Phát triển các tiến bộ kỹ thuật và hợp tác quốc tế về Gan mật tụy

Phát triển các tiến bộ kỹ thuật và hợp tác quốc tế về Gan mật tụy

Ngày 20/11, tại tỉnh Vĩnh Long, Hội Gan mật Việt Nam, Phân hội Phẫu thuật Gan mật tụy Việt Nam phối hợp cùng Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội thảo khoa học "Đẩy mạnh phát triển tiến bộ kỹ thuật Gan mật tụy Đồng bằng sông Cửu Long”. Đây là sự kiện chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (23/11/1922 – 23/11/2022) và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long được công nhận lên hạng I.

Phát triển các tiến bộ kỹ thuật và hợp tác quốc tế về Gan mật tụy ảnh 1Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo. Ảnh: Lê Thúy Hằng – TTXVN

Tại hội thảo có 36 báo cáo khoa học của các thầy thuốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chuyên gia hàng đầu về Gan mật tụy tại Việt Nam và các giáo sư quốc tế chuyên gia của Tổ chức y tế thế giới (WHO) được trình bày. Các báo cáo ghi dấu sự nỗ lực của đội ngũ y tế đã và đang tích cực ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới, các can thiệp ít xâm lấn Gan mật tụy, đồng thời cho thấy bức tranh bệnh lý Gan mật tụy với nhiều thách thức cho y tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa để đẩy mạnh phát triển chuyên ngành này, góp phần mang lại kết quả điều trị thiết thực.

Đặc biệt, tại hội thảo diễn ra 3 phiên thảo luận song song với chủ đề chuyên sâu gồm: Ngoại khoa gan mật tụy, Viêm gan virus và ung thư gan, Can thiệp ít xâm lấn Gan mật tụy. Ở từng chuyên đề, các đại biểu có cơ hội trình bày sâu, thảo luận nhiều nội dung trong lĩnh vực mình nghiên cứu, chia sẻ những kết quả, kỹ thuật tiên tiến đang áp dụng để đẩy mạnh phát triển hơn nữa tiến bộ các kỹ thuật chuyên ngành Gan mật tụy ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Giới thiệu về thành tựu và sự phát triển của chuyên ngành Gan mật tụy ở Việt Nam, Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Lê Trung Hải - Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam và phân hội Phẫu thuật Gan mật tụy Việt Nam cho biết, chuyên ngành Gan mật tụy Việt Nam tự hào với phương pháp cắt gan nổi tiếng thế giới của Giáo sư, Viện sỹ Tôn Thất Tùng (Bệnh viên Việt Đức) và với các giải thưởng lớn về khoa học và kỹ thuật như Giải thưởng Hồ Chí Minh về điều trị Ung thư gan (2017), về ghép tạng (2005)…

Theo Bác sỹ Lê Trung Hải, phẫu thuật nội soi Gan mật tụy lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam vào năm 1992 (Bệnh Viện Chợ Rẫy). Đến nay, kỹ thuật này đã được thực hiện thường quy ở các bệnh viện trong cả nước, trong đó Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm hàng đầu. Số ca cắt gan, cắt tá tụy nội soi được triển khai ở các trung tâm lớn trong cả nước với số lượng hàng nghìn ca với kết quả tốt. Các phẫu thuật robot Gan mật tụy và phẫu thuật Gan mật tụy với chỉ thị huỳnh quang ICG đã được áp dụng ở một số trung tâm lớn.

Phát triển các tiến bộ kỹ thuật và hợp tác quốc tế về Gan mật tụy ảnh 2Đại biểu điều hành phiên họp chuyên đề. Ảnh: Lê Thúy Hằng – TTXVN

Song song đó, kỹ thuật ghép gan trên người được thực hiện đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2004 tại Bệnh viện Quân Y 103. Đến nay, cả nước có 9 cơ sở y tế đã thực hiện trên 500 ca với kết quả tốt; bước đầu đã áp dụng một số ca phẫu thuật nội soi cắt lấy gan ghép ở người cho sống để ghép gan.

Ngoài ra, đối với bệnh lý thường gặp và có số ca tử vong cao nhất là bệnh Ung thư gan đã triển khai khám sàn lọc ung thư gan ở các bệnh nhân có nguy cơ cao và áp dụng trị liệu đa mô thức, mang lại nhiều hiệu quả điều trị; trong điều trị sỏi mật đã áp dụng nhiều biện pháp ít xâm lấn; đồng thời làm tốt việc tiêm chủng vaccine HBV cho trẻ sơ sinh và chăm sóc điều trị viêm gan…

Trong thời gian tới, Hội Gan mật tụy và phân hội Phẫu thuật Gan mật tụy Việt Nam cùng các cơ sở y tế trong cả nước tiếp tục phát triển các tiến bộ kỹ thuật và tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế giúp nâng cao chất lượng điều trị người bệnh Gan mật tụy, góp phần phát triển nền y học Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Dung - Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, thời gian qua, đặc biệt là trong khoảng 2 năm phải ứng phó với dịch COVID-19, Hội Gan mật Việt Nam đã thường xuyên tổ chức các hội nghị khoa học, hội thảo, tập huấn nhằm giới thiệu các thông tin mới và trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực bệnh lý Gan mật tụy, nâng cấp và chuyển giao kỹ thuật trong phẫu thuật nội soi gan mật tụy, đặc biệt là phát triển kỹ thuật ghép gan. Hội đã quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, tăng cường hợp tác quốc tế. Hội thảo khoa học học "Đẩy mạnh phát triển tiến bộ kỹ thuật gan mật tụy đồng bằng sông Cửu Long" với nội dụng phong phú và nhiều báo cáo khoa học giá trị sẽ là cơ hội thuận lợi để các giáo sư, nhà khoa học trong lĩnh vực Gan mật tụy và các lĩnh vực y học có liên quan, trao đổi, giao lưu, học tập kinh nghiệm, cập nhật kiến thức quốc tế và trong nước về chuyên ngành, từ đó tìm ra nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển tiến bộ kỹ thuật này tại các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.

Phát triển các tiến bộ kỹ thuật và hợp tác quốc tế về Gan mật tụy ảnh 3Ban tổ chức hội thảo tặng quà cho 2 bệnh nhân ghép gan. Ảnh: Lê Thúy Hằng – TTXVN

Dịp này, Ban tổ chức hội thảo đã tặng quà cho 2 bệnh nhân ghép gan và 5 bệnh nhân viêm gan có hoàn cảnh khó khăn.

Lê Thúy Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm