Nuôi ong dú lấy mật cho nông dân Bình Châu thu nhập cao

Nuôi ong dú lấy mật cho nông dân Bình Châu thu nhập cao

Thời gian gần đây, nhờ tận dụng diện tích vườn trồng cây ăn trái để nuôi ong dú (hay còn gọi là ong rú) lấy mật đã đem lại thu nhập cao cho một số bà con nông dân ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Nuôi ong dú lấy mật cho nông dân Bình Châu thu nhập cao ảnh 1Tổ ong dú đầy ắp mật của anh Trần Văn Toản, ấp Thèo Nèo, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Hơn 100 chiếc hộp nhỏ treo lủng lẳng dưới các tán cây trong vườn cây ăn trái của anh Trần Đức Toản, ngụ ấp Thèo Nèo, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc là hơn 100 tổ ong dú đã được anh nuôi, thuần hóa và nhân đàn trong 6 năm qua.

Cách đây 6 năm, tình cờ phát hiện được tổ ong dú trong thân cây gỗ mục trong rừng, nên anh Toản đã bắt lấy đem về lấy mật và nuôi thử nghiệm. Đây là loài ong rất hiếm có trong tự nhiên, là loài ong không có ngòi để chích, không có nọc độc, không phải tốn công chăm sóc nhiều. Sau khi nắm bắt được quá trình sinh trưởng của ong dú trong lần nuôi thử nghiệm, anh quyết định bắt tay vào nhân đàn để nuôi trong khu vườn khoảng 5 ha với nhiều loài cây trái và hoa cỏ dại như: dừa, cam, quýt, sim rừng, hoa sen…

Theo anh Toản, đây là loài côn trùng ngoài tự nhiên, lại dễ nuôi, hơn nữa đặc tính của loài ong dú này không ăn đường mà chỉ hút nhụy hoa nên mật là tự nhiên và nguyên chất.

Nuôi ong dú lấy mật cho nông dân Bình Châu thu nhập cao ảnh 2Gia đình anh Trần Đức Toản nuôi hơn 100 tổ ong dú mỗi năm cho thu hoạch 2 lần, với hơn100 lít mật. Hiện với giá bán 800 ngàn đồng/lít, mỗi năm sau khi trừ chi phí anh thu về gần 300 triệu đồng. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Để có được thành quả là hơn 100 tổ ong dú như hôm nay, anh Toản đã trải qua nhiều khó khăn. Ban đầu anh nuôi trong một thùng gỗ lớn, ong sinh trưởng rất chậm, cho mật ít. Sau anh phải tự tìm hiểu đặc tính của ong dú, tự mày mò, tham khảo thêm rất nhiều tài liệu trên Internet, sau đó anh đã tạo ra những chiếc thùng bằng gỗ nhỏ bịt kín tất cả các mặt, chỉ chừa một vài lỗ rất nhỏ thông ra bên ngoài. Bên trong thùng được chia làm 4 đến 5 ngăn để ong sinh sản và tạo mật trong đó.

Anh Toản chia sẻ, do loại ong dú này có kích thước rất nhỏ so với các loại ong mật khác, lại không có nọc độc nên chúng hay bị thằn lằn và chim rình bắt ăn. Nên thùng được làm có lỗ thông nhỏ ra bên ngoài để bảo vệ đàn ong.

Mỗi tổ ong dú mỗi năm cho anh Toản thu mật 2 lần. Các sản phẩm của ong dú như: mật, sáp mật có hàm lượng chất dinh dưỡng khá cao hơn các loại mật ong khác, vị ngọt nhẹ, thanh và hơi chua, được nhiều người săn lùng mua. Chính vì vậy, 2 năm trở lại đây, anh Toản được biết đến là một địa chỉ tin cậy chuyên bán thùng ong giống và mật ong dú tại địa phương.

Nuôi ong dú lấy mật cho nông dân Bình Châu thu nhập cao ảnh 3 Anh Trần Văn Toản đang kiểm tra tổ ong dú. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Hiện nay, mỗi năm anh Toản thu hoạch hơn 100 lít mật ong, với giá bán hiện nay khoảng 800 ngàn đồng/ lít, cộng với việc bán các thùng ong giống với giá 1 triệu đồng/thùng. Sau khi trừ chi phí, anh thu về khoảng gần 300 triệu đồng mỗi năm.

Anh Trần Đức Văn cùng ngụ ấp Thèo Nèo, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã bắt tay vào nuôi ong dú từ nhiều năm trước đây. Nhưng do không nắm bắt được các tập tính cũng như không có kinh nghiệm nên ong bỏ tổ đi nhiều.

Sau khi đến tham quan và học hỏi vườn nuôi ong dú của anh Toản, đầu năm 2020, anh Văn đã đầu tư 35 triệu đồng và bắt đầu nhân đàn ong. Đến nay anh đã phát triển được 110 tổ và các tổ ong dú của gia đình anh bắt đầu cho thu mật.

Anh Trần Đức Văn chia sẻ, trước kia tôi chưa có kinh nghiệm nuôi ong dú, chỉ bắt ong về và thả chúng trong các gốc cây, nên không giữ được chúng ở lại làm tổ. Sau khi gặp anh Toản được chia sẻ nhiều kinh nghiệm nên tôi đã biết cách thuần hóa, giữ đàn ong và có thu hoạch mật, có thu nhập từ việc nuôi ong dú.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc cho biết, mô hình nuôi ong dú là mô hình khá mới ở địa phương, hiện nay bước đầu đã đem lại hiệu quả. Sắp tới, Hội Nông dân xã sẽ khuyến khích bà con nông dân học hỏi kinh nghiệm nuôi từ những người đi trước, mở rộng thêm mô hình và giới thiệu cho nhiều người cùng nuôi.

Hoàng Nhị

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm