Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên nhân giống cây giổi ăn hạt để phục vụ trồng rừng gỗ lớn

Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên nhân giống cây giổi ăn hạt để phục vụ trồng rừng gỗ lớn
Vườn ươm cây giống cây Giổi .Ảnh: snnptnt.thanhhoa.gov.vn
Vườn ươm cây giống cây Giổi .Ảnh: snnptnt.thanhhoa.gov.vn
Đề tài đã xây dựng được vườn ươm tưới nước tự động có rộng 300 m2 với công suất nhân 10.000 cây giống/năm và mô hình nhân giống cây giổi ăn hạt bằng phương pháp vô tính với 1.700 cây hom, 5.000 cây gốc để phục vụ sản xuất cây giống bằng phương pháp ghép trong thời gian tới. Qua đó, người dân miền núi có thêm hướng đi mới trong phát triển kinh tế rừng. Cây giổi có nhiều công dụng quý, gỗ cây có thể dùng làm bàn ghế, nhà cửa. Tinh dầu của cây giổi chứa lượng lớn safrole và iso safrole là những hoạt chất sinh học có tác dụng kháng khuẩn và có thể dùng trong hương liệu, bảo quản thực phẩm. Hạt giổi có thể dùng như gia vị để đánh tiết canh, nấu canh măng chua hoặc dùng chấm với xôi nếp, thịt lợn. Hạt giổi còn có tác dụng làm thuốc chữa ho, đau bụng, ngâm rượu để bôi chữa nhức mỏi gân xương, tê thấp. Ông Đỗ Ngọc Dương, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, cho biết: Cây giổi ăn hạt được phân bố từ Lào Cai đến các tỉnh Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Tại Thanh Hóa, cây giổi được trồng tại các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát và Thường Xuân. Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, cây giổi được trồng tại Tiểu khu rừng 517. Thông thường, hạt giổi được người dân thu hái, sau đó bán trực tiếp bán trực tiếp người địa phương hoặc bán cho khách đến du lịch tại các khu di tích lịch sử trên địa bàn huyện Thường Xuân. Một số người dân còn hạt bóc tách, phơi khô hạt giổi rồi vận chuyển đi bán ở các tỉnh khác như Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc và miền Trung.
Rừng giống Giổi ăn hạt. Ảnh: snnptnt.thanhhoa.gov.vn
Rừng giống Giổi ăn hạt. Ảnh: snnptnt.thanhhoa.gov.vn
Hiện nay, một số hộ gia đình trồng cây giổi ăn hạt với số lượng rất ít, chưa có cơ sở sản xuất, kinh doanh sản xuất cây giống lâm nghiệp nào sản xuất cây giổi ăn hạt bằng phương pháp nhân giống vô tính. Trong khi đó, việc nhân giống chỉ thực hiện theo phương pháp thực sinh. Hạt giống chủ yếu được thu mua trực tiếp của người dân, chưa đảm bảo đúng quy trình, kỹ thuật sơ chế, bảo quản và gieo ươm nên khi trồng tỷ lệ nảy mầm của giống chỉ đạt 30-40%. Nếu trồng đúng chu kì, sau khi trồng sau 10 năm, cây giổi bắt đầu ra hoa kết quả. Đến năm thứ 12-13 năm, cây mới bắt đầu thu hoạch được nhiều quả nên hiệu quả kinh tế không cao. Vì vậy, việc thực hiện đề tài nhân giống vô tính tại Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên sẽ giúp rút ngắn thời gian chờ cho hạt của loài cây quý này và giúp người nhân nâng cao thu nhập từ trồng rừng. Hiện tại, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã thực hiện xong điều tra, đánh giá tình hình quản lý, khai thác, trồng giổi ăn hạt tại địa phương và khả năng tiêu thụ hạt giổi trên thị trường. Đồng thời, Bản Quản lý phối hợp với Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng để xây dựng bản hướng dẫn về kỹ thuật nhân giống vô tính cây giổi ăn hạt, xây dựng mô hình nhân giống, vườn ươm đảm bảo chất lượng và tập huấn cho người dân quanh vùng về kỹ thuật, kỹ thuật trồng, chăm sóc các giổi trong vườn ươm. Thời gian tới, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên sẽ tiếp tục thực hiện mô hình nhân giống, gây trồng cây giổi vô tính và tập huấn cho 300 nông dân quanh vùng thực hiện đề tài. Ban Quản lý Khu Bảo tồn phấn đấu khi kết thúc đề tài sẽ trồng được 6.000 cây giống giổi đạt tiêu chuẩn trồng rừng và sẽ trồng được hai ha rừng trồng cây giổi ăn hạt quanh Khu Bảo tồn, góp phần phát triển kinh tế cho nhân dân thông qua việc trồng cây giổi, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Nguyễn Nam

Có thể bạn quan tâm