Cây chè cổ thụ 600 năm tuổi ở thôn Nậm Piên, xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Chiến-TTXVN |
Hoàng Su Phì có khí hậu thổ nhưỡng ôn hòa, lĩnh vực nông, lâm nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế chung của huyện. Với đặc điểm khí hậu thổ nhưỡng đa dạng nên rất thuận lợi cho sự phát triển của cây chè shan tuyết ở huyện Hoàng Su Phì. Toàn huyện Hoàng Su Phì có 25 cơ sở chế biến chè, trong đó 5 hợp tác xã chế biến chè quy mô từ 3-5 tấn/ngày, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương, với mức thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng. Đối với người trồng chè, bình quân mỗi ha chè cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm. Vì vậy, đời sống người dân vùng chè cũng được nâng lên đáng kể. Đứng bên cây chè shan tuyết cổ thụ có tuổi đời 600 năm, ông Hoàng Sùng Heng (63 tuổi, ở thôn Nậm Piên, xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì) cho biết, gia đình ông có 5 ha chè, trong đó nhiều cây chè cổ thụ tuổi đời 200 - 600 năm. "Cây chè đã tồn tại qua 9 đời và là nguồn thu chủ yếu của gia đình. Chỉ riêng cây chè cổ thụ này mỗi năm mang lại cho gia đình tôi khoảng 25 triệu đồng, có thời điểm cây chè cho thu hái tới 50 kg. Tuy nhiên, mấy năm gần đây do thân cây già yếu nên sản lượng búp chè đạt thấp hơn”, ông Heng chia sẻ. Nậm Ty là một trong những xã có diện tích chè shan tuyết cổ thụ lớn của huyện Hoàng Su Phì. Đây cũng là xã có quần thể 20 cây chè cổ thụ được công nhận là cây di sản, trong quần thể 85 cây chè vừa được công nhận là cây di sản trên địa bàn huyện. Cây chè shan tuyết cổ thụ được công nhận là cây di sản Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn nguồn gen quý, góp phần nâng cao giá trị, từ đó tăng thu nhập cho người dân. Đây cũng là cơ hội quý để quảng bá thương hiệu chè shan tuyết cổ thụ hữu cơ của huyện Hoàng Su Phì đến với thị trường trong và ngoài nước. Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam cho biết, công tác bảo tồn, nâng cao giá trị cũng như việc xây dựng thương hiệu để sản phẩm chè của Hoàng Su Phì vươn xa đang là vấn đề đặt ra hiện nay. Những cây chè shan tuyết cổ thụ hiện mọc ở khắp các địa bàn của Hà Giang, điều đó làm cho công tác bảo tồn gặp nhiều khó khăn. Ngoài bảo tồn, công tác nhân giống, lưu giống cũng rất quan trọng, đặc biệt là việc tuyên truyền cho nhân dân ý thức bảo vệ và phát triển cây chè.
Người dân xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) thu hái chè shan tuyết. Ảnh: Nguyễn Chiến-TTXVN |
Huyện Hoàng Su Phì có diện tích chè đã chứng nhận hữu cơ là 1.470 ha. Trong đó có 161 ha theo tiêu chuẩn Liên minh châu Âu. Ngoài ra, chè Hoàng Su Phì đã có chứng nhận chỉ dẫn địa lý và chứng nhận quần thể cây chè di sản Việt Nam. Tuy nhiên thực tế hiện nay thương hiệu chè shan tuyết của huyện Hoàng Su Phì vẫn chưa được vươn xa trên thế giới. Ông Lý Chòi Nhàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoàng Su Phì cho biết, chè shan tuyết cổ thụ là sản phẩm gần gũi, gắn liền với đời sống của người dân nơi đây. Do đó, những năm qua, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều chính sách cụ thể để phát triển và tiêu thụ sản phẩm chè shan tuyết một cách bền vững. Ngoài ra, huyện đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đặc biệt chú trọng đến cách chăm sóc, thu hái và chế biến chè nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chè nói chung và chè shan tuyết cổ thụ nói riêng. Về điều kiện nguyên liệu, Hoàng Su Phì được các chuyên gia chè quốc tế đánh giá rất cao. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh thương mại cho cây chè còn hạn chế. Do đó, trong thời gian tới, Hoàng Su Phì tiếp tục cải thiện phương án sản xuất và chế biến để nâng cao giá trị, thương hiệu chè shan tuyết. Tháng 8/2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã ra Quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý chè shan tuyết tỉnh Hà Giang trên địa bàn 6 huyện với 44 xã có chè shan tuyết. Chỉ dẫn địa lý đối với chè shan tuyết Hà Giang sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp, người trồng chè nâng cao giá trị sản phẩm của mình trên thị trường, đồng thời là trách nhiệm của doanh nghiệp, người trồng chè trong việc đảm bảo chất lượng, giá trị, nguồn gốc của sản phẩm đối với người tiêu dùng.
Quyết Chiến