Anh Nguyễn Đăng Vương với mô hình sản xuất sạch vì sức khỏe cộng đồng

Mô hình chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ của gia đình anh Nguyễn Đăng Vương. Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN
Mô hình chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ của gia đình anh Nguyễn Đăng Vương. Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN

Tự xây dựng cho mình một hướng đi riêng, anh Nguyễn Đăng Vương (sinh năm 1983, trú tại thôn Bình An, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã phát triển mô hình chăn nuôi hữu cơ kết hợp với bán hàng thực phẩm sạch trên mạng. Được đón nhận nhiệt tình, mô hình đã góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh…

Sản xuất sạch vì sức khỏe cộng đồng

Mong muốn xây dựng riêng một thương hiệu sản xuất thực phẩm sạch theo hướng hữu cơ, an toàn cho người tiêu dùng được anh Nguyễn Đăng Vương ấp ủ từ lâu. Thế nên vào năm 2015, khi có cơ hội sang Nhật Bản tham quan, anh đã đi học tập các mô hình sản xuất phân bón hữu cơ, làm thức ăn vi sinh, tiếp cận cách chăn nuôi hữu cơ… Sau quá trình tự học tập, nghiên cứu, trau dồi kiến thức đến năm 2019, anh bắt tay vào xây dựng mô hình từ nguồn vốn tích cóp của hai vợ chồng. Mô hình chăn nuôi hữu cơ của anh được xây dựng trên 4 ha đất nông nghiệp và đất trồng cây lâu năm của gia đình. Đến đầu năm 2020, anh Nguyễn Đăng Vương mạnh dạn đầu tư thêm số tiền hơn 1 tỷ đồng để xây dựng 9 khu vực chuồng trại chăn nuôi tổng hợp riêng biệt, khép kín. Hiện nay, trang trại tổng hợp của anh đang nuôi hơn 3.000 con gà thịt, 1.000 con vịt và hơn 30 con lợn trong đó có lợn nhà và lợn rừng lai…

Anh Nguyễn Đăng Vương với mô hình sản xuất sạch vì sức khỏe cộng đồng ảnh 1Anh Nguyễn Đăng Vương xay chế phẩm để ủ men vi sinh làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN

Chia sẻ về quá trình thực hiện mô hình của mình, anh Vương cho biết: Để triển khai mô hình chăn nuôi hữu cơ theo hướng nông nghiệp sạch, anh đã phải nghiên cứu, học hỏi, tham quan các mô hình trong và ngoài nước trong một thời gian dài. Sau khi tích lũy đủ kiến thức, anh mới bắt tay vào triển khai. Thời gian đầu là lúc khó khăn nhất, nhiều lúc thất bại khi ủ men vi sinh làm thức ăn chăn nuôi làm tôi thoái chí. Lúc ấy, anh đã nghĩ “thất bại là mẹ thành công” nên cứ ủ mẻ này hư, anh lại ủ mẻ khác. Sau nhiều thất bại, cuối cùng anh cũng tìm ra công thức và tỷ lệ đúng. Trang trại chỉ sử dụng thức ăn do chính anh làm ra từ các thực phẩm hữu cơ chứ tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc tăng trọng, thuốc kích thích, kháng sinh hay thức ăn chăn nuôi bên ngoài.

Anh Nguyễn Đăng Vương với mô hình sản xuất sạch vì sức khỏe cộng đồng ảnh 2Mô hình chăn nuôi lợn rừng lai theo hướng hữu cơ của gia đình anh Nguyễn Đăng Vương. Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN

