Chương trình phát triển trồng rừng cây gỗ lớn (lim, giổi, lát, sồi) mang lại “lợi ích kép“ vừa nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng, giảm nghèo bền vững, vừa góp phần điều tiết nguồn nước, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, khi triển khai thực tiễn ở vùng cao nghèo như Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh thì người dân, doanh nghiệp lại không mặn mà tham gia. Nguyên nhân là trồng cây rừng gỗ lớn chi phí cao, chu kỳ khai thác kéo dài trên 50 năm nên nhiều hộ dân, doanh nghiệp không đủ tiềm lực kinh tế theo đuổi. Do vậy, chương trình trồng cây gỗ lớn đang gặp khó ở huyện vùng cao nghèo Ba Chẽ.
Gặp khó trong triển khai
Để phát triển lâm nghiệp bền vững, ngày 28/11/2019, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có diện tích trồng rừng gỗ lớn gần 12.900 ha, trong đó có gần 9.000 ha trồng và trên 3.800ha chuyển hoá.
Thực hiện Nghị quyết 19, huyện Ba Chẽ đã xây dựng Đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn giai đoạn 2019 – 2025 với mục tiêu đến năm 2025, hình thành và phát triển ổn định vùng gỗ lớn với quy mô 5.000 ha, đáp ứng nhu cầu gỗ lớn phục vụ chế biến sâu và xuất khẩu. Trong đó, trồng rừng gỗ lớn: 4.260 ha (trồng rừng mới và trồng rừng trên đất sau khai thác) và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn 660 ha.
Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, ông Đỗ Khánh Tùng cho hay, thông qua Đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn, Ba Chẽ kỳ vọng sẽ nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng gỗ lớn và phát triển lâm nghiệp bền vững, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn toàn huyện, góp phần điều tiết nguồn nước và đẩy mạnh phát triển rừng gỗ lớn nhằm mang lại lợi ích kép về kinh tế - môi trường đặc biệt là khu vực rừng đầu nguồn sông Ba Chẽ và làm cơ sở để tổ chức chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp trong giai đoạn tiếp theo.
Để thực hiện Đề án trồng rừng cây gỗ lớn, tháng 10/2021, UBND huyện Ba Chẽ đã thành lập Tổ công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân đăng ký thực hiện hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa năm 2022 tại các thôn trên địa bàn. Người dân đăng ký trồng rừng cây gỗ lớn được chính sách hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, tối đa 15 triệu đồng/ha và được hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp không quá 20 triệu đồng/ha.
Năm 2022, Ba Chẽ đăng ký trồng mới 510 ha rừng gỗ lớn, trong đó, người dân 140 ha, 370 ha còn lại giao về doanh nghiệp, các chủ rừng. Tuy nhiên, đến hết quý I/2022, tỷ lệ trồng mới đạt 24,4%.
Nguyên nhân về sự chậm trễ, theo ông Vi Thanh Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Ba Chẽ cho rằng, phần lớn diện tích trồng rừng tập trung vào khối doanh nghiệp, tổ chức trồng rừng, thế nhưng, các doanh nghiệp chưa thực sự hưởng ứng. Thậm chí, có doanh nghiệp được giao, nhưng chưa thực hiện trồng được ha rừng nào.
Ông Chìu Văn Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ba Chẽ cho rằng, khó khăn nhất khi đầu tư trồng rừng gỗ lớn chính là thiếu nguồn vốn, trong khi chu kỳ kinh doanh quá dài hàng chục năm, hiệu suất đầu tư lớn. Chỉ với việc trồng mới 60 ha rừng gỗ lớn năm 2022, theo tính toán, Công ty sẽ phải bỏ vốn khoảng 1,2 tỷ đồng. Do đó, để trồng được rừng gỗ lớn, đòi hỏi doanh nghiệp và người trồng rừng phải mạnh về kinh tế.
Do còn băn khoăn, chưa rõ hiệu quả trồng cây gỗ lớn ra sao, ông Quỳnh thông tin, ngoài diện tích đã đăng ký trồng năm 2022, Công ty không đăng ký trồng thêm diện tích rừng cây gỗ lớn cho các năm sau. Hiện, Công ty mới chuẩn bị xong hiện trường, dự kiến trước ngày 25/5 sẽ hoàn thành trồng 60 ha rừng gỗ lớn theo kế hoạch đăng ký. Thực tế, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải trả tiền thuê đất và đóng thuế sử dụng đất theo Luật đất đai. Việc đóng tiền thuê đất phải thực hiện hàng năm trong khi chu kỳ kinh doanh rừng kéo dài nhiều năm cũng là một trong những khó khăn lớn đối với kinh doanh rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn.
Là địa phương có tỷ lệ hoàn thành trồng rừng gỗ lớn lớn nhất trên địa bàn huyện Ba Chẽ với 16/18 ha, đạt 80% kế hoạch giao, xã Đồn Đạc cũng đang gặp khó trong việc vận động, chính quyền địa phương trồng rừng gỗ lớn. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc Lưu Minh Thắng chia sẻ, các loại giống cây gỗ lớn có giá 13.000 đồng/cây, trong khi các loại khác chỉ 7.500 đồng/cây. Người dân băn khoăn nguồn thu nhập thường xuyên hàng tháng trong giai đoạn dài hàng chục năm khi chưa cây gỗ lớn chưa cho thu hoạch. Do vậy, xã đã phải vận động cán bộ, đảng viên tham gia trồng để làm gương cho người dân. Đồng thời, đề xuất phương án để người dân trồng cây dược liệu dưới tán rừng gỗ lớn để người trồng rừng có thêm nguồn thu nhập lấy “ngắn nuôi dài”, yên tâm canh tác.
Gỡ khó cho người trồng rừng
Từ thực tế cho thấy, việc trồng cây gỗ lớn thực sự chỉ phù hợp với các gia đình, doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế đủ mạnh. Cụ thể như gia đình ông Ty Sỹ Sằn (thôn Làng Mô, xã Đồn Đạc) có 20 ha rừng, chủ yếu trồng quế (15 ha) và keo. Hưởng ứng đề án của huyện, ông Sằn năm nay đăng ký trồng 0,5 ha giổi, một tỷ lệ khá nhỏ so với tổng diện tích rừng của gia đình.
Theo ông Ty Sỹ Sằn, trồng cây quế sau 12 năm có thể thu hoạch 600 triệu đồng/ha, trong khi đó, chỉ mất chi phí đầu tư và công sức trong chu kỳ đầu. Còn trồng cây gỗ lớn như cây lim, lát, giổi phải mất 60-70 năm mới có thể cho thu hoạch. Do vậy những gia đình không có điều kiện, hoặc không có nhiều diện tích rừng sẽ không thể có nguồn thu thường xuyên, trang trải cuộc sống gia đình.
Đây cũng là nguyên nhân, người dân chưa thực sự mặn mà với trồng rừng cây gỗ lớn ở huyện vùng cao nghèo Ba Chẽ, nơi mà quy mô diện tích đất lâm nghiệp của mỗi hộ gia đình nhỏ lẻ, các hộ gia đình làm nghề rừng chủ yếu là ở vùng miền núi, đời sống khó khăn, thiếu vốn sản xuất nên chỉ có thể trồng rừng quảng canh, chu kỳ ngắn để nhanh cho sản phẩm, thu nhập.
Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan, người trồng rừng Ba Chẽ còn có lỗi lo từ khách quan, đó là trồng rừng gỗ lớn có chu kỳ dài nên thường gặp rủi ro như cháy rừng, thiên tai gió bão, trong khi nhà nước chưa có chính sách bảo hiểm đối với rừng trồng. Thị trường tiêu thụ và giá cả đối với sản phẩm lâm nghiệp thiếu ổn định. Mặt khác, trồng cây gỗ lớn có chất lượng giống không tốt sẽ có nguy cơ gặp phải cây gỗ có nhiều khuyết tật khi kinh doanh như: rỗng ruột, nhiều mấu, mắt làm giảm giá trị của gỗ.
Ông Vi Thanh Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Chẽ cho biết, năm 2022, huyện tiếp tục đề xuất với tỉnh bổ sung thêm một số chính sách đặc thù để khuyến khích, phát triển lâm nghiệp bền vững. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền; tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình trồng rừng gỗ lớn, trồng cây dược liệu đã thành công; tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn của huyện.
Để chủ động nguồn giống cây trồng, huyện đã phối hợp cùng 15 đơn vị doanh nghiệp, chủ vườn ươm đảm bảo cung ứng giống cây trồng chất lượng cao, phục vụ nhu cầu trồng rừng tập trung, trồng rừng gỗ lớn của người dân trên địa bàn toàn huyện.
Ông Đặng Văn Đạt, Giám đốc Hợp tác xã Lâm nghiệp Bền Vững (Ba Chẽ) cho biết, vườn ươm của hợp tác xã đang có khoảng 4 triệu cây giống; trong đó, có 13 vạn giống cây gỗ lớn, có khả năng cung ứng giống cho khoảng 120ha rừng. Từ đầu năm đến nay, Hợp tác xã đã xuất vườn bán cây giống để phục vụ cho việc trồng khoảng 70 ha; trong đó chủ yếu ở huyện Ba Chẽ.
Hiện tại, các vườn ươm trên địa bàn đã có thể chủ động được 50% nguồn giống. Ngoài ra, huyện sẽ liên hệ các nơi khác để cung ứng đủ nguồn giống phục vụ người dân trồng rừng. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ Khiếu Anh Tú thông tin, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn đôn đốc các xã, thị trấn hoàn thành công tác kiểm tra sơ bộ hiện trường trồng rừng, lập phương án hỗ trợ và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ kịp thời cho người dân theo đúng quy định hiện hành. Đồng thời, để tăng hiệu quả kinh tế thu được trên một đơn vị diện tích, huyện sẽ nhân rộng mô hình trồng ba kích tím, trà hoa vàng, cát sâm dưới tán cây gỗ lớn.
Văn Đức