Hải Dương: Làng nghề vàng bạc hàng trăm năm tuổi thích ứng với thị trường

Nghệ nhân Phạm Bình Minh kiểm tra chất lượng dây truyền bạc. Ảnh: Tiến Vĩnh – TTXVN
Nghệ nhân Phạm Bình Minh kiểm tra chất lượng dây truyền bạc. Ảnh: Tiến Vĩnh – TTXVN

Năm 2004, Làng nghề vàng bạc Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang được Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hải Dương công nhận danh hiệu “Làng nghề thủ công vàng bạc Châu Khê”. Làng nghề được hình thành cách đây 500 năm, từ thời Lê sơ. Lịch sử của làng còn ghi lại, Thượng thư Bộ lại Lưu Xuân Tín một con người của làng được vua giao phụ trách việc đúc bạc nén lưu hành tiền tệ trong nước. Nghề truyền thống của làng đã được hình thành và lưu truyền từ thời ấy.

Hải Dương: Làng nghề vàng bạc hàng trăm năm tuổi thích ứng với thị trường ảnh 1Nghệ nhân Phạm Thị Ngoãn kiểm tra sản phẩm trước khi xuất ra thị trường. Ảnh: Tiến Vĩnh – TTXVN

Từ đó đến nay, người làng trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và phát triển đến ngày nay. Do yêu cầu của thị trường về các sản phẩm vàng bạc nên người thợ trong làng thường xuyên phải tìm tòi, sáng tạo để cho ra những sản phẩm tốt nhất, đẹp nhất đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Thống kê hiện nay, cả làng có gần 300 hộ gia đình, có tới 97% hộ làm nghề vàng bạc truyền thống. Số lượng này có giảm 1/3 so với những năm 1980 của thế kỷ trước do nhiều hộ chuyển lên sản xuất tại Hàng Bạc, Hà Nội và nhiều nơi khác trong cả nước. Hầu hết các hộ gia đình trong làng nghề đều cho rằng do yêu cầu của thị trường, người tiêu dùng đòi hỏi chất lượng sản phẩm với mẫu mã đẹp, họa tiết, hoa văn tinh xảo với chất lượng tốt hơn.

Chính vì vậy, những người thợ trong làng cũng phải đầu tư công sức và sáng tạo để tạo ra một sản phẩm chất lượng. Hiện nay, các sản phẩm được thị trường ưa chuộng như lắc bạc, vòng tay, dây chuyền, nhẫn… Với mỗi sản phẩm từ nguyên liệu đến thành phẩm đều phải trải qua nhiều công đoạn. Mỗi nghệ nhân thực hiện một công đoạn bằng tay khác nhau như khò, tạo hình, chế tác hoa văn tỉ mỉ. Một trong những sản phẩm khó mà phải người thợ có tay nghề cao và có nhiều kinh nghiệm mới thực hiện được như nhẫn đầu rồng, dây truyền bạc hình chữ S và hoa văn hình trái tim. Đây là 3 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Hải Dương.

Hải Dương: Làng nghề vàng bạc hàng trăm năm tuổi thích ứng với thị trường ảnh 2Nghệ nhân Phạm Bình Minh kiểm tra chất lượng dây truyền bạc. Ảnh: Tiến Vĩnh – TTXVN

Nghệ nhân Phạm Thị Ngoãn, làng vàng bạc Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang chia sẻ, khâu khó nhất khi hoàn thành sản phẩm là sau khi làm nguội và chỉnh sửa sản phẩm. Với những sản phẩm với họa tiết phức tạp nhiều nghệ nhân phải đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua máy móc thiết bị trong sản xuất mới cho ra sản phẩm như ý. Trước kia làm thủ công chỉ được 10 sản phẩm một ngày, nhưng từ khi đưa máy móc vào hỗ trợ thì công suất tăng lên gấp 3 lần. Những sản phẩm như bông tai bạc, lắc bạc không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài nên nhiều họa tiết phải sử dụng máy móc.

Nghệ nhân Phạm Bình Minh làng vàng bạc Châu Khê cho rằng, thị trường hiện nay ưa chuộng sản phẩm trang sức của nữ. Mỗi sản phẩm từ 3 phân đến chỉ rưỡi, dòng nam chủ yếu là nhẫn trơn, nhẫn vuông hay nhẫn mặt đá có mầu sắc phù hợp với phong thủy của người đeo nhẫn. Sản phẩm hiện nay kỹ hơn, tinh xảo, nét và đẹp hơn nhiều so với trước kia.

Nhiều nghệ nhân có kinh nghiệm trong làng nghề cho rằng để bảo tồn và phát triển làng nghề, ngoài việc phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm ở nơi khác thì mỗi sản phẩm kim hoàn Châu Khê phải có chất độc đáo riêng. Đó là mỗi sản phẩm phải có nét tinh xảo mà chỉ có thể chế tác thủ công từ những đôi bàn tay khéo léo cộng với óc sáng tạo tuyệt vời của mỗi nghệ nhân trong làng.

Hải Dương: Làng nghề vàng bạc hàng trăm năm tuổi thích ứng với thị trường ảnh 3Các thợ thủ công chế tác bông tai dành cho phụ nữ. Ảnh: Tiến Vĩnh – TTXVN

Ông Lê Đình Trụ, Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bình Giang cho biết, số lượng người làm nghề vàng bạc Châu Khê ở huyện rất đông. Để bảo tồn gìn giữ và phát triển làng nghề Uỷ ban nhân dân huyện Bình Giang thường xuyên quan tâm đến sự phát triển của làng nghề. Các ban, ngành trong huyện đã tham mưu với cơ quan chức năng để mở những chương trình bồi dưỡng, tập huấn, đồng thời làm tốt khâu tuyên truyền tới người dân cùng duy trì và phát triển làng nghề truyền thống này. Thời gian tới, huyện cũng sẽ huy động nguồn vốn để cho các hộ gia đình có thêm điều kiện để duy trì và phát triển làng nghề truyền thống.

Với tình yêu nghề vàng bạc truyền thống của cha ông để lại, các nghệ nhân trong làng vàng bạc Châu Khê vẫn hàng ngày tìm tòi, sáng tạo cho ra những sản phẩm vàng bạc chất lượng tốt nhất. Nghề kim hoàn từ nhiều đời nay đã thực sự làm cho cuộc sống của người làng Châu Khê sung túc, no đủ. Nhiều hộ đã vươn lên làm giàu và giải quyết việc làm cho hàng trăm người dân trong và ngoài làng.

Hải Dương: Làng nghề vàng bạc hàng trăm năm tuổi thích ứng với thị trường ảnh 4Công đoạn đánh bóng sản phẩm được sử dụng máy móc. Ảnh: Tiến Vĩnh - TTXVN

Sản phẩm trang sức Châu Khê với mẫu mã đa dạng, chất lượng ngày càng tốt hơn. Các nghệ nhân trong làng luôn duy trì đức tính, phong cách “Trung thực, tinh tế, tài hoa, kiên trì, lịch thiệp” từ Tổ nghề truyền lại.

Tiến Vĩnh

(TTXVN

Có thể bạn quan tâm