Tỉnh Ninh Thuận tập trung phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) theo hướng gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường; đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ quảng bá hình ảnh, kết nối tiêu thụ sản phẩm theo hướng bền vững.
Đa dạng sản phẩm OCOP
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Ninh Thuận có 69 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP; trong đó, có 8 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao như dưa lưới, táo mật, nho xanh, nước mắm truyền thống Cana 35 độ đạm, 45 độ đạm, nha đam không đường, nha đam hương vải và nha đam hương dứa; có 10 sản phẩm đạt 4 sao như tỏi, nho, táo, nho NH01-152, nho xanh Phan Rang, nho xanh Ba Mọi, du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Núi Chúa, nước mắm truyền thống Cana 15 độ đạm, 25 độ đạm; nho tươi và 51 sản phẩm xếp hạng 3 sao.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền cho biết, nhiều sản phẩm từ chương trình OCOP có chất lượng cao không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy nâng tầm thương hiệu đặc sản của địa phương. Đồng thời, tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Đơn cử như mô hình liên kết sản xuất sản phẩm nho, táo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn). Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc công ty chia sẻ, công ty chuyên sản xuất và đưa ra thị trường sản phẩm táo, nho tươi và dạng sấy. Công ty hợp tác với các trung tâm nghiên cứu chế biến nông sản, Viện Công nghệ thực phẩm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chế biến quả táo.
Đồng thời, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công của quốc gia, công ty đầu tư hệ thống nhà xưởng, thiết bị chưng cất thủy đa năng, máy sấy, máy đóng gói để sản xuất các dòng sản phẩm chế biến từ quả táo và nho.
“Bình quân mỗi năm công ty liên kết thu mua từ các hộ dân khoảng 150 tấn táo, nho cung cấp cho thị trường. Cùng với đó, công ty chế biến khoảng 15 tấn táo sấy dẻo tách hạt và nguyên hạt, ô mai táo và sản xuất khoảng 3.000 lít si rô táo, giấm táo. Được sản xuất từ dây chuyền tiên tiến, các sản phẩm chế biến từ quả táo đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và số lượng; đến nay, công ty đã có 10 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Hiện các sản phẩm chế biến từ quả táo của công ty đã được đưa vào bán tại các siêu thị, chuỗi bán lẻ trên cả nước”, ông Quang chia sẻ thêm.
Công ty này cũng đang tiếp tục đưa các sản phẩm chế biến từ quả nho, táo lên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Qua đó, giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm của công ty được thuận lợi hơn, góp phần duy trì sản xuất cho người nông dân và giữ được giá trị hàng nông sản trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Thời gian qua, nhiều sản phẩm khác của các cơ sở tại Ninh Thuận khi được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cũng đã từng bước khẳng định được thương hiệu, được thị trường đón nhận. Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) có 8 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP.
Ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc Hợp tác xã cho hay, nhằm tạo điểm nhấn cho dòng nho ăn tươi chất lượng cao của Ninh Thuận, tỉnh đang giao cho hợp tác xã trồng nhân rộng giống nho mới NH 01-152 với diện tích gần 20 ha tại làng nho Thái An. Nhờ đáp ứng các tiêu chí sản xuất, sản phẩm nho ăn tươi NH01-152 của hợp tác được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2020.
"Cùng với sản phẩm nho NH01-152, hợp tác xã còn có 7 sản phẩm khác đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao gồm táo sấy, nho sấy không đường, nho hồng sấy, mứt rau câu hồng vân, nho đỏ, mật nho, rượu nho. Các sản phẩm được xếp hạng OCOP đã góp phần khẳng định giá trị sản xuất, tạo động lực cho hợp tác xã đẩy mạnh sản xuất, quảng bá để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, giúp du khách có thêm nhiều sự lựa chọn sản phẩm khi tới du lịch tại làng nho Thái An", ông Phòng chia sẻ thêm.
Điều kiện khí hậu ít mưa, nhiều nắng đã tạo cho Ninh Thuận có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc thù, có lợi thế so sánh như nho, táo, măng tây xanh, cừu, dê, tôm giống…. để tập trung sản xuất thành hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, hàng hóa chất lượng cao trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng do nhiều nguyên nhân như hoạt động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, chế biến còn hạn chế dẫn đến năng suất, mẫu mã, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều; thị trường tiêu thụ sản phẩm còn thiếu tính bền vững... đây là những hạn chế, khó khăn cần sớm được tháo gỡ, khắc phục.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền, trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương lồng ghép và triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách ưu đãi, huy động nguồn lực gắn kết Chương trình OCOP với các chương trình, dự án khác. Từ đó, hỗ trợ các chủ thể sản xuất, kinh doanh nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất, hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm dịch vụ đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.
Trước mắt, nhằm thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP có lợi thế, đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, Ninh Thuận tiếp tục nâng hạng các sản phẩm OCOP đã được công nhận; hoàn thiện các sản phẩm tiềm năng 4 sao để lập hồ sơ, tham gia đánh giá, nâng hạng sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia. Để đưa Chương trình OCOP đi vào chiều sâu, tỉnh tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia chương trình OCOP.
Cụ thể là, thông qua các chương trình khuyến công, phát triển nông nghiệp hỗ trợ máy móc, trang thiết bị sản xuất; phát triển liên kết chuỗi, vùng nguyên liệu; đào tạo phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP và đặc thù. Từ đó, đưa các sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại, các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Đối với các chủ thể tham gia Chương trình OCOP tiếp tục tập trung đầu tư, áp dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm OCOP. Cùng đó, các đơn vị công bố tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm, thiết kế bao bì, nhãn mác; xây dựng câu chuyện sản phẩm gắn với với lịch sử, văn hóa bản địa, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm OCOP. Đồng thời, ngành chức năng của tỉnh tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm OCOP từ khâu sản xuất đến khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Để tạo thuận tiện cho người tiêu dùng và du khách tìm hiểu, lựa chọn các sản phẩm OCOP của địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường phối hợp với ngành du lịch, công thương tạo điều kiện cho các cá nhân, đơn vị tham gia chương trình OCOP được giới thiệu, bán sản phẩm tại các điểm, khu du lịch, các trạm dừng chân trên địa bàn để vừa quảng bá vừa tạo sự đa dạng hàng hóa trong các điểm đến phục vụ du khách.
Đi cùng với đó, Ninh Thuận tiếp tục hỗ trợ thực hiện các đề tài, dự án khoa học – công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng và duy trì website hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giới thiệu, bán sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận. Đặc biệt, tập trung phát triển sản phẩm tiềm năng, sản phẩm đặc thù của tỉnh theo hướng gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Nguyễn Thành