Ý nghĩa của rối nước khi ấy chủ yếu là để biểu diễn mua vui vào ngày lễ, Tết và khi đến mùa khô thì dân làng tổ chức múa rối nước để cầu mưa cho nhân dân cày cấy, mùa màng tốt tươi. Từ xưa, thôn Bùi Thượng đã có 2 đội múa rối nước, trong đó nhiều nghệ nhân có kinh nghiệm và giỏi nghề như: cụ Đinh Văn Khác, Đinh Văn Bàn, Đinh Văn Đông, Đăng Văn Nhất, Phạm Văn Trương…
Múa rối nước (trò rối nước) ở tỉnh Hải Dương là di sản văn hóa phi vật thể |
Bằng sự nhiệt tình, say nghề của các nghệ nhân phường rối nước Bùi Thượng, dù họ có rất bận trong việc sản xuất nông nghiệp nhưng họ vẫn thu xếp thời gian không bỏ buổi diễn nào. Với các tiết mục biểu diễn độc đáo cũng luôn giành được tình cảm của các tầng lớp khán giả. Đặc biệt đối với các em thiếu niên nhi đồng, ngoài việc đem lại cho các em những tiếng cười hồn nhiên vui vẻ qua các tiết mục biểu diễn còn giúp các em hiểu thêm về lịch sử văn hóa của quê hương đất nước.
Thăng trầm nghề rối nước
Theo ông Đinh Văn Phai - Trưởng phường rối nước thôn Bùi Thượng cho biết: hiện nay, phường rối nước Bùi Thượng có 18 thành viên, trong đó có 6 người chơi dàn nhạc và 12 người biểu diễn múa rối.
Các nghệ nhân phường rối nước Bùi Thượng dù có bận bịu đến đâu vẫn thu xếp thời gian không bỏ buổi diễn nào |
Về hoạt động phát triển chương trình và tiết mục phường đã làm tốt trong vài năm gần đây, có nhiều sáng tạo mới trong tác phẩm cũng như loại hình nhưng vẫn có một số điểm hạn chế: những tác phẩm mới được đoạt giải và được các giới phê bình đánh giá cao thì ít được giới thiệu và biểu diễn phục vụ khán thính giả chủ yếu đem đi thi hoặc phục vụ công tác chính trị.
Múa rối nước trong xã chỉ để phục vụ khán giả nhà nên rối nước Lê Lợi ít được biết đến, chưa được mở rộng, quy mô còn hạn hẹp. Xã chưa đầu tư nhiều cho phường rối và hiện nay phường rối đang bị mai một dần.
Các tiết mục biểu diễn rối nước độc đáo đem lại cho các em nhỏ những tiếng cười hồn nhiên và sự hiểu biết về lịch sử văn hóa của quê hương đất nước |
Tìm hướng đi cho nghề làm rối nước
Khẳng định mình trong sự phát triển chung của nghệ thuật múa rối nước. Phường đã đi phục vụ biểu diễn ở nhiều nơi và đạt được nhiều thành tích. Như vừa qua ở Liên hoan múa rối nước tỉnh Hải Dương lần thứ IV năm 2013, trong 16 tiết mục mà phường tham gia biểu diễn thì có tiết mục "Tễu giáo đầu" đã đạt giải A về tạo hình chú Tễu và đạt giải B tiết mục "Tiên mời trầu". Phường cũng thường xuyên được chọn biểu diễn tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và được đánh giá cao. Phường được UBND tỉnh khen thưởng do có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", cùng rất nhiều bằng khen, giấy khen khác.
Múa rối nước (trò rối nước) ở tỉnh Hải Dương là di sản văn hóa phi vật thể, thuộc loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian, đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1) năm 2012. Chủ thể của di sản này hiện nay là nhóm nghệ nhân của ba phường rối nước, trong đó có phường rối nước xã Lê Lợi, huyện Gia Lộc. |