Điều đặc biệt trong quá trình triển khai mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ của anh Vương chính là nguồn thức ăn được anh tận dụng các loại hoa quả, rau… hỏng từ các chợ, thức ăn thừa từ các hộ dân sinh, trường học, nhà hàng… Sau đó, anh thu gom về xay nhuyễn rồi ủ theo phương pháp lên men vi sinh, cùng với men tỏi và một số loại khác. Mặt khác, để tăng độ đạm cho thức ăn chăn nuôi, anh tiến hành nuôi ấu trùng ruồi lính đen và sử dụng các phế phụ phẩm như đầu, ruột cá, bã bia, đậu... Thức ăn chăn nuôi sau khi xử lý theo đúng quy trình anh mới cho gia súc, gia cầm ăn. Do không sử dụng thuốc kích thích, thuốc tăng trọng, các loài vật nuôi trong trang trại của anh có thời gian xuất chuồng cao hơn so với mô hình chăn nuôi thông thường khoảng 2 tháng. Tuy nhiên, lợi ích từ việc chăn nuôi hữu cơ là vật nuôi ít bị dịch bệnh, sản phẩm chất lượng, không có kháng sinh hay tồn dư chất hóa học, thịt săn chắc, thơm ngon… Các sản phẩm được thị trường ưa chuộng, đón nhận với giá trị kinh tế cao hơn các mặt hàng cùng loại từ 30-35%.

Khi nông dân bán hàng trên mạng

Nhằm tạo đầu ra lâu dài và bền vững cho sản phẩm, anh Nguyễn Đăng Vương đã sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook và kênh Youtube để quảng bá và bán hàng. Thông qua các kênh này, anh đã đăng tải hàng trăm video chia sẻ về kinh nghiệm nuôi gà, lợn, vịt... theo hướng hữu cơ cũng như quảng bá sản phẩm của mình tới người tiêu dùng. Các quy trình sản xuất thức ăn, chăn nuôi, chế biến, đóng gói sản phẩm được anh quay trực tiếp để tạo ra sự tin cậy cho người tiêu dùng. Từ những sản phẩm ban đầu cung ứng ra thị trường, đến nay, với chất lượng của mình, các sản phẩm sạch của gia đình anh đã dần có chỗ đứng trên thị trường. Để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, bên cạnh việc bán buôn, anh cũng bán lẻ và trực tiếp vận chuyển hàng đến từng hộ gia đình dù đơn hàng ít hay nhiều. Từ đó, góp phần nâng cao kinh tế gia đình và giá trị thực phẩm sạch địa phương.

Chị Nguyễn Thùy Linh, ở Khu phố 1, phường Đông Lương, thành phố Đông Hà cho biết: Chị hay đặt hàng trên mạng thông qua trang facebook của anh Nguyễn Đăng Vương các sản phẩm như trứng, gà, vịt… Dù đặt ít hay nhiều, anh vẫn tận tình vận chuyển đến tận nhà giao hàng. Điều kiến chị thích và lựa chọn sử dụng sản phẩm của anh Vương là chất lượng rất thơm, ngon, giá cả phù hợp. Đặc biệt, thông qua các lần phát trực tiếp, chị thấy được quy trình chăn nuôi hữu cơ của anh rất đảm bảo nên rất tin tưởng.

Anh Nguyễn Đăng Vương với mô hình sản xuất sạch vì sức khỏe cộng đồng ảnh 3 Mô hình chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ của gia đình anh Nguyễn Đăng Vương. Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN

Mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ của gia đình anh Vương mang lại hiệu quả kinh tế cao, sau khi trừ chi phí thu lãi trên 180-200 triệu đồng/năm. Mô hình trang trại của anh Vương tạo việc làm thường xuyên cho 3-5 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng. Với hướng đi riêng, chất lượng sản phẩm tốt đã ngày càng khẳng định thương hiệu riêng của gia đình anh. Từ những kết quả đã đạt được, anh đang xây dựng nhãn hiệu gà vi sinh Vĩnh Chấp, đồng thời vận động những người cùng chí hướng thành lập Hợp tác xã nông nghiệp sạch Vương Tây Sơn. Qua đó, xây dựng được thương hiệu lớn cung cấp sản phẩm sạch ra thị trường để tăng giá trị kinh tế góp phần thay đổi cuộc sống của quê hương.

Ông Lê Đức Quang Huy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh cho hay, mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sản xuất thực phẩm sạch của anh Nguyễn Đăng Vương là một hướng đi mới, thành công trên địa bàn. Mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong xã. Sắp tới, Hội sẽ vận động một số hộ gia đình cùng tham gia thành lập Hợp tác xã chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Từ đó, đẩy mạnh nhân rộng mô hình này trên địa bàn xã để nâng cao giá trị sản phẩm…

 Thanh Thủy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm