Phát triển nguồn nhân lực ở Thành phố Hồ Chí Minh: Bài 1 - Chủ động nâng cao tay nghề cho lao động

Phát triển nguồn nhân lực ở Thành phố Hồ Chí Minh: Bài 1 - Chủ động nâng cao tay nghề cho lao động

.* Chất lượng lao động chưa cao 

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 3 khu chế xuất và 14 khu công nghiệp với gần 280.000 lao động làm việc tại 1.104 doanh nghiệp. Nhu cầu lao động mới cho các khu chế xuất, khu công nghiệp khoảng 50.000 lao động, tập trung cho các ngành nghề như dệt may, da giày, cơ khí chế biến thực phẩm, bao bì, nhựa, điện tử, hóa chất và các ngành khác. Theo quy hoạch sắp tới các khu công nghiệp sẽ mở rộng thêm nên việc phát triển nguồn nhân lực chuẩn bị cho các doanh nghiệp là rất cần thiết, góp phần giải quyết việc làm cho lao động thành phố và các khu vực lân cận. 

Ảnh minh họa- TTXVN
Ảnh minh họa- TTXVN

Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập, việc phát triển nguồn nhân lực không chỉ về số lượng mà phải tập trung nâng cao chất lượng, đặc biệt là về chuyên môn, tay nghề và tác phong làm việc công nghiệp. Ông Lâm Quốc Việt, Quản lý sản xuất Nhà máy lắp ráp xe đạp điện, xe máy tại Khu công nghiệp Cát Lái (quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh) thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Tiến Lộc cho biết, số công nhân của Nhà máy có bằng cao đẳng, đại học chỉ chiếm khoảng 20%, phần lớn tập trung ở bộ phận hành chính, số còn lại là công nhân trực tiếp tham gia sản xuất hầu hết chỉ tốt nghiệp THPT. 

“Doanh nghiệp nào cũng mong muốn tuyển dụng được những công nhân tay nghề cao, nhanh chóng làm chủ máy móc, thiết bị. Tuy nhiên, có một thực tế sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học và các em mới chỉ tốt nghiệp phổ thông trung học, khi được nhận vào doanh nghiệp đều phải đào tạo lại. Do đó, thay vì tuyển dụng các sinh viên ra trường đã trên 20 tuổi thì nhiều doanh nghiệp lựa chọn lao động có độ tuổi trẻ hơn để có thể kéo dài thời gian làm việc”, ông Việt cho biết. 

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh chọn cách tuyển lao động phổ thông, sau đó tổ chức đào tạo, hướng dẫn vận hành máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, cách làm này cũng chỉ có mang tính thời vụ, cấp bách phục vụ sản xuất nên lao động chưa được đào tạo hoàn chỉnh về chuyên môn, kỹ thuật, tác phong và kỷ luật công nghiệp, sự hợp tác làm việc trong tổ nhóm chưa cao, thậm chí chưa quen với môi trường công nghiệp. Cũng có một số doanh nghiệp đưa công nhân đi đào tạo tại nước ngoài, sau đó đưa về Việt Nam để quản lý điều hành, thay thế chuyên gia nước ngoài nhưng số này cũng chiếm tỷ lệ không đáng kể. 

Theo Ban quản lý các khu chế xuất - công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HEPZA), lao động Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá có đầu óc sáng tạo, thích học hỏi, có khả năng tiếp cận công nghệ cao nhanh hơn các quốc gia khác trong cùng khu vực. Hơn 60% lực lượng lao động tại các khu chế xuất - khu công nghiệp xuất thân từ nông thôn và các tỉnh, thành trong cả nước, có bản tính cần cù, chịu khó, thích nghi nhanh với môi trường sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, các lao động này chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp thâm dụng lao động như may mặc, giày da và các ngành không yêu cầu trình độ học vấn cao, bước đầu dễ dàng chấp nhận mức lương thấp, nhưng sau khi đào tạo có tay nghề, bắt đầu so sánh thu nhập và sẵn sàng bỏ đi tìm việc mới có mức thu nhập cao hơn. 

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ doanh nghiệp (HEPZA) cho biết, các ngành nghề trong khu chế xuất - khu công nghiệp đa dạng nên có tính chuyên môn cao, khi tuyển dụng lao động cũng gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhân lực phù hợp và kịp thời. Đặc biệt là các lĩnh vực mang tính kỹ thuật thuộc các ngành công nghệ thông tin, thiết kế, điện tử, hóa chất, dược phẩm… luôn thiếu hụt công nhân lành nghề. 

Hiện nay, HEPZA cũng có chủ trương giảm dần các ngành thâm dụng lao động, tập trung thu hút các giấy phép đầu tư có hàm lượng chất xám, sử dụng lực lượng lao động có chuyên môn nên số lao động phổ thông thời gian tới sẽ giảm dần, mà tăng số lao động có chất lượng, có chuyên môn cao hơn. 

“Do đó, chất lượng nguồn nhân lực tại các khu chế xuất - khu công nghiệp phải được nâng cao cả về tay nghề và các kỹ năng mềm như tác phong làm việc công nghiệp, văn hóa ứng xử và hiểu biết pháp luật lao động. Bên cạnh các tố chất con người thì công tác đào tạo là quan trọng hơn cả”, ông Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh. 

* Nâng cao hiệu quả đào tạo 

Tại Hội thảo khoa học đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho các khu công nghiệp và khu chế xuất ở Việt Nam được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 5/2016, Tiến sĩ Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ công nhân có tay nghề cao ở các khu công nghiệp - khu chế xuất trong cả nước hiện nay còn nhiều yếu kém, bất cập. Trong đó, đáng chú ý là việc kết nối giữa đào tạo với sử dụng lao động ở các doanh nghiệp còn hạn chế, chất lượng và cơ cấu nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu và nhu cầu của các doanh nghiệp. 

“Khoảng 80% lao động trong khu chế xuất - khu công nghiệp là lao động phổ thông. Thực tế hiện nay nhiều lao động sau khi đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, do đó rất nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không muốn nhận sinh viên tốt nghiệp do không tin tưởng vào chất lượng của nhiều cơ sở đào tạo ở Việt Nam. Các doanh nghiệp đã thực hiện việc đào tạo ngay tại doanh nghiệp mình”, ông Bùi Thế Đức cho biết. 

Chính những lý do trên đã dẫn đến một nghịch lý, đó là mặc dù các khu chế xuất, khu công nghiệp luôn thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật nhưng các doanh nghiệp vẫn không muốn tuyển lao động đã qua đào tạo, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao. Riêng quý I năm 2016, cả nước có 225.000 người có trình độ cử nhân trở lên thất nghiệp, trong khi đó nhiều khu công nghiệp - khu chế xuất chỉ có khoảng 20% lao động qua đào tạo có bằng chuyên môn kỹ thuật. 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong giai đoạn mới hiện nay, để khu chế xuất - khu công nghiệp có được nguồn nhân lực ổn định thì cần phải có kế hoạch chuẩn bị giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, trong đó chương trình đào tạo phải sát hợp với từng ngành nghề và có tính chuyên môn cao, đặc biệt là các ngành nghề có hàm lượng chất xám cao để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cần chú trọng đào tạo lực lượng lao động sơ cấp nghề và đội ngũ lao động quản lý nhằm cải thiện năng suất lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh và phù hợp với nhà tuyển dụng sử dụng các thiết bị mới, từng bước đáp ứng nhu cầu nhân lực cho nền kinh tế hội nhập. 

“Người lao động cần chủ động hơn nữa cho tương lai của mình. Các bạn sinh viên, học sinh phải xác định được khả năng của mình và nhu cầu của xã hội. Công nhân khi đã có việc làm cũng cần tranh thủ mọi sự ưu tiên của doanh nghiệp, điều kiện của bản thân để học tập, sáng tạo, nâng cao tay nghề, kỹ năng, tác phong công nghiệp để nhanh chóng thích nghi với hướng phát triển kinh tế của đất nước”, ông Nguyễn Văn Bé nói. 

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có các chính sách đối với giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nghề. Các doanh nghiệp cần tạo điều kiện về thời gian, tài chính hỗ trợ công nhân tiếp tục học tập, nâng cao tay nghề, học tập chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, vi tính… Các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, nhất là tổ chức Công đoàn trong các khu chế xuất - khu công nghiệp cần hoạt động tích cực và hiệu quả hơn nữa, quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho người lao động đầy đủ. Tổ chức công đoàn cần phối hợp tốt với chủ doanh nghiệp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tránh nảy sinh những vấn đề phức tạp, nhất là trong khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 

Song song với nâng cao tay nghề cho lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, việc phát triển nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ cho các lĩnh vực công nghệ cũng cần được chú trọng. Đây là lực lượng tạo nền tảng, là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội./. 

 

Có thể bạn quan tâm