Ngày 27/10, tại Công viên văn hoá Lê Thị Riêng, Tp. Hồ Chí Minh, Tuần lễ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng các vùng, miền năm 2023 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh tổ chức đã khai mạc và đón khách tham quan, mua sắm.
Đây là lần đầu tiên Tuần lễ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng các vùng, miền được tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh với sự tham gia của các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và phía Bắc. Chương trình nhằm hỗ trợ giới thiệu, quảng bá xúc tiến thương mại và thúc đẩy kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng, miền với doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh và khách quốc tế.
Theo Ban tổ chức, Tuần lễ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng các vùng, miền năm 2023 có 439 doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu gần 1.200 sản phẩm; trong đó, có 716 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 5 sao. Riêng Tp. Hồ Chí Minh có 20 doanh nghiệp, chủ thể OCOP với 80 sản phẩm; trong đó có 59 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao.
Ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh, nhấn mạnh, việc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới tại khắp các tỉnh, thành thuộc các vùng trong cả nước.
Theo ông Ngô Minh Châu, trong những năm vừa qua, Tp. Hồ Chí Minh luôn củng cố, tăng cường mối quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành trên cả nước thông qua việc ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội. Với việc tổ chức Tuần lễ sản phẩm OCOP sản phẩm đặc trưng các vùng, miền năm 2023 từ 27 - 29/10, Tp. Hồ Chí Minh không chỉ kỳ vọng sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng các vùng, miền sẽ được giới thiệu, quảng bá và thúc đẩy kết nối cung cầu, tiếp cận trực tiếp với các nhà phân phối và người tiêu dùng trong nước và quốc tế trên địa bàn thành phố mà còn mong muốn các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trao đổi học tập nâng cao sản phẩm từ 3 sao lên 4 - 5 sao và hướng đến xuất khẩu sản phẩm ra các nước.
Qua đó, nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới và giúp người dân mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đặc biệt là nông dân nghèo từ các vùng nông thôn khắp các vùng trong cả nước.
Anh Đoàn Ngọc Bảo, đại diện Hợp tác xã Bảo Phương (Hà Tĩnh) cho biết, Hợp tác xã Bảo Phương hiện có 20 ha canh tác cam Vũ Quang, sản lượng mỗi năm khoảng 200 tấn, đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao từ năm 2019. Sản phẩm của hợp tác xã đang được tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch từ Hà Tĩnh đến Hà Nội và được người tiêu dùng yêu thích.
“Khu vực giới thiệu sản phẩm OCOP vùng Bắc Trung Bộ tại Tuần lễ sản phẩm OCOP sản phẩm đặc trưng các vùng, miền năm 2023 mới bắt đầu đón khách tham quan, chưa đến 1 giờ chúng tôi đã bán hết hơn 300kg cam. Đây là một tín hiệu tốt cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm của hợp tác xã là rất lớn. Chúng tôi mong muốn sẽ kết nối được với các hệ thống phân phối, đầu mối tiêu thụ tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam để mở rộng thị trường trong thời gian tới”, anh Đoàn Ngọc Bảo chia sẻ.
Trong khuôn khổ Tuần lễ sản phẩm OCOP sản phẩm đặc trưng các vùng, miền năm 2023, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh cũng tổ chức “Hội nghị kết nối cung cầu đặc sản vùng miền và sản phẩm OCOP” với sự tham gia của các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, Central Retail, Satra, các sàn thương mại điện tử… Đây là hoạt động tiến tới xây dựng giải pháp đồng hành, hỗ trợ các chủ thể thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP theo hướng hoàn thiện quy trình, kết nối cung cầu, phát triển thị trường và chuỗi cung ứng bền vững.
Xuân Anh