Những "kẻ săn mồi" tự nhiên như chim, bọ cánh cứng và côn trùng có thể là một lựa chọn thay thế hiệu quả cho thuốc trừ sâu, giúp giảm thiểu quần thể sâu bệnh hại mùa màng đồng thời tăng năng suất cây trồng.
Một nhóm các nhà khoa học Brazil, Mỹ và Séc đã đưa ra khuyến nghị trên trong một nghiên cứu công bố ngày 6/3 sau khi phân tích nghiên cứu trước đây về kiểm soát sâu bệnh bằng động vật ăn thịt. Kết quả khả quan thu được là các loài chim, bọ cánh cứng và côn trùng có thể giúp giảm hơn 70% quần thể sâu bệnh, đồng thời tăng năng suất cây trồng thêm 25%.
Tác giả chính nghiên cứu, ông Gabriel Boldorini, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Nông thôn Liên bang Pernambuco ở Brazil, cho biết: "Những kẻ săn mồi tự nhiên là những tác nhân kiểm soát sâu bệnh tốt và việc duy trì các loài này là điều cơ bản để đảm bảo kiểm soát sâu bệnh trong tương lai trong bối cảnh biến đổi khí hậu".
Theo nghiên cứu, sâu bệnh gây thiệt hại khoảng 10% - tương đương 21 triệu tấn - sản lượng mùa màng mỗi năm, và việc kiểm soát sâu bệnh dẫn đến việc sử dụng rộng rãi thuốc trừ sâu hóa học. Ông Gabriel Boldorini nêu bật hệ lụy từ việc sử dụng thuốc trừ sâu đã được ghi nhận như mất đa dạng sinh học và ô nhiễm nước, đất, dẫn đến rủi ro đối với sức khỏe con người.
Điều quan trọng, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng động vật ăn thịt có hiệu quả hơn trong việc kiểm soát sâu bệnh ở những vùng có lượng mưa biến đổi nhiều hơn - hình thái thời tiết dự kiến sẽ gia tăng do biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu và mức phát thải CO2 tăng cao ảnh hưởng đến cả năng suất cây trồng và biến động về mật độ và tăng khả năng sống sót của sâu bệnh.
Trong khi đó, các nghiên cứu khác cho thấy các loài động vật không xương sống đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của hệ sinh thái đang suy giảm nhanh chóng trên toàn cầu. Do đó, ông Boldorini khẳng định tính cấp thiết bảo tồn các loài động vật không xương sống trong nỗ lực bảo đảm kiểm soát sâu bệnh và tăng năng suất mà không gây hại hệ sinh thái.
Lan Phương