngân cho 343 hộ vay vốn phát triển kinh tế; trong đó, hỗ trợ 178 hộ nông dân tại các xã khó khăn, xã vùng biên giới, ưu tiên cho các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số gần 2,8 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh Lê Khắc Phú cho biết: Nguồn quỹ hỗ trợ để giúp người dân phát triển sản xuất của huyện được thực hiện tại 16/16 xã, thị trấn; ưu tiên 7 xã biên giới được 2 vòng quỹ của Trung ương, tỉnh và huyện. Ngoài ra, huyện thực hiện việc giải ngân đều cho các xã, nhất là các xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo điều kiện để phát triển, tập trung vào trồng trọt, chăn nuôi.

Việc triển khai kịp thời của quỹ hỗ trợ nông dân ở huyện biên giới Lộc Ninh, cùng sự nỗ lực không ngừng của những người dân có hoàn cảnh khó khăn đã phát huy hiệu quả nguồn vốn. Quỹ hỗ trợ nông dân đã, đang giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự vùng biên giới tại Bình Phước.

K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm