Nam Định nâng tầm sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương

Nam Định nâng tầm sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương

Để Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trở thành đòn bẩy góp phần phát triển kinh tế nông thôn, tỉnh Nam Định đã ưu tiên phát triển, nâng tầm những sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.

Nam Định nâng tầm sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương ảnh 1Thu hái dược liệu tại HTX dược liệu sinh thái Ngọc Trà, xã Hải Tây, huyện Hải Hậu. Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Là huyện có diện tích cây dược liệu lớn nhất của tỉnh, nhiều địa phương trong huyện Hải Hậu đã lựa chọn phát triển cây dược liệu trở thành sản phẩm OCOP. Với kinh nghiệm làm nghề điều chế thuốc đông y, từ năm 2008, bà Đỗ Thị Gấm ở xã Hải Tây đã chuyển đổi toàn bộ diện tích canh tác của gia đình sang trồng cây dược liệu. Bà liên kết với một số hộ trong xã thành lập Hợp tác xã dược liệu sinh thái Ngọc Trà, tập trung ruộng đất trồng 60 loại dược liệu trên diện tích 5 mẫu chủ yếu là: kim ngân, dây thìa canh, sài đất, bạc hà, kinh giới…

Để tạo thương hiệu cho sản phẩm, bà Gấm đầu tư xây dựng nhà kính để phơi, sấy dược liệu, cùng hệ thống máy: sao chè, chế biến, đóng túi,... sản xuất các loại trà dưỡng nhan, chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ sau sinh, trà cho bệnh nhân tiểu đường, mất ngủ và các loại dầu gội đầu, sữa tắm từ thảo dược…

Năm 2021, sản phẩm "Trà Thanh Tâm An" của hợp tác xã được công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Năm 2023, sản phẩm "Thanh Tâm uyển" và "Tĩnh tâm trà" của hợp tác xã cũng được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Bà Gấm khẳng định, nhu cầu về những sản phẩm thảo dược ngày nay rất lớn. Tuy nhiên, trước tình trạng thuốc kém chất lượng, nhất là thảo dược giả tràn lan, người dân càng chú trọng hơn về chất lượng cũng như uy tín của sản phẩm. Do đó, việc đạt chứng nhận OCOP có vai trò quan trọng đối với hợp tác xã, nâng cao uy tín và giúp sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường.

"Trước kia mỗi tháng hợp tác xã xuất bán khoảng 20 - 30kg sản phẩm dược liệu, nhưng từ khi đạt chứng nhận sản phẩm OCOP mỗi tháng hợp tác xã xuất bán trên 100kg, có tháng cao điểm đạt 200kg", bà Gấm cho biết thêm.

Năm 2023, huyện Hải Hậu hoàn thành đánh giá, công nhận 19 sản phẩm OCOP đều đạt chất lượng 3 sao. Đến nay, huyện có 88 sản phẩm OCOP; trong đó có 76 sản phẩm đạt 3 sao, 11 sản phẩm đạt 4 sao, 1 sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ trình trình Trung ương xét, công nhận sản phẩm đạt 5 sao.

Nam Định nâng tầm sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương ảnh 2Giới thiệu sản phẩm trà củ sen của Công ty cổ phần nông nghiệp Viagri, xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Xác định việc đạt chứng nhận OCOP là cơ hội cũng là trách nhiệm của chủ thể trong việc gìn giữ chất lượng, nâng tầm sản phẩm, các cơ sở sản xuất trong huyện không ngừng đầu tư, nâng sao, nâng hạng cho sản phẩm OCOP.

Trước đây, gia đình anh Đinh Văn Thuận, xã Hải Đông chỉ nuôi và bán các sản phẩm tổ yến thô và tổ yến tinh chế phục vụ thị trường. Với nhu cầu sử dụng tổ yến của người dân ngày càng cao, mỗi năm gia đình anh thu hoạch 70 - 80kg yến với giá bán yến thô khoảng 23 triệu đồng/kg; yến tinh chế 32 triệu đồng/kg, cho thu nhập từ 1 - 1,5 tỷ đồng/năm.

Anh Thuận cho biết, năm 2023, sản phẩm yến thô và yến tinh chế của gia đình đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Điều này đã giúp sản phẩm của gia đình có sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các địa phương khác. Tuy nhiên, trước thời cơ mang lại, việc đạt chứng nhận cũng đặt ra thách thức làm sao để sản phẩm phát triển hơn nữa trước thị trường ngày càng phát triển, yêu cầu khách hàng ngày càng khắt khe.

Để giải bài toán này, cơ sở của gia đình anh đã đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng, giúp khách hàng hiểu và yên tâm về sản phẩm. Đồng thời, không dừng lại ở việc bán tổ yến truyền thống, anh đầu tư các loại máy móc, thiết bị phát triển sản phẩm yến chưng sẵn và chú trọng đến bao bì sản phẩm để mở rộng thị trường.

Ông Vũ Văn Triển, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Hậu cho hay, những năm gần đây huyện khuyến khích các địa phương phát triển sản phẩm OCOP nhưng chú trọng lựa chọn những sản phẩm có sức hút với thị trường, không phát triển tràn lan lấy số lượng.

Thực tế hiện nay, nhiều sản phẩm OCOP đã được công nhận nhưng khả năng tiếp cận thị trường kém, chưa phát huy được lợi thế mà chương trình mang lại. Để khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, hằng năm, huyện rà soát, đánh giá tiềm năng và tổ chức chuẩn hóa, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh, lợi thế của địa phương.

Huyện khuyến khích, hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP từ các sản phẩm làng nghề và đặc sản truyền thống, hướng dẫn các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, ổn định theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, gắn với duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường…

Toàn tỉnh Nam Định hiện có trên 430 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó có 55 sản phẩm OCOP 4 sao. Tỉnh có 2 sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao vào năm 2024 là: gạo sạch Toản Xuân 888 và nghêu thịt hộp Lenger; sản phẩm du lịch Ecohost (huyện Hải Hậu) có tiềm năng đạt 5 sao.

Nguyễn Lành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm