Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, năm 2024, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực và sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến kết nối sản phẩm OCOP với các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và trong cả nước.
Mục tiêu của tỉnh nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng thế mạnh, đặc trưng, chất lượng sản phẩm OCOP, từ đó khẳng định thương hiệu và uy tín trên thị trường. Tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP gắn với quy hoach phát triển ổn định vùng nguyên liệu đặc trưng, truyền thống ở địa phương.
Để đạt mục tiêu đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm; quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP.
Các cơ quan chức năng tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng các điểm trưng bày sản phẩm; chú trọng nâng cao năng lực maketing cho chủ thể OCOP, doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc giới thiệu quảng bá sản phẩm; hỗ trợ xây dựng website riêng để quảng bá cho thương hiệu, sản phẩm.
Địa phương quan tâm khuyến khích các chủ cơ sở và doanh nghiệp không ngừng đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ chế biến sâu nhằm nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát triển sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và thị trường.
Ông Nguyễn Văn Quân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp chủ động phát huy nội lực, tổ chức sản xuất theo hướng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, để từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường, đòi hỏi các chủ thể OCOP, các hợp tác xã cần chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin về thị trường, cung cầu hàng hóa để có kế hoạch bố trí sản xuất phù hợp; đồng thời, không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn...
Cà Mau là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển ngư, nông và lâm nghiệp. Trong số đó, diện tích nuôi tôm kết hợp nuôi đan xen các loại thủy sản khác (cua, sò, cá...) có giá trị kinh tế cao với diện tích khoảng 280.000 ha trong tổng số hơn 300.000 ha đất nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Tận dụng lợi thế đó, địa phương phát triển nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản, OCOP nổi tiếng của vùng đất Cà Mau, gồm tôm, cua, mật ong, khô bổi, khô mực, khô cá khoai, ba khía muối, dưa bồn bồn, chuối... và các sản phẩm đặc trưng, đặc sản khác của địa phương.
Thời quan qua, Cà Mau tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm đặc sản, đặc trưng Chương trình OCOP của tỉnh, qua đó thu hút sự tham gia của các chủ thể OCOP trong giới thiệu sản phẩm trên các trang thương mại điện tử, giao thương kết nối tiêu thụ theo hình thức trực tuyến.
Sàn thương mại điện tử tỉnh tại địa chỉ madeincamau.com hiện có hàng trăm gian hàng sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu qua các năm được bày bán. Hiện nay, nhiều sản phẩm đặc trưng, OCOP đã được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị: Tập đoàn Central Retail Việt Nam, Saigon Coop, trên các sàn thương mại điện tử như: Tiki, Lazada, Sendo, Chợ tốt…
Đến nay, Cà Mau có 119 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, 6 sản phẩm đạt 4 sao, 113 sản phẩm đạt 3 sao. Sản phẩm đặc sản, đăc trưng, OCOP đều có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá cả hợp lý và được đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước tin dùng.
Kim Há