Ninh Thuận là tỉnh ven biển có đặc thù riêng so với cả nước; đặc biệt Ninh Thuận là một trong những ngư trường lớn và giàu nguồn lợi nhất về các loại hải sản; vùng ven biển của tỉnh còn là trung tâm nước trồi, là nơi gặp nhau giữa các dòng biển nóng và dòng biển lạnh... rất thích hợp cho sản xuất giống và nuôi các đối tượng hải sản. Với tiềm năng, lợi thế đó, những năm qua, việc đầu tư nuôi trồng thủy sản, nhất là sản xuất tôm giống đã phát triển rất mạnh mẽ, được biết đến là trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng lớn nhất của cả nước.
Đứng đầu về sản xuất
Ninh Thuận là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, có chiều dài bờ biển hơn 105 km, với địa hình lòng chảo đặc thù đã tạo nên một tiểu vùng thời tiết, khí tượng, thủy văn đặc trưng về nắng nóng quanh năm, lượng mưa hàng năm thấp, ít sông ngòi nên nước biển có độ mặn cao, ít phù sa… Đây là những điều kiện tự nhiên cơ bản hết sức thuận lợi để tỉnh thu hút đầu tư phát triển sản xuất giống thủy sản.
Ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết: Những năm qua, nghề sản xuất tôm giống của tỉnh Ninh Thuận đã hình thành và phát triển trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước. Năm 2018, tôm giống Ninh Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận “Nhãn hiệu chứng nhận Tôm giống Ninh Thuận”.
Tôm giống là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế của tỉnh Ninh Thuận. Hoạt động sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh không ngừng được đầu tư và phát triển, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia. Nhờ đó số lượng cơ sở, doanh nghiệp và năng lực sản xuất ngày càng tăng. Toàn tỉnh hiện có 453 cơ sở với hơn 1.200 trại sản xuất tôm giống, tổng công suất bể ương giống hơn 145.630 m3. Năng lực sản xuất hàng năm từ 40 - 50 tỷ con tôm giống, có thể đáp ứng 30- 40% nhu cầu nuôi tôm của cả nước.
Hiện nay, thị trường tôm giống của tỉnh Ninh Thuận chủ yếu là các tỉnh phía Nam chiếm 80% sản lượng toàn tỉnh. Các thị trường lớn như Cà Mau, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Long An, Kiên Giang… từ lâu rất ưa chuộng và đánh gia cao chất lượng tôm giống của tỉnh Ninh Thuận.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, để trở thành địa phương đi đầu của cả nước về sản xuất tôm giống chất lượng cao, UBND tỉnh đã phê duyệt hai khu quy hoạch sản xuất tôm giống với tổng quy mô 268 ha, đó là khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao An Hải (huyện Ninh Phước) và khu sản xuất giống thủy sản tập trung Nhơn Hải (huyện Ninh Hải).
Vừa qua, UBND tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao An Hải và vùng sản xuất tôm bố mẹ ứng dụng công nghệ cao Sơn Hải giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó sẽ mở rộng khu sản xuất giống An Hải với quy mô 168 ha.
Hiện tại khu vực này đã thu hút hơn 130 cơ sở sản xuất giống, sản lượng hằng năm dao động 10 - 12 tỷ con giống/năm, chiếm 25 - 35% lượng giống của tỉnh. Tỉnh Ninh Thuận đang có chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư có đủ điều kiện đầu tư vào khu vực này, nhằm xây dựng khu sản xuất giống An Hải thành khu sản xuất tôm giống công nghệ cao kiểu mẫu của cả nước.
Đối với khu sản xuất giống thủy sản tập trung Nhơn Hải quy mô diện tích khoảng 100 ha, đây là khu vực tập trung hơn 60% số cơ sở sản xuất tôm giống của tỉnh Ninh Thuận, sản lượng giống tôm khu vực này chiếm 45 - 55% sản lượng giống của tỉnh.
Thời gian gần đây, nhiều trại sản xuất đã tập trung đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng công xuất sản xuất, tuy nhiên kết cấu hạ tầng chung ở khu vực này còn nhiều hạn chế. Vì vậy hiện nay tỉnh Ninh Thuận đang trình Trung ương xin dự án đầu tư chỉnh trang kết cấu hạ tầng khu vực này. Ngoài hai khu vực sản xuất trên, Ninh Thuận còn một số khu vực nhỏ lẻ như: Cà Ná, Ninh Chữ, Tri Hải…, sản lượng giống đóng góp hằng năm chiếm khoảng 10% của tỉnh.
