Khu rừng sản xuất của Bà Vũ Thị Tám trú tại thôn Đồng Bớp, xã Mậu Lâm (Như Thanh, Thanh Hóa) cho thu nhập 130 triệu/năm. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 641.893 ha; trong đó, diện tích rừng gỗ lớn được trồng theo đề án "Phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020" là 51.700 ha, các loài cây được dùng trồng rừng gỗ lớn gồm keo tai tượng, xoan, sao đen. Dự kiến. từ nay đến cuối năm 2020, tỉnh Thanh Hóa sẽ trồng hoàn thành 56.000 ha rừng gỗ lớn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và xóa đói giảm nghèo. Một trong những địa phương làm tốt việc mở rộng trồng rừng gỗ lớn là huyện miền núi Như Thanh. Huyện có hơn 36.000 ha rừng, do sử dụng phương pháp trồng cũ, những khu rừng sản xuất và rừng lim của hộ gia đình quản lý có mật độ cây trồng phân bố không đều, cây sinh trưởng chậm. Để mở rộng diện tích rừng gỗ lớn và nâng cao thu nhập cho người dân, UBND huyện Như Thanh đã thực hiện đề án “Phát triển rừng trồng gỗ lớn, khoanh nuôi phục tráng rừng Lim xanh tái sinh huyện Như Thanh giai đoạn 2016-2020” với tổng kinh phí khoảng 200 triệu nhằm nâng cao giá trị kinh doanh lâm nghiệp khi trồng và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn.
Bà Vũ Thị Tám trú tại thôn Đồng Bớp, xã Mậu Lâm (Như Thanh, Thanh Hóa) kiểm tra việc sinh trưởng của cây mít. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Trong giai đoạn 2016-2020, huyện Như Thanh đã chỉ đạo các xã tổ chức tuyên truyền, triển khai 32 hội nghị về kỹ thuật trồng rừng thâm canh gắn với trồng rừng gỗ lớn với 1.320 lượt người tham gia. Huyện cũng tổ chức 9 lớp tuyên truyền về bảo vệ, phòng chống cháy rừng gắn với tập huấn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gắn với trồng rừng gỗ lớn, khoanh nuôi, bảo vệ rừng Lim xanh tái sinh với 460 lượt người tham dự. Đến thăm khu rừng của bà Vũ Thị Tám (54 tuổi), trú tại thôn Đồng Bớp, xã Mậu Lâm, chúng tôi được bà chia sẻ về nghị lực làm giàu từ trồng rừng của những người dân vùng cao. Bà Tám cho biết, bắt đầu trồng rừng vào năm 1991, tuy nhiên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2012, bà tham gia mô hình trồng rừng thuộc dự án trồng rừng WB3 của Tổ chức tầm nhìn thế giới và được hỗ trợ giống để trồng rừng. Song đến năm 2013 địa bàn bị mưa đá nên toàn bộ diện tích rừng trồng bị mất hết, cuộc sống ngày càng khó khăn hơn. Đến năm 2016, sau khi được cán bộ UBND xã Mậu Lâm tư vấn trồng rừng mới theo đề án “Phát triển rừng trồng gỗ lớn, khoanh nuôi phục tráng rừng Lim xanh tái sinh huyện Như Thanh”. Bà đã thực hiện mô hình trồng rừng gỗ lớn với tổng số tiền được hỗ trợ là 8 triệu đồng. Đến nay, tổng diện tích trồng rừng và cây hái quả đã được mở rộng lên 7 ha, thu nhập bình quân của gia đình bà đạt 130 triệu đồng/năm. Chia sẻ về quá trình thoát nghèo đầy gian nan, ông Vũ Trọng Luân (63 tuổi), thôn Đồng Bớp, xã Mậu Lâm cho biết, sau khi đi bộ đội về cuộc sống gia đình khá vất vả. Dù đã từng trồng rừng, tuy nhiên do không quan tâm đến chất lượng cây giống, kỹ thuật chăm sóc nên hiệu quả kinh tế không cao, khi bán sản phẩm hay bị tiểu thương ép giá. Năm 2016, ông được đề án hỗ trợ 4,4 triệu đồng để mua giống, phân bón trồng rừng gỗ lớn và được cán bộ Phòng nông nghiệp huyện Như Thanh chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, ông đã thực hiện mô hình trồng rừng gỗ lớn. Để xây dựng mô hình, ông dùng số tiền hỗ trợ để mua giống cây keo và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên cây phát triển tốt, chất lượng gỗ ngày càng được nâng cao. Nếu như năm 2016, trang trại ông chỉ có 2 ha rừng trồng cây keo, thì đến nay đã được mở rộng lên 7 ha rừng, ông còn kết hợp chăn nuôi 15 con lợn, nuôi cá, gà thả vườn và hiện thu nhập của gia đình đạt 150 triệu đồng/năm. Theo ông Quách Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Mậu Lâm, toàn xã đang có 1.800 hộ trồng rừng; trong đó, có 170 hộ trồng rừng kinh tế khá với thu nhập từ 80-150 triệu đồng/năm. Ngoài ra các hộ gia đình còn kết hợp chăn nuôi, trồng cây hái quả nên thu nhập ngày càng được nâng cao. Số hộ nghèo trên địa bàn xã năm 2016 là 877 hộ thì đến năm 2019 giảm xuống còn 139 hộ, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 là 32 triệu đồng và đến nay tăng lên 47 triệu đồng/người/năm. Xã đã chính thức đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018, đời sống người dân ngày càng ổn định hơn. Mặc dù vậy, ông Hoàng cho biết, đề án trồng rừng còn gặp nhiều khó khăn do sự liên kết giữa người trồng rừng gỗ nhỏ nói chung và trồng rừng gỗ lớn nói riêng với các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn chưa chặt chẽ, giá mua và khai thác, tiêu thụ chưa thuận lợi cho người trồng rừng. Phần lớn các hộ gia đình làm nghề rừng có đời sống khó khăn, thu nhập không ổn định. Nhiều hộ khi có tác động như thiên tai, mất mùa không đủ vốn để mua được giống tốt, phân bón để trồng thâm canh. Ông Vũ Hữu Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Như Thanh cho biết, từ nay đến hết năm 2020, huyện Như Thanh sẽ chỉ đạo các xã phát triển rừng trồng gỗ lớn, khoanh nuôi phục tráng rừng Lim xanh tái sinh nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen quý hiếm phục vụ cho nghiên cứu khoa học gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tạo thương hiệu đối với huyện miền núi có cây Lim xanh; đồng thời, hình thành và phát triển ổn định diện tích với quy mô 3.200 ha rừng trồng gỗ lớn, phục tráng thêm 60 ha rừng Lim xanh tái sinh. Bên cạnh đó, huyện cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rừng trồng, thực hiện mô hình liên kết giữa người trồng rừng và các cơ sở chế biến lâm sản. Huyện phấn đấu đưa năng suất bình quân rừng trồng kinh doanh gỗ lớn đạt 18 - 20m3/ha năm.
Nguyễn Nam