Từ cây đài bi, màng tang mọc hoang dại đến cây sả, tía tô... bình dị, dân dã trong vườn nhà, chàng thanh niên người Tày An Văn Tuấn (30 tuổi), thôn Ken 2, xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, đã tạo ra những sản phẩm thiên nhiên tốt cho sức khỏe, mang lại giá trị kinh tế cao. Anh là tấm gương thanh niên nông thôn khởi nghiệp điển hình tại Lào Cai.
Sinh ra và lớn lên ở miền núi, tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp Hà Nội, anh An Văn Tuấn không chỉ gắn bó với từng nhành cây ngọn cỏ quê hương mà còn hiểu rõ tầm quan trọng của rừng và đa dạng sinh học.
Anh Tuấn cho biết, ban đầu, anh nghiên cứu cho ra các sản phẩm thảo dược vì muốn tránh dùng thuốc Tây, bảo vệ sức khỏe của con nhỏ và gia đình từ các bệnh thông thường như cảm, hạ sốt, nhức đầu, ho, hen suyễn đến bệnh lý mãn tính như dạ dày, gút...
"Sau khi nhận thấy hiệu quả rõ rệt của sản phẩm đối với người nhà lại không có tác dụng phụ, tôi bắt tay vào nghiên cứu thị trường, vùng nguyên liệu sản phẩm và nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp bằng các loại cây cỏ thân thuộc quanh mình", anh Tuấn chia sẻ.
Đó cũng là lúc anh An Văn Tuấn nhận thấy, đất đồi xung quanh nơi mình ở có nhiều loại thực vật, dược liệu quý có thể chế biến và thương mại hóa như sả đỏ, màng tang, đài bi... Giữa lúc băn khoăn tìm con đường lập nghiệp anh biết tỉnh có chủ trương, chính sách “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp về thủ tục hành chính, thuế, tiếp cận đất đai thuận lợi, tiếp cận vốn vay ưu đãi và phát triển thị trường.
Chàng kỹ sư trẻ đã tập hợp 6 đoàn viên, thanh niên Chi đoàn thôn Ken 1 mạnh dạn vay vốn, thành lập Hợp tác xã Thế Tuấn do anh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị để thu gom cây dược liệu tự nhiên sẵn có trên địa bàn cho việc sản xuất, kinh doanh tinh dầu.
Cuối năm 2019, Hợp tác xã gây dựng xong nhà xưởng, lò đốt và nồi ép để chưng cất tinh dầu. Đầu năm 2020, Hợp tác xã cho ra mắt 3 sản phẩm chính là tinh dầu sả java, tinh dầu đài bi và tinh dầu màng tang, canh tác hoàn toàn theo phương thức hữu cơ với sản lượng trên 10.000 lít tinh dầu/tháng, thu lãi hàng tỷ đồng/năm và tạo việc làm ổn định cho trên 20 lao động địa phương.
Chị La Thị Hoan, thôn Bẻ 2, xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn, cho biết: Trước đây chị chỉ làm ruộng, thu nhập thấp. Từ khi vào làm việc tại Hợp tác xã Thế Tuấn, kinh tế đã ổn định hơn. Chị có điều kiện lo cho các con và mua sắm các vật dụng trong gia đình.
Anh An Văn Tuấn cho biết, tinh dầu đài bi là sản phẩm chủ lực của Hợp tác xã với nhiều công dụng y học mà chưa có cơ sở tinh dầu nào của Việt Nam chưng cất. Đây là sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao nhất bởi những lợi ích đặc biệt mà nó mang lại. Theo anh Tuấn, lá cây đài bi tươi tốt và có thể thu hái quanh năm, đặc biệt chất lượng, dược tính tốt nhất khi hái vào mùa hạ. Cây đài bi có chứa nhiều tinh dầu, đặc biệt là phần lá. Trong thành phần của đài bi còn có nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe như: Vitamin C, protit, lipit, sắt, canxi…
Với các thành phần dược tính, hoạt chất có lợi, theo Đông y, cây đài bi có tác dụng kinh phế và thận, được sử dụng trong nhiều bài thuốc điều trị bệnh về hô hấp, giảm đau, giảm viêm nhiễm, điều trị vết thương, chấn thương, hôn mê, tan máu...
Không dừng lại ở sản phẩm tinh dầu, cuối năm 2020, Hợp tác xã Thế Tuấn tiếp tục cho ra đời sản phẩm cao lá, nước súc miệng, sản phẩm xông tắm... từ cây đài bi. Tinh dầu đạt chất lượng, có chiến lược quảng bá kinh doanh tốt, các sản phẩm của Hợp tác xã Thế Tuấn luôn được người tiêu dùng đón nhận với phản hồi tích cực. Mới đây, vào tháng 4/2021, tận dụng những đặc tính điển hình của cây tía tô trong việc chữa bệnh và làm đẹp hiệu quả, anh An Văn Tuấn cho ra mắt thêm một số sản phẩm mới như cao lá, xịt khoáng, bột đắp mặt, sữa tắm, trà... từ loại cây này và luôn trong tình trạng cháy hàng.
Theo anh An Văn Tuấn, lợi thế của Hợp tác xã là nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có. Với khả năng tái sinh bằng hạt và rễ rất tốt nên các loại cây sả, màng tàng, đài bi... nhân giống nhanh. Nếu khai thác một cách khoa học đây sẽ là nguồn thu cho người trồng và chăm sóc rừng. Hơn nữa, chi phí đầu tư ban đầu thấp, chỉ cần khoanh nuôi nên các hộ tham gia liên kết đều có thể cùng sản xuất, thu hái.
Vượt qua 120 ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, Dự án sản xuất và kinh doanh tinh dầu tự nhiên của anh An Văn Tuấn đã xuất sắc đoạt giải nhất tại Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp “Startup Ideas” tỉnh Lào Cai lần thứ II năm 2020.
Đại dịch COVID-19 đã gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống của người dân vùng cao Lào Cai cũng như huyện miền núi Văn Bàn. "Những mô hình kinh tế làm giàu và tạo việc làm cho người dân ngay trên quê hương mình, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, xây dựng nông thôn mới như Hợp tác xã Thế Tuấn rất đáng quý và cần được khuyến khích, nhân rộng", Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai Hà Đức Minh cho biết.
Hương Thu