Những ngày mùa thu này, về thăm vùng trồng sâm nam núi Dành tại 2 xã Liên Chung và Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang sẽ thấy mùa hoa sâm nam nở trắng, tinh khôi bạt ngàn trong các vườn, đồi dưới chân ngọn núi Dành.
Nhắc đến cây sâm mọi người đều nghĩ đến giá trị bổ dưỡng cao từ củ sâm lâu năm nhưng ít ai biết hoa sâm cũng là một món quà quý cho sức khỏe người dùng. Đặc biệt hoa sâm nam núi Dành là một sản phẩm được thu hái trực tiếp từ cây sâm nam núi Dành nhiều năm tuổi, được người dân sử dụng như một loại trà thảo dược với nhiều lợi ích cho sức khỏe con người nhờ có các loại acid hữu cơ, acid amin, khoáng chất. Đặc biệt là trong hoa sâm núi Dành có hoạt chất saponin rất có ích với cơ thể sống.
Từ sớm tinh mơ, trên các vườn, đồi dưới chân núi Dành, người nông dân trồng sâm Nam đã trò chuyện râm ran, nhộn nhịp thu hoạch nụ hoa sâm nam núi Dành. Những nụ hoa sâm nam vẫn còn đẫm sương mai chỉ được thu hái từ sáng sớm nhằm đạt chất lượng cao nhất và đến khi mặt trời lên cao thì sẽ không khai thác nữa. Nụ hoa sau khi thu hái được tuyển chọn cẩn thận, được chế biến qua công đoạn sao nhiệt vừa đủ để những nụ hoa sâm còn nguyên hình hài và giữ được tinh chất đất trời núi Dành.
Tương truyền trong dân gian, vào đời vua Tự Đức nhà Nguyễn, nhờ có sâm nam núi Dành mà chữa lành mắt cho mẹ vua để rồi từ đó “sâm nam núi Dành” trở thành một thứ đặc sản tiến vua nổi danh đất Bắc.
Hằng năm, sâm nam núi Dành ra hoa, tạo hạt vào khoảng cuối tháng 8 đến tháng 10. Hoa sâm tươi được sấy khô làm trà. Ngoài ra, hoa sâm có thể ăn sống, nấu chín thành những món ăn rất bổ dưỡng. Mỗi hécta sâm 2 năm tuổi trở lên sẽ cho 3-4 tấn hoa tươi với giá bán 50 triệu đồng/tấn, thu nhập 150-200 triệu đồng/năm. Hoa sấy khô làm trà có giá khoảng 800.000 đồng - 1 triệu đồng/kg.
Ông Thân Hải Đăng - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ sâm nam núi Dành Việt Lập chia sẻ: Năm 2020, ông cùng 11 thành viên trong xã Việt Lập đã đi đầu thành lập HTX để đưa hoạt động trồng, sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm từ sâm nam núi Dành được quy mô, bài bản. Hiện nay, HTX có hơn 10 ha trồng sâm, sản xuất 4 loại sản phẩm chính: Sâm nam Núi Dành khô; Rượu ngâm sâm; Sâm ngâm mật ong; Nụ hoa sâm khô. Người trồng sâm Nam được cả mùa hoa, tính riêng HTX ước đạt thu được khoảng từ 1, 6 - 1,8 tấn hoa sâm khô thành phẩm làm trà, với giá bán hiện nay khoảng 800.000 đồng - 1.000.000 đồng /kg, thu về khoảng từ 1,4 - 1,5 tỷ đồng/vụ. Đặc tính của cây sâm Nam núi Dành cho khai thác nhiều hoa nhất ở năm 2 và năm 3.
Nhiều hộ gia đình đổi đời, giàu lên từ đầu tư phát triển trồng sâm Nam núi Dành. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Tiến Mạnh, thành viên HTX trồng 1,4 ha sâm Nam núi Dành. Cứ hai ngày gia đình ông Mạnh thu hái nụ hoa sâm một lần được khoảng từ 2,0 - 2,5 tạ hoa sâm tươi. Sau chế biến sấy khô đạt từ 30 - 35 kg hoa khô làm trà. Vụ hoa sâm này, gia đình ông ước tính thu hoạch khoảng 7 tạ trà hoa sâm khô, trị giá khoảng trên 600 triệu đồng.
Mấy năm gần đây, bà con nông dân trồng cây sâm Nam núi Dành trên địa bàn 02 xã Việt Lập và Liên Chung nhờ tâm huyết áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, đầu tư cho cây sâm Nam núi Dành hồi sinh, phát triển trở thành vùng dược liệu quý đem lại nguồn thu nhập phát triển kinh tế từ việc bán hoa sâm, sâm củ và cây sâm giống thu về hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Hương Hiền