Với lợi thế có nhiều làng nghề, nghề truyền thống nhất cả nước, kinh tế từ phát triển làng nghề của Hà Nội đã góp phần không nhỏ cho kinh tế cho các vùng nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động trong những lúc nông nhàn. Bên cạnh đó, việc gìn giữ và bảo tồn làng nghề còn phát huy được truyền thống và văn hóa đặc sắc của mỗi vùng miền, trở thành động lực cho phát triển du lịch sinh thái và dịch vụ.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khẳng định rằng, khi đô thị được xem là đại diện cho mức độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia thì nông thôn chính là nơi gìn giữ trọn vẹn đời sống tinh thần, bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị cốt lõi thấm đậm tình người. Nếu như các thiết bị điện tử, sản phẩm công nghệ được xem là biểu hiện của sự năng động và khoa học kỹ thuật của các quốc gia thì tác phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề chính là nét tinh hoa. Khi tài nguyên bản địa được kết tinh thành giá trị văn hóa xã hội, đậm đà bản sắc của mỗi quốc gia, dân tộc. Những di sản văn hóa phi vật thể của mỗi quốc gia thuộc loại hình thủ công truyền thống đã đóng góp giá trị to lớn về kinh tế, văn hóa và xã hội. Mỗi làng nghề đều gắn liền với câu chuyện đời sống vật chất, tinh thần, tiếp nối qua nhiều thế hệ và được chắt chiu nâng niu trong từng sản phẩm.
Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm khoảng 56% tổng số làng ở khu vực nông thôn; trong đó, có 318 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống và hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Hầu hết các làng nghề tập trung ở các huyện ngoại thành cho hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, thời gian qua, các làng nghề truyền thống và làng có nghề trên địa bàn Thủ đô đều có sự tăng trưởng về giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu và hơn 100 làng nghề đạt doanh thu bình quân 10-20 tỷ đồng/năm/làng nghề; gần 70 làng nghề đạt doanh thu 20-50 tỷ đồng/năm/làng nghề và khoảng 20 làng nghề có doanh thu trên 50 tỷ đồng/năm/làng nghề.
Một số làng nghề có doanh thu cao như: Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) đạt 2.850 tỷ đồng/năm; làng nghề bánh kẹo, dệt kim La Phù (huyện Hoài Đức) đạt 1.301 tỷ đồng/năm…Tuy nhiên, đầu ra cho các sản phẩm làng nghề vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ để phát triển làng nghề bền vững cũng như hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới- ông Nguyễn Văn Chí chia sẻ.
Để giới thiệu, quảng bá Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội đến với bạn bè quốc tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đẩy mạnh việc hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để chủ thể OCOP của Hà Nội tham gia các hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ có uy tín do quốc tế tổ chức. Qua đó, chủ thể OCOP có nhiều cơ hội quảng bá, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cũng như tìm kiếm đối tác bạn hàng để ký kết hợp đồng và tìm hiểu nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng nước ngoài.
Ông Nguyễn Đức Tuấn, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Khai Thái cho biết, tận dụng lợi thế của xã Khai Thái là vùng chuyên canh cây chuối rộng hàng trăm ha, hợp tác xã đã tìm hiểu để phát triển nghề rút sợi tơ chuối và làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ loại tơ này. Mục tiêu là chế biến sợi chuối thô để sản xuất ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng, giấy các loại như giấy in tiền, giấy gói hàng, đến những vật liệu cao cấp dùng trong công nghiệp ô tô, du thuyền… có giá trị kinh tế cao.
"Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ sợi chuối ở Việt Nam vẫn còn mới trong khi tiềm năng nguồn nguyên liệu từ chuối lại nhiều. Do vậy tìm đầu ra cho sản phẩm từ sợi chuối sẽ giúp tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng nông thôn. Đặc biệt, sợi chuối là sản phẩm thân thiện môi trường rất được thị trường châu Âu ưa chuộng", ông Nguyễn Đức Tuấn chia sẻ.
Bên cạnh phát triển sản phẩm thủ công mỹ từ các làng nghề, Hà Nội còn hướng tới phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm... từ đó, tạo đà cho những làng nghề ngoại thành phát triển kinh tế. Những năm qua, du lịch đã góp phần tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, nâng cao đời sống cho người dân, đồng thời, phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp tại địa phương...
Theo Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) Nguyễn Hải Đăng, xã Hồng Vân là một trong những làng nghề sinh vật cảnh nổi tiếng của Thủ đô, đến nay, xã đã hoàn thiện xây dựng khu trải nghiệm Sen Hồng thuộc quần thể chùa Khánh Vân; trùng tu, tôn tạo đình Cả; hoàn thiện đầu tư khu đảo hoa tiên - Xứ mây hồng, diện tích 2ha ở khu vực bãi sông Hồng - nơi gắn với truyền thuyết về Chử Đồng Tử gặp Tiên Dung... Đặc biệt, để giữ chân du khách ở lại lâu hơn, xã Hồng Vân còn cải tạo trụ sở UBND xã cũ làm nơi lưu trú cho du khách. Địa phương cũng đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ hướng dẫn viên và thành viên Ban quản lý du lịch về nghiệp vụ đón khách; hướng dẫn các nhà vườn đầu tư nâng cấp sản phẩm du lịch để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, làng nghề không chỉ phản ánh mối quan hệ giữa "nghề" với "nghiệp" mà còn chứa đựng những yếu tố tinh thần đậm nét, phản ánh qua các tập tục, tín ngưỡng, lễ hội liên quan đến nghề sản xuất truyền thống. Mỗi sản phẩm làng nghề đều có câu chuyện riêng và đời sống tinh thần, nên sản phẩm thủ công mỹ nghệ còn mang đậm nét văn hóa của từng địa phương, giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về văn hóa Việt Nam. Do vậy, Hà Nội cần hỗ trợ và có nhiều giải pháp hơn nữa giúp các chủ thể OCOP tham gia các hội chợ quốc tế ngày càng nhiều và sâu rộng để sản phẩm OCOP của Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung được người tiêu dùng quốc tế biết đến.
Nhận thức sâu sắc giá trị của làng nghề và nghề truyền thống, thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 9 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô; trong đó, khẳng định ưu tiên phát triển nghề, làng nghề đến 2025 tầm nhìn đến 2030. Đồng thời có nhiều cơ chế, chính sách bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô. Mỗi làng nghề của Hà Nội đều mang bản sắc riêng, với những sản phẩm độc đáo, mang phong cách văn hóa địa phương có sức cạnh tranh cao trong thị trường trong nước và quốc tế.
Thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ hình thành trung tâm sáng tạo và giới thiệu sản phẩm OCOP của quốc gia tại Thủ đô gắn với du lịch, văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa; Đồng thời, phát triển 9 trung tâm thiết kế sáng tạo giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP tại các huyện và thị xã.
Nam Giang