Điều trị sỏi đường mật và nang giả tụy không cần phẫu thuật

Điều trị sỏi đường mật và nang giả tụy không cần phẫu thuật

Ngày 26/10, ông Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ Khoa Nội soi vừa thực hiện thành công dẫn lưu nang giả tụy viêm mủ vào dạ dày, đồng thời kết hợp thực hiện nội soi mật tụy ngược dòng đặt stent ống mật chủ cho bệnh nhân nhiễm trùng nặng do sỏi ống mật chủ mà không cần phải phẫu thuật. Đây là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu nhưng hiệu quả tối ưu.

Bệnh nhân nam T. V. B., sinh năm 1965 (Đông Hải, Bạc Liêu) được chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vào 3 giờ ngày 21/10/2021 với tình trạng nhiễm trùng nặng: Sốt cao, lạnh run, môi khô, đau nhiều thượng vị và hạ sườn phải. Bệnh nhân có tiền sử sỏi mật đã lâu, thường xuyên đau thượng vị và điều trị không giảm.

Kết quả kiểm tra chụp cắt lớp vi tính bụng có cản quang ghi nhận vị trí cạnh dưới gan trái - cạnh trên dạ dày - bờ trên tụy có một nang kích thước khoảng 109x72 mm thành dày, bên trong chứa dịch đậm độ cao, chèn ép vào dạ dày, ống mật chủ dãn 17 mm đoạn cuối có sỏi đường kính khoảng 13 mm. Bệnh nhân được chẩn đoán: Nhiễm trùng đường mật do sỏi đoạn cuối ống mật chủ, nang giả tụy bội nhiễm, rối loạn đông máu.

Các bác sĩ đã tiến hành hồi sức nội khoa tích cực, đồng thời hội chẩn thực hiện nội soi mật tụy ngược dòng đặt stent và dẫn lưu nang qua nội soi. Tổng trạng toàn thân bệnh nhân suy kiệt nặng, thể trạng yếu, nhiễm trùng nặng, rối loạn đông máu nên phương pháp này là lựa chọn tối ưu.

Các bác sĩ Khoa Nội soi và Khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức thực hiện dùng dao kim cắt vào nang giả tụy, đặt stent pigtails, nhiều mủ đục chảy ra. Đồng thời, bệnh nhân cũng được nội soi mật tụy ngược dòng đặt stent ống mật chủ dẫn lưu mật. Thời gian thực hiện là 45 phút.

Hiện tại, tình trạng bệnh nhân tỉnh táo, không sốt, không còn đau bụng, tình trạng nhiễm trùng đã cải thiện rõ, hiện đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Nội tiêu hóa – Huyết học truyền máu.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Bồ Kim Phương, Trưởng khoa Nội tiêu hóa – Huyết học truyền máu cho biết, bệnh nhân T.V.B. bị di chứng của một chuỗi bệnh lý kéo dài xuất phát từ sỏi đường mật không được điều trị triệt để, nên nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng có nguy cơ ảnh hưởng tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời.

Theo bác sĩ Bồ Kim Phương, bệnh sỏi đường mật không được điều trị sớm sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nặng, trong đó có biến chứng viêm tụy cấp do sỏi rớt xuống kẹt ở đoạn cuối ống mật chủ.

Nguyên nhân của nang giả tụy thường song song với viêm tụy cấp, trong đó 70 - 85% những trường hợp viêm tụy cấp thường liên quan đến bia, rượu. Các nang giả tụy có kích thước < 6 cm có thể tự khỏi nhờ điều trị bảo tồn khoảng 20 - 70%. Đối với các nang tồn tại trên 6 tuần kích thước > 6cm có triệu chứng hoặc có biến chứng được chỉ định can thiệp điều trị.

Trước đây các trường hợp tương tự phẫu thuật bóc tách nang hay mở thông nang ruột kết hợp với mở ống mật lấy sỏi là phương pháp chủ yếu để giải quyết triệt để nguyên nhân và biến chứng của sỏi đường mật và nang giả tụy. Tuy nhiên, bệnh nhân phải chịu một cuộc phẫu thuật lớn, đặc biệt đối với bệnh nhân này tỷ lệ tử vong và biến chứng tương đối cao nếu thực hiện phẫu thuật mổ mở. Hiện nay, dẫn lưu nang giả tụy bằng stent đặt xuyên thành dạ dày và tá tràng qua nội soi kết hợp dẫn lưu đường mật được xem như một thủ thuật hiệu quả và an toàn hơn, bệnh nhân tránh được cuộc phẫu thuật nặng nề, đây là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu với hiệu quả tối đa đối với người bệnh.

Bác sĩ Bồ Kim Phương cũng khuyến cáo người dân khi có sỏi đường mật nên đi khám sớm để được hướng dẫn điều trị tránh các biến chứng nguy hiểm về sau.

Thu Hiền

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm