Phát triển thương hiệu rau má Quảng Thọ

Phát triển thương hiệu rau má Quảng Thọ

Rau má là sản phẩm chuyên canh chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Để phát triển thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm, chính quyền địa phương đã tích cực thực hiện kết nối đầu ra cũng như đa dạng hóa các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Cây trồng cho thu nhập cao

Khởi đầu bằng việc trồng tự phát của người dân, nhưng đến nay cây rau má đã trở thành mặt hàng sản xuất chủ lực của xã Quảng Thọ với giá trị kinh tế cao. Từ năm 2015, chính quyền địa phương đã vận động người dân chuyển đổi những diện tích đất lúa, đất sản xuất các loại hoa màu kém hiệu quả sang trồng cây rau má theo mô hình VietGAP.

Phát triển thương hiệu rau má Quảng Thọ ảnh 1 Nông dân thu hoạch rau má tươi. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Với cách trồng rau má sạch theo quy chuẩn VietGAP đã giúp người dân nơi đây thoát nghèo thành công, thậm chí nhiều người vươn lên làm giàu từ rau má sạch. Hiện tại, toàn xã có khoảng 300 hộ dân tham gia trồng rau má. Đặc biệt, thời gian gần đây, bà con nông dân bắt đầu chuyển sang mô hình sản xuất rau má theo hướng hữu cơ để nâng cao thu nhập.

Gia đình ông Nguyễn Lương Bảo, thôn La Vân Thượng, xã Quảng Thọ hiện có 7 sào rau má (1 sào = 500m2) được trồng theo hướng hữu cơ. Theo ông Bảo, rau má dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp do thời gian sinh trưởng ngắn, thu hoạch quanh năm. Đặc biệt, ít sâu bệnh, có khả năng chống hạn tốt, nên cho giá trị kinh tế cao so với nhiều loại cây nông nghiệp khác.

Ông Nguyễn Lương Bảo cho biết, rau má chỉ cần trồng một lần nhưng được thu hoạch nhiều năm liền. Khoảng 30 – 35 ngày thì có thể thu hoạch một lứa nên trung bình mỗi năm thu hoạch được 10 lứa. Bình quân, mỗi sào rau má sẽ cho thu nhập khoảng 15 triệu đồng/năm. Tính ra, hiệu quả kinh tế của cây rau má gấp 4 - 5 lần so với cây lúa. Thị trường đầu ra cũng rất ổn định.

Toàn xã Quảng Thọ hiện có gần 90 hecta rau má; trong đó, có 70 ha đã được công nhận đạt tiêu chuẩn an toàn VietGAP và 1 ha sản xuất theo hướng hữu cơ. Sản lượng bình quân đạt 3.000 tấn/năm. Trung bình mỗi hecta cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương với thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.

Ông Hoàng Công Điền, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) cho biết, xác định là cây trồng chủ lực của địa phương, thời gian tới chính quyền địa phương tiếp tục vận động bà con chuyển đổi các diện tích trồng rau má VietGAP sang hướng hữu cơ nhằm để tăng thêm thu nhập và năng suất cho bà con nhân dân.

Bên cạnh đó, sản phẩm "trà rau má Quảng Thọ" cũng đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh đạt 4 sao. Địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc chế biến và đa dạng hóa các sản phẩm từ rau má để đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao thương hiệu "rau má Quảng Thọ".

Đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao thu nhập

Để tạo đầu ra ổn định cho rau má, Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Thọ 2, xã Quảng Thọ đã tiến hành thu mua, bao tiêu sản phẩm và làm tốt vai trò kết nối giữa nông dân và các kênh tiêu thụ. Bên cạnh đó, hợp tác xã cũng đã tranh thủ nguồn lực đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất, chế biến các sản phẩm rau má với hệ thống máy móc và quy trình công nghệ hiện đại để sản xuất các sản phẩm từ rau má có chức năng hỗ trợ sức khỏe cho người tiêu dùng.

Hiện nay, Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Thọ 2 đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm từ rau má như trà rau má sấy khô, trà rau má túi lọc và bột "Matcha rau má". Không chỉ phục vụ nhu cầu trong tỉnh, sản phẩm của hợp tác xã đã có mặt tại nhiều thị trường ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần nâng cao giá trị thương phẩm.

Phát triển thương hiệu rau má Quảng Thọ ảnh 2 Sản xuất các sản phẩm từ rau má. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Các sản phẩm trà rau má và bột "Matcha rau má" của xã Quảng Thọ đã được công bố nhãn hiệu tập thể, Cục Sở hữu Trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể và Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm Bộ Y tế cấp phép sản xuất. Ngoài tiêu thụ rau má tươi, trong 9 tháng của năm 2022, Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Thọ 2 đã thu mua và chế biến khoảng 15 tấn rau má thành các sản phẩm để cung cấp cho thị trường.

Ông Lương Trí, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Thọ 2 cho biết, để phát triển thương hiệu "rau má Quảng Thọ", đơn vị luôn chú trọng đến khâu sản xuất, chế biến các sản phẩm đạt tiêu chuẩn và chất lượng; trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu rau má sạch, đảm bảo quy trình VietGAP và quy trình hữu cơ.

Đặc biệt, hợp tác xã cũng thường xuyên tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc rau má cho bà con nông dân và nâng cao ý thức, trách nhiệm sản xuất đúng theo quy định tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, hợp tác xã còn chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm trước khi đưa ra thị trường nhằm mang lại niềm tin cho người tiêu dùng.

Nhằm quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ, Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Thọ 2 cũng đã xây dựng cửa hàng trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm rau má, cũng như các sản phẩm chủ lực của huyện Quảng Điền.

Ngoài ra, hợp tác xã đã hình thành chuỗi bán hàng qua mạng xã hội thông qua các kênh bán hàng thông minh như Shopee, Lazada và một số sàn thương mại điện tử của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng như Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ đó kết nối thông tin giữa nhà cung cấp và khách hàng, tạo thuận tiện trong giao dịch và buôn bán.

Việc đa dạng hóa sản phẩm đã giúp người người nông dân tạo ra chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu của thị trường quanh năm đem lại nhu nhập cao hơn chứ không theo thời vụ như trước đây. Tới đây, hợp tác xã sẽ đầu tư dây chuyền, công nghệ tạo ra nhiều sản phẩm mới từ rau má như sản xuất nước rau má đóng chai, trà rau má hòa tan, cao rau má, thực phẩm chức năng rau má… nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tường Vi

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm