Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển - Bài cuối

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển - Bài cuối
Bài 4 (Tiếp theo và hết): Để có nhân lực trình độ cao 
Đào tạo thực chất
Theo các chuyên gia, giáo dục chịu sự chi phối  trực tiếp của thị trường lao động, điều này càng đặc biệt có ý nghĩa khi kinh tế số đang ngày càng gắn thị trường trong nước với thị trường toàn cầu. Thực tế này đặt ra yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học phải hướng tới đào tạo trình độ quốc tế, trong đó đòi hỏi các trường phải chủ động đổi mới, cải thiện chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng thực chất.
Sinh viên tham quan thư viện sách Nhà văn hóa sinh viên tại Khu đô thị Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN
Sinh viên tham quan thư viện sách Nhà văn hóa sinh viên tại Khu đô thị Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN
 
Tiến sĩ Phạm Thị Ly, Thành viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cho rằng, nhân lực trình độ quốc tế được hiểu là có đủ năng lực cạnh tranh với những lao động cùng lĩnh vực trên phạm vi toàn cầu, chứ không phải là “bằng cấp quốc tế”.

Nếu chúng ta không có những kỹ sư, chuyên viên có trình độ ngang với kỹ sư, chuyên viên đang làm việc cho Google, Facebook... hoặc có nhưng không đãi ngộ họ với mức lương tương xứng, thì họ sẽ đi làm cho những doanh nghiệp toàn cầu đó để khai thác  thị trường Việt Nam”, Tiến sĩ Phạm Thị Ly nhận định.
 
Nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quan trọng mang tính quyết định một nền kinh tế muốn phát triển nhanh và bền vững. Ở góc độ đơn vị đào tạo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhiều năm qua, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tập trung phát triển chương trình đào tạo quốc tế thông qua liên kết với nước ngoài, sử dụng chương trình tiên tiến, chất lượng cao, giảng dạy bằng tiếng Anh...

Hiện nay Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng chương trình đạt chuẩn khu vực và quốc tế với 60 chương trình, có 2 trường trực thuộc đạt chuẩn quốc tế... Cùng với đó, trường chủ động trong thực hiện các công tác từ đảm bảo chất lượng, kiểm định đến xếp hạng theo chuẩn mực quốc tế; tích cực đổi mới về phương pháp giảng dạy, chương trình đào tạo và nâng cao trình độ giảng viên; nhất là nâng cao hiệu quả dạy và học ngoại ngữ.
 
Để đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tế, chỉ có sự chủ động của các trường là chưa đủ, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần công nghệ Sao Bắc Đẩu cho rằng, doanh nghiệp không thể đứng ngoài hoạt động đào tạo và phát triển nhân lực. Trong khi thực tế, hầu hết các đơn vị sử dụng nguồn nhân lực theo hình thức “săn bắt” hơn là “nuôi trồng”. Điều này dẫn đến tình trạng một bộ phận lớn lực lượng lao động công nghệ thông tin loay hoay tìm việc, trong khi các doanh nghiệp cũng gặp khó trong tuyển dụng.
 
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, thành phố đang tập trung triển khai các bước đi để tiến tới xây dựng đô thị thông minh với nòng cốt là những con người thông minh, đồng thời cải thiện nguồn vốn con người đáp ứng các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng liên tục thay đổi trong môi trường lao động mới, chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chính vì vậy, định hướng trong công tác giáo dục đào tạo nói chung và định hướng đào tạo nhân lực trình độ quốc tế nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong thời gian tới.
 
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, để khắc phục những yếu kém về chất lượng lao động, việc đào tạo nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế là một trong những chiến lược đột phá tạo nền tảng phát triển bền vững và tăng lợi thế quốc gia. Hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học được xem là phương án tối ưu giúp giải quyết các khó khăn, thách thức đối với chất lượng nhân lực hiện nay.
 
Việc hợp tác quốc tế hiện nay đã được nhiều cơ sở đào tạo trên địa bàn thành đẩy mạnh, sinh viên học tập theo chương trình đào tạo quốc tế nhanh chóng tiếp cận được môi trường học tập hiện đại, có cơ hội giao lưu, nâng cao kiến thức, kỹ năng và có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới. Để đáp ứng yêu cầu học chương trình quốc tế, sinh viên phải đảm bảo năng lực về ngoại ngữ.

