Trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN |
Cây gỗ lớn Quảng Ninh lựa chọn chủ yếu là cây keo tai tượng xuất xứ Pongaki. Hai địa phương trồng mới rừng thâm canh gỗ lớn nhiều gồm: huyện Ba Chẽ 70ha; Tiên Yên 50ha. Các địa phương chuyển hóa rừng từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn gồm huyện Hải Hà 60 ha, Đầm Hà 32 ha, Ba Chẽ 45 ha, Vân Đồn 33 ha, Hoành Bồ 40 ha. Mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn phần lớn được thực hiện trên đất rừng trồng sau khai thác, lập địa tương đối tốt (tầng đất trung bình 0,5m), khí hậu thuận lợi, phù hợp với với đặc điểm sinh thái của cây keo tai tượng. Thời vụ trồng rừng là vụ Xuân hoặc Xuân Hè. Đặc biệt, việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng thâm canh gỗ lớn được thực hiện tốt, không bị gia súc phá hại, không xảy ra cháy rừng. Mô hình trồng có tỷ lệ sống cao (trên 90%); 86,5% diện tích trồng đúng mật độ; 14,5% trồng dầy hơn từ 10-20%. Nguyên nhân do một số bộ phận người dân vẫn mong muốn trồng dầy để cây thẳng, sau khi rừng khép tán sẽ tỉa thưa để thành rừng gỗ lớn. Qua đánh giá các mô hình tham gia dự án tại huyện Ba Chẽ và Tiên Yên có mật độ khoảng 1.220 cây/ha, đạt tỷ lệ sống trên 91%, chiều cao vút ngọn từ 10 - 12,85m, đường kính ngang ngực 10,96 - 16,86cm, chất lượng rừng tốt, không sâu bệnh, gẫy ngọn. So sánh với rừng trồng gỗ nhỏ, chiều cao cao hơn không đáng kể 0,52m (gỗ nhỏ 12,33m), đường kính ngang ngực lớn hơn khoảng 2,5 cm so với gỗ nhỏ. Tại Quảng Ninh, keo lai và keo tai tượng là cây lâm nghiệp chính đang được gây trồng phổ biến ở hầu hết các địa phương. Rừng trồng keo các loại góp phần quan trọng trong cung cấp nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Việc triển khai dự án Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ sang gỗ lớn (chủ yếu là giống keo tai tượng xuất xứ Pongaki) giúp người dân tiếp cận được các nguồn giống mới chất lượng cao và mở rộng diện tích rừng trồng đạt hiệu quả cao.
Văn Đức