Ông Trịnh Văn Toàn làm giàu nhờ mô hình trang trại tổng hợp

Ông Trịnh Văn Toàn thu hoạch nhãn. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN
Ông Trịnh Văn Toàn thu hoạch nhãn. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN

Ông Trịnh Văn Toàn, thôn Thạch Lãng, xã Trường Minh, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng thành công mô hình trang trại tổng hợp để vươn lên làm giàu. Hiện mỗi năm ông thu hoạch 40 tấn quả nhãn lồng, cùng nhiều tấn quả mít thái và bưởi Diễn, dừa, thu nhập bình quân của gia đình ông đạt 300-400 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 5 lao động với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng.

Ông Trịnh Văn Toàn làm giàu nhờ mô hình trang trại tổng hợp ảnh 1 Ông Trịnh Văn Toàn thu hoạch nhãn. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN

Chúng tôi có dịp về thăm trang trại của ông Toàn, được ông chia sẻ mới biết tinh thần dám nghĩ dám làm của người một người nông dân. Ông Toàn cho biết mình sinh ra trong một ra đình nghèo, sau khi học xong cấp 3 ông vào miền Nam làm công nhân, sau đó lại ra Hà Nội kiếm việc làm, dù trải qua nhiều nghề kiếm sống nhưng vẫn không có đủ tiền lo cho gia đình.

Năm 2010, ông quyết định về quê lập nghiệp bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, tuy nhiên thời gian này không có nhiều kinh nghiệm nên việc sản xuất nông nghiệp của gia đình ông không hiệu quả, để lại cho ông khoản nợ lớn. Đến năm 2014, sau khi biết sự hỗ trợ chủ trương, chính sách của UBND xã Trường Minh, huyện Nông Cống cho phép tích tụ ruộng đất nên ông này ra ý tưởng làm mô hình trang trại tổng hợp trên vùng đất khó, vốn là vùng chiêm trũng, trồng lúa không hiệu quả, thời điểm này ông đã ra tỉnh Hưng Yên để tham quan một số trang trại tổng hợp thực hiện trồng nhãn lồng, bưởi Diễn, kết hợp chăn nuôi. Ngay sau khi tích lũy được kiến thức, ông Toàn đã bàn với gia đình để thực hiện theo mô hình này.

Năm 2015, ông Toàn đã mạnh dạn nhận thầu với UBND xã một khu đất trồng lúa kém hiệu quả với diện tích là 4 ha, đây là vùng đất quanh năm ngập lụt để thực hiện mô hình trang trại tổng hợp với những sản phẩm an toàn. Ngay sau khi được giao đất, ông Toàn đã vay vốn người thân, ngân hàng để thực hiện mô hình, ông thuê máy ủi, máy múc để cải tạo thành ao nuôi thả cá, trên bờ trồng các loại cây ăn quả, chăn nuôi vịt, gà, lợn. Lúc này, ông Toàn quyết định trồng 1.100 gốc nhãn lồng Hưng Yên, 800 gốc bưởi Diễn, 200 gốc mít Thái, 1.000 gốc cây dừa và chăn nuôi gà, vit dưới tán, tổng mức đầu tư là 2 tỷ đồng.

Để cây nhãn lồng phát triển tốt trên đồng đất vùng chiêm trũng, ông Toàn đã quy hoạch trang trại thành từng luống có hệ thống rãnh 2 bên để tưới chủ động và tiêu úng nhanh vào mùa mưa lũ. Đồng thời, ông cũng thường xuyên chăm sóc, tỉa cây, bón phân theo ngày, từ đó cây luôn sinh trưởng và phát triển tốt, không bị sâu bệnh, mấy vụ nhãn gần đây cây ra quả ngon với những chùm nặng trĩu, chất lượng, cho thu hoạch 40 tấn nhãn Lồng nhãn/năm.

Bên cạnh đó, để tăng thêm thu nhập, ông đã dùng 1 ha trên diện tích mặt đê chuyển từ nuôi cá, đến nay các loài tôm sinh trưởng tốt cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, cả một vùng đất bãi bồi kém hiệu quả trước đây đã được làm thành khu vườn trái cây, ao chuồng trù phú, trang trại đã đi vào hoạt động ổn định, thu hoạch hàng năm có nguồn thu từ lúa, vịt thương phẩm, trứng vịt, cá các loại cũng đạt từ 150-200 triệu đồng, chưa tính các loại cây ăn quả...

Ông Trịnh Văn Toàn làm giàu nhờ mô hình trang trại tổng hợp ảnh 2Ông Trịnh Văn Toàn kiểm tra vườn bưởi. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN

Nói về những dự định trong thời gian tới, ông Toàn cho biết sẽ mở rộng mô hình, trồng thêm nhiều diện tích nhãn, cây hái quả và mở rộng chăn nuôi. Đồng thời, hỗ trợ người dân quanh khu vực thực hiện theo mô hình này để phát triển kinh tế tại địa phương.

Theo bà Phạm Thị Quyết, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nông Cống, trên địa bàn huyện Nông Cống đã xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi; trong đó, mô hình trang trại tổng hợp của ông Toàn là một điển hình, cho thu nhập cao. Hiện ông Toàn đã được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá về việc học và làm theo lời bác toàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020.

Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình của ông Toàn, đồng thời hỗ trợ người dân chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất để vươn lên thoát nghèo.

Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm