Với sự chăm chỉ, chịu khó, anh Lê Đỗ Chinh ở phường Đông Cương, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá đã thực hiện thành công trong thuần dưỡng và nhân giống phát triển mô hình chăn nuôi gà rừng an toàn để vươn lên làm giàu. Hiện trang trại nuôi gà của anh đang có hơn 2.500 con gà rừng thuần chủng, thu nhập đạt 900 triệu/năm.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, tốt nghiệp cấp 3 anh Lê Đỗ Chinh ra học Đại học quản trị kinh doanh tại Hà Nội. Trong một lần vào Đắk Lắk thăm người thân, anh Chinh tình cờ thấy gà rừng có bộ lông đỏ rất mượt và đẹp nên mua 2 đôi về nuôi thử. Nhưng do không biết cách thuần và kỹ thuật chăm sóc nên gà rừng ốm rồi chết. Cũng từ đây anh luôn mong muốn một ngày nào đó thực hiện được việc nuôi gà rừng ngay tại thành phố.
Năm 2012, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Chinh về quê nhà ở phường Đông Cương khởi nghiệp với mô hình nuôi gà rừng an toàn. Để thực hiện mô hình, anh vay vốn bạn bè, người thân mở trại nuôi gà và nhập giống gà rừng về nuôi. Khởi đầu gian nan, lứa gà đầu tiên do anh Chinh chưa nắm được kĩ thuật nuôi nên gà rừng không phát triển, bản tính hoang dã của gà rừng rất cao nên cứ thấy người lại gần là hoảng loạn, hàng trăm con gà rừng liên tục bị chết, thiệt hại hơn hàng trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, anh vẫn quyết tâm làm lại từ đầu, do đã bị thất bại nên trong lần thứ hai nhập giống gà về nuôi, anh Chinh đã tìm hiểu thêm thông tin và cách thuần dưỡng gà rừng trên mạng internet, sách báo. Từ đó, anh tìm ra cách mới là chăn nuôi ở ngoài trời và vây lưới, do gà rừng rất thích sống trên cây nên anh đã trồng rất nhiều loại cây trong trai trại vừa tạo bóng mát cho gà rừng vừa là nơi cho gà ở.
Theo anh Chinh, trong lần chăn nuôi thứ hai này, anh trồng các loại cây, tạo khung cảnh tự nhiên cho gà, bởi gà rừng vẫn giữ nếp sống nguyên thủy như thích ngủ trên cây, bất kể thời tiết nắng hay mưa. Bên cạnh đó, muốn hạn chế bớt bản năng hoang dã của gà rừng, anh Chinh đã tách chúng ra khỏi mẹ gay từ nhỏ để nuôi riêng, không để gà mẹ nuôi, như vậy gà rừng sẽ dễ thuần dưỡng hơn nhiều.
Ngoài ra, với bản chất nhút nhát, khi thấy người vào chuồng gà rừng sợ mà lao đầu vào tường nên ngoài thực hiện mô hình ngoài trời anh cũng dành một nửa diện tích đất để trồng các loại rau và cây lấy lá làm thức ăn cho gà. Nhờ sự cố gắng trong nhiều năm, anh cho ra những dòng gà rừng F thuần chủng nhất.
Gà rừng trống khi trưởng thành có lông đỏ ngũ sắc, mào đỏ rực và nặng từ 1 - 1,2 kg, trong khi đó con mái có bộ lông nâu xỉn và kích thước nhỏ hơn. Gà rừng có thể nuôi sau sau 2,5 tháng tuổi là có thể xuất bán, mỗi năm gà đẻ 3 lứa, mỗi lứa đẻ từ 8-15 trứng, thịt gà rừng thơm ngon, đặc biệt là được nhiều người ưa chuộng nuôi để làm cảnh nên được nhiều người tìm đến cơ sở anh để hỏi mua.
Đến nay, sau 10 năm chăn nuôi gà rừng, anh Chinh đã mở rộng trang trại nuôi gà của mình lên 4.000 m2 với 2.500 con gà rừng thuần chủng, mỗi tháng anh xuất bán từ 250-300 con gà rừng giống với giá từ 450.000 - 1,1 triệu đồng/cặp, riêng gà sinh sản có đôi lên tới 1,6 triệu đồng/cặp. Sản phẩm gà rừng thuần chủng của anh được tiêu thụ ở các tỉnh Thanh Hóa, Lạng Sơn, Cà Mau, Hà Nội…
Nói về những dự định trong thời gian tới, anh Chinh cho biết sẽ tiếp tục mở rộng trang trại nuôi gà để hướng tới thị trường cả nước và xuất khẩu. Đồng thời, anh cũng hướng dẫn người dân địa phương chuyển giao khoa học trong chăn nuôi gà rừng để vươn lên thoát nghèo.
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Đông Cương, thành phố Thanh Hóa cho hay, mô hình chăn nuôi gà rừng của anh Chinh là mô hình hoàn toàn mới, độc đáo và lạ. Từ khi anh Chinh thuần chủng được giống gà rừng này thì hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với các mô hình khác.
Hiện anh Lê Đỗ Chinh là tấm gương làm kinh tế điển hình ở địa phương, thời gian tới hội sẽ khuyến khích người dân trong phường học hỏi kinh nghiệm làm giàu từ mô hình này để nâng cao thu nhập.
Nguyễn Nam