Khi nhiều người đang phải học cách giữ liên lạc với người thân, bạn bè và đồng nghiệp thông qua các cuộc gọi bằng video trong thời kỳ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, việc thiếu đi tương tác trực tiếp đã thúc đẩy sự phát triển của thị trường robot thay thế cho các tiếp xúc vật lý của con người tại Nhật Bản.
Doanh số các robot có khả năng hàn gắn tâm lý, như robot ưa vuốt ve Lovot của tập đoàn Groove X, chú chó robot Aibo của Sony, hay Qoobo - robot hình chiếc nệm gắn đuôi có thể vẫy mỗi khi tương tác của Yukai Engineering, đang tăng mạnh. Lovot và Aibo có khả năng thu thập dữ liệu về mức độ hạnh phúc của chủ nhân và báo cáo từ xa. Đây là lý do khiến nhiều người tặng các robot này cho những người thân lớn tuổi, khi họ không thể đến thăm vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm. Đánh giá về xu hướng này, giáo sư chuyên ngành về robot thông minh tại Đại học Osaka, Hiroshi Ishiguro nhận định khi mọi người cảm thấy cô đơn hay bất an, họ có xu hướng mong muốn cảm giác tiếp xúc vật lý. Họ tìm kiếm sự hiện diện của người thân thông qua robot, vốn rất khó khi chỉ nói chuyên qua điện thoại hay các cuộc gọi video.
Lovot, một robot dạng thú nuôi có đôi mắt tròn, cao 43 cm, thậm chí có thể tìm đường đến một trường mầm non ở tỉnh Nagoya, miền Trung Nhật Bản, để giúp những trẻ em bị căng thẳng tâm lý do ảnh hưởng của COVID-19. Theo Groove X, robot này sở hữu hơn 50 cảm biến, có thể nhận diện, tiếp cận và giao tiếp bằng mắt với chủ nhân. Ngoài ra, các cảm biến cũng cho phép Lovot có thể cảm nhận vị trí được tiếp xúc và tránh các chướng ngại vật. Robot Lovot nặng 4,2 kg, có thể dễ dàng được nhấc lên, các chân được điều chỉnh phù hợp với "chế độ ôm" và nhiệt độ của nó vào khoảng 37 độ C, tương đương nhiệt độ cơ thể người. Robot này sẽ tự động trở về trạng thái "ngủ" để sạc điện theo thời gian được cài đặt sẵn. Với một chiếc camera 360 độ, Lovot có thể xác định những sự bất thường trong căn nhà và báo cáo cho chủ nhân khi vắng mặt. Nó cũng có thể chia sẻ với các thành viên trong gia đình đang sống xa nhà về các dữ liệu như số lần được tiếp xúc, để thông báo tình trạng của chủ nhân. Đây cũng là loại robot đầu tiên có thể tỏ thái độ ghen tị khi một robot Lovot khác nhận được nhiều sự quan tâm hơn.
Tại trường mầm non Moriyama, nơi hai robot Lovot được ra mắt, hiệu trưởng Kyoshin Kodama cho biết việc tương tác với các chú robot này giúp xoa dịu cảm xúc cho trẻ, xua tan những nỗi lo mà đại dịch có thể ảnh hưởng lâu dài đến trẻ em. Dù có chi phí đắt đỏ lên tới 329.780 yen (3.110 USD) cộng thêm phí bảo trì định kỳ, nhưng doanh số bán loại robot này trong tháng 9 vừa qua vẫn tăng gấp 15 lần so với con số ghi nhận hồi tháng 3, thời điểm trước khi Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp do COVID-19. Trong khi đó, chú chó robot Aibo cũng có những tính năng tương tự, trở thành một lựa chọn ưa thích của những người trong độ tuổi 30 và 40 để dành tặng cho cha mẹ, giúp họ có thể xác nhận nhận sự an toàn của người thân. Sau hơn 20 năm kể từ lần đầu ra mắt thị trường, robot Aibo thế hệ thứ 6 đã được cải tiến để có thể nhận diện tới 10 người thông qua hình ảnh gương mặt. Aibo cũng cho phép người dùng có thể thiết lập các tùy chọn về màu mắt, hay giới tính. Doanh số của Aibo cũng đang tăng tỉ lệ thuận với số giờ người dân ở nhà.
Theo thống kê, có 608 robot Qoobo đã được bán ra trong tháng 9, tăng 2.6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Yukai Engineering cho biết "robot trị liệu" ban đầu được thiết kế dành cho những người không có điều kiện nuôi thú cưng do dị ứng và nhiều nguyên nhân khác, nhưng tập đoàn này đã tìm được nhóm đối tượng khách hàng rộng hơn. Yukai cho biết đang lên kế hoạch ra mắt sản phẩm mới vào tháng 12 tới.
Chuyên gia Ishiguro của Đại học Osaka dự báo nhu cầu sử dụng các robot hồi phục này sẽ tăng cao hơn khi dịch bệnh còn kéo dài.
Minh Tuấn