Trồng ổi góp phần tăng thu nhập. Ảnh: giongcayanqua.edu.vn |
Vốn xuất thân từ một gia đình thuần nông, cuộc sống của ông Nguyễn Thanh Xuân khó khăn, vất vả từ nhỏ. Nói về con đường khởi nghiệp, ông Xuân chia sẻ từ năm 2000, ông đã đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản với hy vọng phụ giúp phần nào cho cuộc sống gia đình và có một số vốn để làm ăn. Sau 3 năm chăm chỉ làm việc ở nơi đất khách quê người, năm 2003 khi trở về, ông mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế bằng nghề nuôi tôm. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm, việc áp dụng các kỹ thuật nuôi còn nhiều thiếu sót, ông Xuân mất trắng số vốn đầu tư vào nuôi tôm. Sau lần khởi nghiệp đầu tiên thất bại, ông đi làm thuê khắp nơi, làm đủ nghề để trang trải cuộc sống. Thất bại nhưng không nản chí, khát vọng làm giàu trên chính vùng đất quê hương đã thôi thúc ông Xuân thực hiện ước mơ, hoài bão từng ấp ủ. Sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ tìm lối đi, ông Xuân nhận thấy ruộng đất hoang hóa ở địa phương còn nhiều mà chưa được khai hoang. Năm 2012, được chính quyền địa phương tạo điều kiện để nông dân phát triển kinh tế, sự hỗ trợ của gia đình, nguồn vốn vay mượn từ bạn bè, ông Xuân đã thuê 4 ha đất hoang hóa ở thôn Cam Vũ, xã Cam Thủy để khai hoang nhằm phát triển kinh tế theo mô hình trang trại tổng hợp. Những ngày đầu bắt tay vào xây dựng mô hình, ông Xuân gặp không ít khó khăn bởi đây là vùng đất hoang hóa, toàn cỏ dại, phải mất rất nhiều thời gian và công sức để cải tạo. Để xây dựng mô hình trang trại này, ông Xuân luôn cố gắng tìm tòi, học kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi qua sách báo, mạng internet. Lúc quyết định thuê vùng đất hoang này để phát triển kinh tế, rất nhiều người không tin ông Xuân làm được và bảo ông đang “ném tiền ra ngoài cửa sổ”, sớm muộn gì cũng thất bại. Bỏ ngoài tai những lời nói đó, ông tiếp tục cố gắng. Với số vốn ban đầu ít ỏi, ông Xuân bắt đầu từ việc nuôi ếch và trồng một số loại cây ăn quả nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Sau đó, ông chuyển sang nuôi gà với số lượng tăng dần, kết hợp với trồng giống ổi lê của Đài Loan (Trung Quốc) cho năng suất và giá bán cao. Vườn ổi có diện tích khoảng 3 ha được ông Xuân sản xuất theo quy trình an toàn, nên quả cho chất lượng cao, rất ngon và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, sản phẩm ổi lê Đài Loan (Trung Quốc) của ông Xuân được thị trường ưa chuộng. Ổi lê cho thu hoạch hầu như quanh năm. Bình quân mỗi ngày, ông Xuân thu hoạch khoảng 50 kg ổi lê. Loại ổi này có giá bán ổn định 20.000 đồng/kg nên có thu nhập 1 triệu đồng/ngày. Với khoảng 3 ha ổi lê, mỗi năm, gia đình ông Xuân doanh thu hơn 300 triệu đồng. Cùng với đó, ông Xuân còn tiếp tục tăng đàn gà thịt và gà đẻ trứng lên đến hàng nghìn con. Mỗi năm riêng gà thịt, ông Xuân xuất bán ra thị trường hơn 2.000 con, bình quân giá 150.000 đồng/con, cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Với đàn gà đẻ sẵn có trong trang trại, ông Xuân đầu tư thêm 2 lò ấp trứng gà, để sản xuất gà giống. Để đáp ứng được công suất của 2 lò ấp với hơn 15.000 quả trứng/tháng, ông Xuân còn tổ chức liên kết với các trang trại nuôi gà khác, để thu mua thêm trứng gà về ấp. Do đó, mỗi tháng, lò ấp trứng của ông Xuân cung cấp cho thị trường khoảng 15.000 con gà giống, mang lại nguồn thu nhập từ 40-50 triệu đồng/tháng. Hiện nay, trang trại của ông Xuân là một trong những mô hình trang trại tổng hợp về trồng trọt, kết hợp chăn nuôi có doanh thu lớn nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Là người tiên phong và thành công trong việc phát triển kinh tế trang trại ở địa phương, ông Xuân được nhiều người tin tưởng tìm đến để học hỏi kinh nghiệm. Ông luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm của mình, hướng dẫn cho nhiều hộ về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi mà ông đã áp dụng thành công. Ông đã giúp nhiều hộ dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng những giống cây phù hợp, để nâng cao thu nhập. Thời gian tới, ông Xuân sẽ mở rộng sản xuất và trồng thử nghiệm thêm nhiều giống cây ăn quả mới như: thanh long ruột đỏ, bưởi, mít; đồng thời, sẽ mở một cửa hàng chuyên bán các loại trái cây sạch do chính trang trại sản xuất; xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn chất lượng cho các sản phẩm nông sản sạch, để có đầu ra ổn định, được thị trường tin dùng. Ông Tạ Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ cho rằng: Ở vùng đất có điều kiện khó khăn, mùa nắng khô cằn, mùa mưa lầy lội, ngập úng, với tinh thần dám nghĩ dám làm, nỗ lực vươn lên, ông Nguyễn Thanh Xuân đã xây dựng thành công mô hình trang trại tổng hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Xuân là tấm gương sáng để người dân địa phương học tập và noi theo trong nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu.
Nguyên Lý - Khánh Linh