Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra hết sức phức tạp,chung tay góp sức với các y bác sỹ và các lực lượng khác đang từng ngày từng giờ "căng mình" nơi tuyến đầu, các nhà khoa học Việt Nam đã ngày đêm nghiên cứu, chế tạo những sản phẩm công nghệ cao để góp phần phòng, chống dịch COVID-19.
Đại diện Học viện kỹ thuật quân sự giới thiệu robot với các bác sĩ bệnh viện Bắc Thăng Long. Ảnh: TTXVN phát
Đề tài nghiên cứu "Chế tạo robot vận chuyển trong các khu vực cách ly có nguy cơ lây nhiễm cao (Vibot-1a)" được Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Học viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Quốc phòng thực hiện. Ngày 7/4, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đánh giá kết quả giai đoạn 1 nghiên cứu, chế tạo robot vận chuyển trong các khu vực cách ly có nguy cơ lây nhiễm cao (Vibot-1a) với 100% thành viên đồng ý thông qua và kiến nghị Bộ Y tế xem xét cho phép sử dụng tại các cơ sở cách ly.
Trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã quyết định giao cho Học viện Kỹ thuật Quân sự thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo hệ thống robot hỗ trợ y tế có các tính năng hiện đại theo mẫu robot TUG của Hãng Aethon, Mỹ. Các robot có thể hoạt động theo nhóm trong khu vực cách ly để thay thế, hỗ trợ nhân viên y tế các công việc phục vụ, chăm sóc các bệnh nhân và người nghi nhiễm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Đại tá Tăng Quốc Nam, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Với sự nỗ lực của các nhà nghiên cứu trẻ, chỉ trong vòng 2 tuần, robot mang tên Vibot phiên bản 1a đã được chế tạo và có thể thuần thục đảm nhận nhiệm vụ tự động vận chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm… từ ngoài vào các buồng bệnh; vận chuyển rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, đồ giặt... từ buồng bệnh ra khu tập kết và hỗ trợ giao tiếp từ xa giữa nhân viên y tế và bệnh nhân. Các robot Vibot được thiết kế đa chức năng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của từng khu vực cách ly, có thể vận chuyển nhiều loại hàng hóa khác nhau với tải trọng lên đến 100 kg. Mọi hoạt động của Hệ thống robot được giám sát, điều khiển bởi Trung tâm điều hành, tạo điều kiện cho việc mở rộng phạm vi hoạt động của robot hoặc bổ sung số lượng robot vào hệ thống khi cần thiết. Ngoài chức năng vận chuyển, với đường truyền được thiết lập riêng, từ Trung tâm điều hành, các bác sỹ, người thân có thể thăm bệnh, tư vấn, động viên từ xa tới bệnh nhân bằng hình ảnh, âm thanh chất lượng cao. Qua tính toán sơ bộ, mỗi robot có thể thay thế được 3-5 nhân viên y tế. Ngoài việc giảm rủi ro lây nhiễm, việc sử dụng robot còn tạo điều kiện để nhân viên y tế tập trung thời gian, công sức phục vụ, chăm sóc và điều trị bệnh nhân nặng được tốt hơn.
Chủ nhiệm đề tài cùng các cộng sự Học viện Kỹ thuật Quân sự đã nghiên cứu, chế tạo thành công robot Vibot, phiên bản 1a sử dụng kỹ thuật dẫn đường bằng vạch từ và định vị bằng thẻ nhận dạng tuy đơn giản nhưng có độ tin cậy cao, cho phép robot tự di chuyển trong khu vực cách ly để thực hiện các nhiệm vụ. Vibot-1a có khả năng phát hiện, tránh va chạm vật cản nhờ các cảm biến trang bị ở phía trước và phía sau. Với khối nguồn pin công suất lớn và trạm sạc tự động, Vibot-1a có thể làm việc liên tục 12 giờ và tự động tìm về trạm để sạc khi cạn nguồn. Hiện nay, sản phẩm Vibot-1a đã được lắp đặt, chạy thử nghiệm tại môi trường thực tế và nhận được phản hồi tốt tại Bệnh viện Bắc Thăng Long, Hà Nội (nơi được quy hoạch để cách ly, điều trị các bệnh nhân COVID-19 khi dịch bùng phát).
Đây là thành công quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong lúc dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới, khẳng định trình độ của các nhà khoa học Việt Nam, cũng như sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị nói chung, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị có liên quan đến nghiên cứu nói riêng trước những vấn đề đặt ra từ cuộc sống.
Thu Hà
(TTXVN)