Quảng Ngãi: Nâng tầm sản phẩm nông nghiệp thông qua hợp tác xã

Chè xanh Minh Long được Hợp tác xã Dịch vụ nông lâm nghiệp Thành Tiến, xã Long Hiệp, huyện Minh Long đóng gói với tem, nhãn đầy đủ để khách hàng dễ truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Đinh Hương - TTXVN
Chè xanh Minh Long được Hợp tác xã Dịch vụ nông lâm nghiệp Thành Tiến, xã Long Hiệp, huyện Minh Long đóng gói với tem, nhãn đầy đủ để khách hàng dễ truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Đinh Hương - TTXVN

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 293 hợp tác xã; trong đó, có 241 hợp tác xã nông nghiệp. Các hợp tác xã đang phát huy vai trò kinh tế tập thể, thu hút nông dân, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị nhằm giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa và phát triển bền vững.

Quảng Ngãi: Nâng tầm sản phẩm nông nghiệp thông qua hợp tác xã ảnh 1Mô hình nuôi gà thả vườn đổi của người dân xã Sơn Cao, huyện Sơn Hà được Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sơn Cao bao tiêu đầu ra. Ảnh:TTXVN phát

Gần 3 năm kể từ ngày tham gia vào Hợp tác xã Dịch vụ nông - lâm nghiệp Thành Tiến (xã Long Hiệp, huyện Minh Long), anh Đinh Văn Khinh vui mừng bày tỏ, từ khi đã tham gia vào hợp tác xã giá mỗi bó chè xanh luôn ổn định ở mức 6.000 - 7.000 đồng. Không chỉ bán ra với giá cao hơn hẳn so với trước, sản lượng chè tiêu thụ hằng tháng thông qua hợp tác xã cũng tăng cao.

Không chỉ giúp các thành viên trong hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm, Hợp tác xã Dịch vụ nông - lâm nghiệp Thành Tiến còn trở thành “cầu nối” giúp người dân địa phương tiêu thụ sản phẩm chè xanh ổn định và nâng cao thu nhập khoảng 20% so với trước đây. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, hợp tác xã thu mua, tiêu thụ từ 3 - 5 tấn chè xanh thương phẩm. Hiện nay sản phẩm chè xanh của Hợp tác xã Dịch vụ nông - lâm nghiệp Thành Tiến đã được công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 3 sao. Ngoài chè xanh, các thành viên hợp tác xã cũng mở rộng chăn nuôi lợn rừng lai nhằm tăng thêm thu nhập.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông - lâm nghiệp Thành Tiến Đinh Văn Khó cho biết, cây chè xanh và con lợn rừng lai gắn với người dân trên địa bàn huyện từ bao đời nay, nhưng vì cách sản xuất cũ, chưa chú trọng đến sản xuất theo hướng hàng hóa nên hiệu quả và giá trị thấp. Do đó, Hợp tác xã Dịch vụ nông - lâm nghiệp Thành Tiến được thành lập với 17 thành viên nhằm mục đích phát triển diện tích chè; hướng dẫn người dân quy trình sản xuất và chăn nuôi tiến tiến, hiện đại; tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

“Rất may mắn là được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự nỗ lực của các thành viên trong hợp tác xã nên năm 2022 sản phần chè xanh được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Sau đó, năm 2023, thịt lợn rừng lai cũng được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Từ khi được gắn mác sản phẩm OCOP, sản lượng tiêu thụ 2 sản phẩm này tăng lên, giá cao hơn, nhờ đó mà thu nhập các hộ dân được nâng cao”, anh Khó cho hay.

Quảng Ngãi: Nâng tầm sản phẩm nông nghiệp thông qua hợp tác xã ảnh 2Chè xanh Minh Long được Hợp tác xã Dịch vụ nông lâm nghiệp Thành Tiến, xã Long Hiệp, huyện Minh Long đóng gói với tem, nhãn đầy đủ để khách hàng dễ truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Đinh Hương - TTXVN

Còn tại xã Sơn Cao, huyện Sơn Hà, để giúp sản phẩm nông nghiệp của người dân có chất lượng cao, từ đó có đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho bà con, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sơn Cao đã liên kết, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các hộ dân. Để thuận lợi, xã Sơn Cao đã thành lập 7 Tổ hợp tác chăn nuôi; trong đó, có 6 tổ hợp tác chăn nuôi gà và một tổ hợp tác chăn nuôi lợn. Các tổ chủ yếu là hộ nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số. Khi tham gia vào các tổ, người chăn nuôi được hỗ trợ con giống, hướng dẫn kỹ thuật và đặc biệt không lo về đầu ra cho sản phẩm.

Ông Đinh Xuân Phăng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sơn Cao chia sẻ, các tổ liên kết chăn nuôi phải cam kết chọn giống gà có chất lượng cao, tuân thủ quy trình nuôi bán chăn thả và thực hiện nghiêm những quy định về chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch đầy đủ.

“Với lợi thế các hộ dân nơi đây đều có vườn đổi rộng lớn với nhiều bóng mát của cây cối nên chúng tôi hướng dẫn bà con nuôi thả tự nhiên, sử dụng các loại thức ăn tự nhiên như: cám gạo, ngô... Nhờ đó, gà có độ dai, thơm đặc trưng, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường”, ông Phăng nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND xã Sơn Cao Đinh Hố, cho hay, nhờ có sự kết nối, hỗ trợ của hợp tác xã với các tổ chăn nuôi nên thời thời gian qua người dân biết cách chăn nuôi khoa học, hiệu quả. Nhiều hộ nghèo đã có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Hiện tại, UBND xã đang phối hợp với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sơn Cao để hoàn thiện các thủ tục nhằm đưa sản phẩm gà thịt của bà con Sơn Cao đạt OCOP, từ đó tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo thống kê, tỉnh Quảng Ngãi có 293 hợp tác xã với hơn 296.000 thành viên, tổng số lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã là 3.750 lao động. Trong năm 2023 doanh thu trung bình của 1 hợp tác xã ước đạt 1.8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của hợp tác xã ước đạt 93 triệu đồng, thu nhập bình quân từ lương của lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã ước đạt 46 triệu đồng. Hiện nay, nhiều hợp tác xã không chỉ cung cấp nguyên liệu mà còn chế biến các sản phẩm, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường.

Ông Ngô Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: Để các sản phẩm nông sản địa phương ngày càng được nâng tầm và vươn xa hơn nữa đòi hỏi mỗi cộng đồng dân cư, mỗi người dân trong môi trường kinh tế thị trường phải phát huy được tính sáng tạo, đổi mới của mình.

Bên cạnh đó, các hợp tác xã cũng cần chủ động hợp tác đa dạng với nhiều thành phần kinh tế, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để làm ăn có hiệu quả. Hợp tác xã phải biết khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương để đầu tư, sản xuất hiệu quả, bền vững hơn. Với cách làm nông nghiệp mới cùng sự hỗ trợ đồng hành của chính quyền địa phương, các hợp tác xã nông nghiệp đang mở ra cơ hội cho nhiều loại nông sản có chỗ đứng bền vững trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập thoát nghèo bền vững cho người dân.

Đinh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm