Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), bên cạnh việc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh quảng bá, kết nối các sản phẩm OCOP vào các kênh phân phối hiện đại, các chuỗi cửa hàng, gắn kết với hoạt động du lịch để đưa sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng một cách thuận tiện nhất.
Tính đến tháng 6/2024, tỉnh Ninh Thuận có 182 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, có 152 sản phẩm đạt 3 sao, 30 sản phẩm đạt 4 sao. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng và mua làm quà tặng của du khách trong mùa du lịch hè 2024, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn đang đẩy mạnh sản xuất để tăng sản lượng hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã.
Cùng với các kênh bán hàng truyền thống, các cơ sở tích cực quảng bá các sản phẩm trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để tạo sức lan tỏa và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Tại làng nghề nước mắm truyền thống Cà Ná (xã Cà Ná, huyện Thuận Nam), hàng chục cơ sở sản xuất nước nắm đã đưa ra nhiều dạng sản phẩm như thùng quà tặng 5 lít, 10 lít hay giỏ 1 lít, 1,5 lít, 2 lít,...nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Anh Trịnh Nguyễn Đoàn, quản lý cơ sở sản xuất nước mắm Quang Minh (thôn Lạc Sơn 2, xã Cà Ná) cho biết, cơ sở có 3 sản phẩm nước mắm cá cơm truyền thống loại thượng hạng và đặc biệt đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Các sản phẩm nước mắm cá cơm truyền thống của cơ sở đang bán sỉ, lẻ tại các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, các sàn giao dịch thương mại điện tử, siêu thị, chuỗi cửa hàng... Bình quân mỗi tháng cơ sở tiêu thụ được từ 6.000-10.000 lít nước mắm các loại.
Xây dựng các mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng là hướng đi thu hút du khách rất hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Mọi, chủ trang trại nho Ba Mọi (xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước) chia sẻ, cùng với phát triển trồng nho theo hướng VietGAP, cơ sở tổ chức các hoạt động giúp du khách trải nghiệm thực tế tại vườn nho. Sau khi tham quan, chụp hình, du khách được mời thưởng thức miễn phí những chùm nho ngọt ngào, những trái táo giòn thơm và ly sirô nho thanh mát. Trước khi rời trang trại, du khách có thể mua các sản phẩm như: các loại nho tươi, nho khô, táo sấy, chuối sấy, rượu vang nho, sirô nho đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 – 4 sao…về làm quà tặng.
Theo đánh giá của ngành chức năng, thời gian qua các sản phẩm OCOP được xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, mẫu mã, bao bì, đảm bảo các điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhiều sản phẩm OCOP như nho, táo, nha đam, rượu táo, vang nho, măng tây xanh, nước yến sào, dưa lưới, tôm khô, đũa gỗ, rong nho tách nước, nước mắm,…của các cơ sở, hợp tác xã, công ty trên địa bàn Ninh Thuận đã khẳng định được thương hiệu, đưa vào giới thiệu, bán rộng rãi tại các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh, các siêu thị, cửa hàng, kênh phân phối bán lẻ, các sàn giao dịch thương mại điện tử. Đến nay, 100% sản phẩm OCOP từ 3 sao của tỉnh đã đưa lên tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử của tỉnh Ninh Thuận (sanphamninhthuan.vn).
Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận thông tin, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), năm 2024, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm; trong đó, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương để góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển hiệu quả và bền vững.
Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2024 có từ 20-30 sản phẩm mới đạt chứng nhận OCOP; trong đó, có thêm 2- 5 sản phẩm 4 sao; 1- 2 sản phẩm chăn nuôi đạt chuẩn OCOP từ 3-4 sao; đồng thời, củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn và phấn đấu ít nhất có 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 40% chủ thể doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài ra, tỉnh Ninh Thuận cũng phấn đấu 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; trong đó, ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; có ít nhất 50% làng nghề có sản phẩm OCOP.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, để triển khai thực hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương lồng ghép và triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi, huy động nguồn lực gắn kết chương trình OCOP với các chương trình, dự án khác.
Tỉnh cũng đề ra 15 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để triển khai thực hiện; trong đó, tập trung vào các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP; phát triển sản phẩm OCOP xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn gắn với thị trường xuất khẩu, dựa trên lợi thế đặc hữu về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng khu vực.
Ngoài đẩy mạnh sản xuất, Ninh Thuận còn tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện. Xây dựng các điểm trưng bày, bán các sản phẩm OCOP gắn với các hoạt động du lịch, văn hóa để kết nối các chương trình, tour, tuyến du lịch đưa du khách đến tham quan, mua sắm tại các trung tâm, cửa hàng OCOP, trạm dừng chân và trải nghiệm ngay tại các cơ sở sản xuất. Qua đó, không chỉ góp phần làm phong phú cho các tour, tuyến du lịch, tăng sức hút với du khách mà còn giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của địa phương.
Thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục triển khai các chương trình, dự án thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn liền với các sản phẩm OCOP và đặc thù; tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm OCOP; chú trọng đánh giá, phân hạng sản phẩm trước và sau khi được công nhận để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể đối với sản phẩm sản xuất cung cấp ra thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Nguyễn Thành