Để trở thành trung tâm
Chất lượng giống thủy sản là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của nghề sản xuất tôm giống và nuôi thương phẩm; trong đó quản lý dịch bệnh là then chốt, vì vậy tỉnh Ninh Thuận luôn tập trung giám sát an toàn dịch bệnh và kiểm dịch tôm giống ngay từ đầu. Đến nay, tất cả 453 cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh đã được Chi cục Thủy sản tỉnh kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và được giám sát an toàn dịch bệnh theo đúng quy định.
Ninh Thuận hiện có 3 cơ sở xét nghiệm bệnh thủy sản, bao gồm 2 cơ sở thuộc đơn vị Nhà nước (Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông) và 1 đơn vị tư nhân. Các phòng xét nghiệm bệnh thủy sản được trang bị các thiết bị hiện đại như máy cắt lát phân tích mô tế bào, máy PCR, máy quang phổ phân tích chất lượng nước, phòng cấy vi khuẩn... có thể thực hiện kiểm tra các bệnh do vi khuẩn, nấm, nguyên sinh động vật, chẩn đoán nhanh và chính xác hầu hết các tác nhân gây bệnh nguy hiểm trên tôm giống.
Theo ông Nguyễn Khắc Lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn chỉ đạo các đơn vị chức năng (Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản) thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong công tác quản lý giống tôm; thường xuyên quan trắc môi trường nước tại các vùng sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, thông báo kiểm dịch vận chuyển tôm giống xuất tỉnh cho cơ quan thú y nơi đến vào lúc 16 giờ 30 phút hằng ngày thông qua Email hoặc trang Web của Chi cục Chăn nuôi Thú y Ninh Thuận: http://chicuccntyninhthuan.gov.vn.
Tỉnh cũng cung cấp trên trang web danh sách các lô tôm bố mẹ trong thời hạn sinh sản; trong đó thông tin về thời điểm nhập khẩu đàn tôm, tên cơ sở sản xuất, nguồn gốc, số lượng tôm bố mẹ, số giấy chứng nhận kiểm dịch… nhằm giúp cho người nuôi tôm thương phẩm, cơ quan quản lý nơi đến dễ dàng xác minh nguồn gốc theo đúng quy định tại Thông tư 26/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý giống thủy sản.
Hiện nay, việc đăng ký kiểm dịch giống thủy sản xuất ra khỏi tỉnh được thực hiện 100% trực tuyến qua hệ thống phần mềm quản lý thú y, giúp giải quyết nhanh và đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhiều tổ chức và cá nhân.
Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho hay, với tiềm năng và lợi thế về biển, thời gian qua tỉnh luôn xác định mục tiêu: “Phát triển tỉnh trở thành tỉnh mạnh về biển trong khu vực, tập trung huy động mọi nguồn lực để kinh tế biển trở thành động lực phát triển”. Để hoàn thành mục tiêu này, một trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được tỉnh đưa ra đó là: “Phát triển tỉnh thành Trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước”.
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận, lĩnh vực sản xuất giống thủy sản của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài thách thức từ biến đổi thời tiết khí hậu bất thường, ô nhiễm môi trường nước khiến cho quá trình ương dưỡng tại các cơ sở bị thiệt hại, còn có khó khăn về nhu cầu của thị trường giảm mạnh nên các cơ sở sản xuất gặp khó khăn cho việc tiêu thụ, nguồn tôm bố mẹ chưa chủ yếu và còn phải nhập từ nước ngoài, khiến chất lượng khó kiểm soát...
Ông Trịnh Minh Hoàng chia sẻ, để phát huy thế mạnh về sản xuất tôm giống trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất giống thủy sản tập trung; triển khai các thủ tục thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các vùng giống tập trung đã được quy hoạch; tăng cường hiệu quả quản lý giám sát dịch bệnh và chất lượng giống...
Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, nâng cao uy tín chất lượng “Tôm giống Ninh Thuận” đến các địa phương nuôi tôm thương phẩm trên phạm vi cả nước. Đồng thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi làm giả nhãn mác hàng hóa, thương hiệu... làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, chất lượng “Tôm giống Ninh Thuận”.
Công Thử