Ninh Bình phát triển thương hiệu chè xanh Ba Trại

Ninh Bình phát triển thương hiệu chè xanh Ba Trại
Về xã Quang Sơn những ngày này, ngắm những đồi chè xanh mướt, trải dài đang được bà con tất bật thu hái mới thấy trồng chè là một hướng đi đúng đắn cho người dân nơi đây.

Theo nhiều hộ dân trồng chè lâu năm tại địa phương, cây chè được trồng tại Quang Sơn đã hơn 100 năm. Hiện chè xanh Ba Trại được trồng tại 5 thôn Tân Nam, Tân Nhuận, Tân Trung, Tân Thượng và Tân Hạ thuộc Hợp tác xã Quang Sỏi.

Gia đình chị Nguyễn Thị Linh, xã Quang Sơn có nghề trồng chè từ nhiều năm cho biết, đặc điểm khác biệt của chè xanh Ba Trại so với những vùng khác là lá chè dày, xanh, nước chè thơm và ngọt đậm tạo nên hương vị đặc biệt. Cây chè thích hợp với đất đồi của Quang Sơn, ít sâu bệnh và cho thu hoạch nhiều lứa trong năm. Với chè hái lá, người dân thu hoạch được 3 lứa/năm, chè cành được 2 lứa/năm.

Ninh Bình phát triển thương hiệu chè xanh Ba Trại ảnh 1
Cây chè đã và đang là cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập chính cho người nông dân xã Quang Sơn. Ảnh minh họa: Internet.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Sơn Trần Quốc Toàn cho biết, nếu như một số vùng chè khác thu hoạch cả búp chè tươi để chế biến thành chè búp sao thì tại Quang Sơn, người trồng chè không thu hoạch búp chè. Bởi hiện nay, không phải gia đình nào cũng sử dụng phân bón đúng cách, đúng thời gian quy định nên sử dụng búp chè để uống rất nguy hiểm.

Do đó, người trồng chè Ba Trại chỉ tập trung thu hoạch chè cành để hạn chế đến mức thấp nhất việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc tiêu thụ chè của người dân được nhiều hay ít cũng phụ thuộc vào chất lượng lá chè nên các hộ trồng chè đều tâm niệm việc giữ gìn thương hiệu, uy tín cho cây chè của gia đình nói riêng, chè Ba Trại nói chung. Năm 2008, xã Quang Sơn có 172 ha trồng chè, năng suất bình quân đạt 9,5 tấn/ha, giá trị bình quân thu nhập trên 1ha đất canh tác đạt 27 triệu đồng. Đến nay, diện tích trồng chè đã tăng lên 175ha, năng suất đạt 12,5 tấn/ha, giá trị bình quân thu nhập trên 1 ha đất canh tác đạt gần 50 triệu đồng. Hiện xã có 600 hộ gia đình tham gia sản xuất với 1.200 lao động. Sản phẩm chè của Quang Sơn đã có mặt ở nhiều tỉnh thành phía Bắc như Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa…

Để nâng cao thu nhập cho người nông dân, xã Quang Sơn đã khuyến khích người dân đưa cây dứa trồng xen canh cây chè. Đây là mô hình được đánh giá có nhiều ưu điểm, mang lại lợi ích kinh tế cao. Đến nay, xã đã có 30% diện tích chè được trồng xen dứa, diện tích dứa hàng năm đạt từ 40 đến 50 ha, cho sản lượng hàng năm đạt khoảng 1.000 tấn.

Hội nông dân xã đã thực hiện cung ứng phân bón trả chậm cho hội viên, nông dân; đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn để bà con có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong việc chăm sóc, thu hoạch chè.

Với mục tiêu duy trì ổn định diện tích cây chè, phấn đấu tăng năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế và đưa cây chè trở thành cây trồng chính của xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp đã tiến hành khảo sát lựa chọn các diện tích chè nhằm đưa vào quy hoạch để trồng tập trung, phục vụ cho việc xây dựng thương hiệu chè xanh Ba Trại. Theo đó vùng trồng chè tập trung được mở rộng và phát triển ổn định là 120 ha ở 4 thôn Tân Nhuận, Tân Trung, Tân Thượng, Tân Hạ.

Ninh Bình phát triển thương hiệu chè xanh Ba Trại ảnh 2
Để nâng cao thu nhập cho người nông dân, xã Quang Sơn đã khuyến khích người dân đưa cây dứa trồng xen canh cây chè. Ảnh minh họa: Internet.

Tam Điệp đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện dự án xây dựng thương hiệu sản phẩm “chè xanh Ba Trại” từ tháng 3/2016; xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn với diện tích 0,6 ha; lựa chọn xây dựng nhân giống chè trên diện tích 0,5 ha; tổ chức triển khai tập huấn kỹ thuật sản xuất chè an toàn kết hợp tuyên truyền kế hoạch xây dựng thương hiệu chè cho 58 hộ dân trồng chè.

Trưởng phòng kinh tế thành phố Tam Điệp, Đinh Huy Hiệu cho biết, để đảm bảo việc quy hoạch vùng trồng chè tập trung được xây dựng thành công, trong thời gian tới, thành phố Tam Điệp sẽ triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc chè, tích cực triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, nhằm tạo ra môi trường sinh thái, chống xói mòn và bạc màu đất cho cây chè. Đồng thời thành phố tìm giải pháp để tạo mối liên kết 4 nhà nhằm tìm đầu ra ổn định cho cây chè, tiến tới gìn giữ, phát huy và xây dựng thành công thương hiệu chè xanh Ba Trại.
 
Hải Yến
TTXVN

Có thể bạn quan tâm