Trồng, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn mang lại nhiều lợi ích, không chỉ tiết kiệm cây giống, chi phí trồng, chăm sóc mà còn giảm sâu bệnh hại và hạn chế suy thoái đất rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Tỉnh Phú Thọ phấn đấu mỗi năm trồng và duy trì 2.200 ha rừng gỗ lớn, từ năm 2025 trở đi duy trì tổng diện tích 20.000 ha rừng sản xuất gỗ lớn. Lợi ích rõ ràng, mục tiêu đã xác định, tỉnh cũng đã sớm ban hành các chính sách hỗ trợ người dân, tuy nhiên việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn.
Hướng đi mới của ngành lâm nghiệp
Năm 2014, cụm từ “Chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn” lần đầu tiên được đưa ra tại Quyết định số 774/QĐ- BNN-TCLN ngày 18/4/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng suất và giá trị rừng trồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia và khảo sát tại các hộ đã trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng gỗ nhỏ 7 năm tuổi cho năng suất 80 m3, sau khi trừ chi phí lợi nhuận 6 triệu đồng/ha/năm. Nếu trồng, chuyển hóa gỗ lớn 11 năm cho năng suất 150 m3 sau khi trừ chi phí lợi nhuận 12 triệu đồng/ha/năm, như vậy năng suất tăng gấp 1,5 lần, lợi nhuận tăng gấp 2 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ.
Tân Sơn là 1 trong các huyện có diện tích đất rừng đứng đầu của tỉnh Phú Thọ với gần 55.000 ha; trong đó, rừng sản xuất trên 30.000 ha. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã tích cực vận động, khuyến khích và hỗ trợ người dân các xã trồng mới được trên 150 ha và chuyển hóa được trên 260 ha rừng gỗ lớn với sự tham gia của 100 hộ dân. Nhờ làm tốt tuyên truyền, nhận thức của người dân đã được nâng cao, tập trung tăng diện tích, nâng cao phẩm cấp rừng trồng, từ đó đem lại thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho người dân.
Là người có kinh nghiệm trồng rừng lâu năm ở xã Minh Đài, huyện Tân Sơn nhưng gia đình chị Nguyễn Phương Hồng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, bởi lẽ lâu nay gia đình chị chỉ trồng cây chu kỳ 5 đến 6 năm, cho sản lượng không cao. Sau khi được tuyên truyền về trồng chuyển hóa thành cây gỗ lớn, gia đình chị đã chuyển hóa 20ha thành rừng gỗ lớn, kéo dài thời gian khai thác để đường kính cây to hơn, bán giá cao hơn.
Theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Tân Sơn, so với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn nhiều lần tuỳ theo tuổi khai thác và đường kính cây. Chỉ tính riêng đối với loại cây trồng phổ biến là cây keo, khai thác ở năm thứ 5 - 6 chỉ có thể bán làm dăm gỗ, giá trị đạt khoảng 60 - 80 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân từ 10 - 12 triệu đồng/ha/năm.
Nhưng khi trở thành rừng trồng gỗ lớn, tức là cây sau 10 - 14 năm trồng mới tiến hành khai thác, hầu hết các cây đều đạt đường kính từ 18 cm trở lên, sản lượng đạt từ 200 - 240 m3/ha. Rừng sẽ được bán theo giá gỗ xẻ, gỗ chế biến với giá từ 1,8 - 2 triệu đồng/m3, tương đương 250 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân 20 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, trồng rừng gỗ lớn chi phí thấp hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ, do giai đoạn về sau chủ yếu là bảo vệ rừng thay vì trồng lại rừng.
Trên thực tế, hiệu quả kinh tế mang lại từ việc kinh doanh gỗ lớn là rõ ràng. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn do trồng rừng gỗ lớn có chu kỳ kinh doanh dài, đòi hỏi phải có vốn, trong khi điều kiện kinh tế của các hộ dân còn khó khăn, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Bên cạnh đó, quỹ đất trồng rừng gỗ lớn hạn hẹp, manh mún, chưa hình thành các vùng nguyên liệu gỗ lớn tập trung có diện tích đủ lớn nhằm tạo điều kiện cho việc liên doanh, liên kết đầu tư cơ sở hạ tầng… Bởi vậy, tính đến hết năm 2020 toàn tỉnh thực hiện trồng và chuyển hóa trên 6.900 ha rừng gỗ lớn. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã phát triển thêm 4.886 ha rừng gỗ lớn ( trồng mới trên 4.348 ha, chuyển hoá rừng gỗ lớn hơn 537ha) đưa tổng diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh là 11.800 ha.
