Đội ngũ người có uy tín trên địa bàn tỉnh Lai Châu có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh. Họ trở thành cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với đồng bào các dân tộc. Bằng sự nhiệt tình, trách nhiệm và uy tín của bản thân, người có uy tín là tấm gương sáng cùng đồng bào đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình
Được nhân dân tin tưởng bầu làm Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, người có uy tín, ông Vàng Văn Suồn (dân tộc Thái, ở bản Ngà, xã Mường Than, huyện Than Uyên) luôn nỗ lực làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, từng bước góp phần xây dựng diện mạo của bản làng ngày càng khởi sắc.
Xác định rõ trọng trách Đảng và nhân dân giao phó, ông Suồn luôn tâm niệm phải gương mẫu, làm việc hết sức vì dân bản. Do vậy, ông dành thời gian nghiên cứu đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phổ biến, tuyên truyền, vận động bà con hiểu, thực hiện. Trong cuộc sống, ông thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn.
Trăn trở tìm giải pháp nâng cao đời sống người dân, ông Suồn nhận thấy, người đứng đầu bản không chỉ nói hay mà cần làm tốt và luôn đi đầu trong mọi hoạt động bà con mới tin tưởng, đồng thuận hưởng ứng, làm theo. Vì vậy, ông phối hợp Ban quản lý bản, đảng viên trong Chi bộ nghiên cứu kế hoạch xây dựng tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông gương mẫu đi đầu thực hiện tốt phong trào thi đua, nỗ lực phát triển kinh tế. Đến nay, gia đình ông có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm từ cấy 4.000 m2 lúa hàng hóa, nuôi cua, ốc nhồi, thả các loại cá, trồng 3 ha quế và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Kinh tế gia đình ổn định, ông Suồn cùng Chi ủy, Ban quản lý bản tập trung tuyên truyền, khuyến khích, chia sẻ kinh nghiệm để bà con chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng quế, cây ăn quả, cây vụ đông; đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa.
Ông vận động các hộ dân cấy 19 ha lúa 2 vụ với giống Vass 16 đạt tiêu chuẩn VietGAP (sản phẩm đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên của huyện Than Uyên).
Thiết thực hưởng ứng xây dựng nông thôn mới, ông Suồn cùng Ban Chỉ đạo nông thôn mới xã và các đoàn thể trong bản đến từng hộ vận động hiến đất, ngày công mở đường nội bản, nội đồng với diện tích trên 500m2. Người dân còn đóng góp xây dựng cổng bản, trồng hoa, cây xanh, làm cột cờ, tu sửa nhà văn hóa… với tổng số tiền trên 300 triệu đồng và hơn 700 ngày công lao động.
Gánh trọn ba vai, khi là Bí thư Chi bộ cương nghị, quyết đoán, khi là Trưởng bản gần gũi nhân dân hay người có uy tín tận tâm, trách nhiệm, ông đều linh hoạt lồng ghép tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để người dân thấm nhuần.
Ông Suồn chia sẻ, kinh nghiệm tuyên truyền, vận động mà ông đúc kết là luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Những việc bà con chưa hiểu, mình phải giải thích, việc bà con chưa làm được, mình cần kiên trì đồng hành, hỗ trợ.
Đánh giá về ông Vàng Văn Suồn, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Than Đàm Vũ Anh khẳng định, ông Suồn là Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, người có uy tín tận tâm, trách nhiệm với công việc. Dưới sự dẫn dắt của ông, từ một bản còn nhiều khó khăn, đến nay vươn lên điển hình phát triển kinh tế và được nhân dân tin yêu, kính trọng.
Với hơn 11 năm là người uy tín của bản Gia Khâu, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường (Lai Châu), ông Lù A Pao luôn tích cực, đi đầu trong vận động nhân dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao. Ông thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phản ánh kịp thời với cơ quan chức năng, đồng thời hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ. Từ đó, đồng bào thêm đoàn kết, hăng hái lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng bản ấm no.
Ông Lù A Pao cho biết, khi mình tiên phong thực hiện các công việc và thành công, bà con trong bản mới tin tưởng, làm theo. Do đó, ông luôn gương mẫu, đi đầu. Ông tích cực phát triển kinh tế, xây dựng chuồng trại kiên cố để chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa, chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng lê. Hiện gia đình ông nuôi 50 con lợn, trồng 50 cây lê, gieo cấy gần 2ha lúa chất lượng cao, mỗi năm thu hơn 8 tấn thóc...
Nâng cao hơn nữa vai trò của người có uy tín
Toàn tỉnh Lai Châu hiện có 885 người có uy tín là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, bản, nhân sĩ, trí thức, cán bộ nghỉ hưu, trưởng dòng họ, người sản xuất giỏi, người có chức sắc tôn giáo.
Thực tế cho thấy, người có uy tín được thôn, bản, tổ dân phố bình chọn, suy tôn, nhân dân tin tưởng, tín nhiệm không quản ngại khó khăn, đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động người dân giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bài trừ hủ tục, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc.
Người có uy tín tích cực tham gia hòa giải, giải quyết tốt vướng mắc, mâu thuẫn trong cộng đồng; tạo đồng thuận, xây dựng thôn, bản, đoàn kết, bình yên, phát triển; làm cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu Trần Hữu Chí, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tạo điều kiện để người có uy tín tham gia công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và gia đình, con cháu thực hiện tốt quy định pháp luật của Nhà nước; chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới... Người có uy tín còn là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân; tham gia xây dựng hương ước, quy ước của địa phương, vận động bà con thay đổi tập tục lạc hậu như, mê tín, tảo hôn, thách cưới..., góp phần xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần ở thôn, bản ngày càng lành mạnh, tiến bộ.
Phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín, thời gian tới, Lai Châu tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp nhận, triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, dự án liên quan nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào.
Địa phương tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị, xã hội về dân tộc, công tác dân tộc, đặc biệt là vai trò, vị trí của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Lai Châu thực hiện tốt chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, có chính sách đối với người có uy tín.
Tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, định hướng, thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác vận động quần chúng; cung cấp thông tin, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho người có uy tín được tham gia góp ý xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Việt Dũng - Đinh Thùy