Cụ thể như, từ năm 2016 đến nay, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện liên kết hợp tác với 314 đối tác nước ngoài để trao đổi giảng viên, sinh viên, nghiên cứu, phát triển chương trình, thực tập… Còn Trường Đại học Sài Gòn cũng đang triển khai có hiệu quả nhiều mô hình như liên kết đào tạo toàn phần tại Việt Nam với Đại học Khoa học ứng dụng IMC-Krems (Áo); mô hình công nhận và chuyển tín chỉ với Đại học Deakin (Australia); mô hình chương trình học tiên tiến, ký kết với Đại học Tây Anh (Anh)…
 
Nhìn nhận thực tế, Tiến sĩ Lê Lan Chi, Trường Đại học Sài Gòn nhận định, để nâng chất đào tạo, việc tăng cường các chương trình đào tạo liên kết quốc tế là biện pháp hiệu quả, khả thi nhất hiện nay. Theo thống kê, đến năm 2019, thành phố đã có hơn 30 chương trình liên kết đào tạo trình độ từ đại học trở lên, ở các trường công lập lẫn ngoài công lập. Các quốc gia hợp tác chủ yếu là Mỹ, Anh, Singapore, Hàn Quốc…

Các nhóm ngành liên kết nhiều nhất là quản trị kinh doanh, kỹ thuật, tài chính – ngân hàng và công nghệ thông tin. Có thể thấy, số chương trình liên kết khá nhiều, nhưng lại tập trung một số ngành nhất định, ít bổ sung ngành học mới và ít cải tiến, chuyên sâu hóa các ngành cũ. Ngoài ra, chương trình liên kết hiện nay chưa tận dụng được yếu tố quốc tế để nắm bắt, phục vụ cho xu thế chung. Thực tế, những chương trình liên kết mới chỉ phục vụ mục tiêu kinh tế ngắn hạn của các đơn vị, mà thiếu gắn kết với nhu cầu nhân lực của thị trường thành phố.
 
Theo các chuyên gia, trên cơ sở thực tiễn, ở cấp độ Nhà nước cần có một chính sách chiến lược quốc gia về quốc tế hóa giáo dục đại học, đi cùng đó là hệ thống giám sát và đo lường hiệu quả hoạt động này. Ở cấp độ cơ sở giáo dục đại học, cần nâng cao năng lực quản trị đại học; xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút nhân tài, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giảng viên; thay đổi phương thức giảng dạy theo hướng phát triển năng lực của người học, cung cấp cấp kỹ năng quan trọng trên nền tảng công nghệ thông tin và kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp.
 
Định hướng về đào tạo nhân lực trình độ quốc tế thời gian tới, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân gợi ý một số lĩnh vực thành phố cần tập trung đó là công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo; tự động hóa về người máy; y tế; quản trị doanh nghiệp; tài chính ngân hàng; du lịch.

Về giải pháp, thành phố cần có chương trình đồng bộ hướng tới nguồn nhân lực trình độ quốc tế trong dài hạn. Trong đó, UBND thành phố nghiên cứu thành lập hội đồng tư vấn về đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, có sự tham gia của chuyên gia nước ngoài; có cơ chế tài chính, hỗ trợ người học trường chất lượng cao; có chương trình cho vay kích cầu cho các trường có định hướng phát triển quốc tế. Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh hơn giáo thông minh và trường học thông minh; đổi mới phương thức quản trị tại các trường từ phổ thông đến đại học.  
 
Mặt khác, thành phố đẩy mạnh liên kết hợp tác quốc tế, phát triển mạnh mẽ hợp tác công - tư theo từng nhóm chuyên đề khác nhau để các trường tham gia một cách hiệu quả, nhưng nhóm nâng cao hiệu quả dạy và học ngoại ngữ; nhóm hợp tác đào tạo giáo viên; nhóm triển khai các chương trình đào tạo quốc tế; kiểm định chất lượng giáo dục; hợp tác trong việc nâng cao trình độ quản lý của nhà trường; triển khai các chương trình khởi nghiệp sáng tạo; chuyển giao công nghệ mới và phát triển công nghệ mới./. (Hết)
                 Thu Hoài
TTXVN

Có thể bạn quan tâm