Đã có những giải pháp căn cơ
Mục tiêu của ngành lâm nghiệp tỉnh Phú Thọ đến năm 2025 là giữ ổn định độ che phủ rừng là 38,8%; thúc đẩy trồng, chuyển hóa đạt 20.000 ha rừng cây gỗ lớn trong đó trồng mới 15.350 ha, chuyển hóa 4.650 ha; hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC) cho 25.000 ha rừng; sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng 3.500 nghìn m3; năng suất rừng trồng đạt 15 m3/ha/năm.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện giải pháp đồng bộ từ khâu quy hoạch vùng trồng phù hợp; thực hiện tốt tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp và huy động mọi nguồn lực xã hội cho phát triển kinh doanh gỗ lớn; các giải pháp kỹ thuật từ khâu chọn tạo giống, trồng chăm sóc, khai thác và chế biến; chính sách, chủ trương của nhà nước.
Trong số đó, tập trung tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển lâm nghiệp nói chung, phát triển rừng gỗ lớn nói riêng. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ lớn, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC theo Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Cung cấp thông tin về giống chất lượng cao, giống tiến bộ kỹ thuật phục vụ sản xuất và cơ sở cung cấp giống uy tín để mọi tầng lớp nhân dân biết, hiểu và thực hiện tốt việc đầu tư kinh doanh gỗ lớn.
Vận dụng cơ chế, chính sách đầu tư của trung ương cho lĩnh vực lâm nghiệp vào điều kiện thực tiễn của tỉnh, đồng thời kịp thời đề xuất với tỉnh ban hành những chính sách hỗ trợ cho phát triển gỗ lớn, nhất là khâu chọn tạo giống và chuyển hóa gỗ lớn.
Tỉnh Phú Thọ đã có cơ chế hỗ trợ để phát triển rừng cây gỗ lớn. Tất cả các đối tượng khi tham gia chuyển hóa đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định, có cam kết với Ủy ban nhân dân cấp xã, hạt Kiểm lâm khai thác sau 10 năm tuổi sẽ được tỉnh hỗ trợ kinh phí 12 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC) cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác có quy mô tối thiểu 100 héc ta trở lên, với kinh phí là 300 nghìn đồng/ha.
Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các chủ rừng để tạo thành vùng nguyên liệu quy mô lớn, đầu tư trồng rừng gỗ lớn, canh tác bền vững để đạt cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) theo phương thức, doanh nghiệp đầu tư vốn, kỹ thuật, các chủ rừng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, khi có sản phẩm khai thác được hưởng quyền lợi theo tỷ lệ góp vốn, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa lâm nghiệp, tăng sức cạnh tranh của thị trường.
Khuyến khích các doanh nghiệp thiết lập mối liên hệ với hộ trồng rừng nhằm đảm bảo việc cung cấp nguyên liệu ổn định, vùng nguyên liệu được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, nguyên liệu tham gia vào chuỗi hành trình sản phẩm CoC… Quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng cho lâm nghiệp nhằm thúc đẩy, hỗ trợ cho sản xuất lâm nghiệp, từ khâu trồng rừng, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm…
Ông Đỗ Ngọc Đoàn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Thọ cho biết, ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, Phú Thọ đã và đang khuyến khích nông dân áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm; mở rộng diện tích trồng cây gỗ lớn, cây quế.
Đồng thời, huy động các nguồn lực, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, gắn phát triển kinh tế đồi rừng với du lịch sinh thái để vừa thiết lập mối quan hệ giữa sản xuất, quản lý, bảo vệ với phát triển rừng bền vững, góp phần ổn định cuộc sống, tạo được nhiều việc làm và tăng thu nhập, tiến tới làm giàu trên đất đồi rừng...
Với các giải pháp đồng bộ cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, sự hưởng ứng tích cực của người dân, các chủ rừng, hy vọng giá trị sản xuất lâm nghiệp trong giai đoạn tới sẽ được tăng lên, tái cơ cấu lâm nghiệp sẽ bước khởi sắc, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tạ Văn Toàn