Đưa sản phẩm OCOP Tây Ninh vươn xa

Sản phẩm bánh tráng Tân Nhiên của Công ty TNHH Tân Nhiên được UBND tỉnh Tây Ninh cấp chứng nhận sản phẩm đạt hạng 5 sao chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Ảnh: Thanh Tân - TTXVN
Sản phẩm bánh tráng Tân Nhiên của Công ty TNHH Tân Nhiên được UBND tỉnh Tây Ninh cấp chứng nhận sản phẩm đạt hạng 5 sao chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Ảnh: Thanh Tân - TTXVN

Ở Đông Nam Bộ, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh là địa phương có nhiều sản vật gắn với điều kiện tự nhiên, những nét văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Phát huy lợi thế, khẳng định các thương hiệu, tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua Chương trình OCOP là hướng đi được tỉnh triển khai, góp phần phát triển hiệu quả kinh tế nông thôn.

Đưa sản phẩm OCOP Tây Ninh vươn xa ảnh 1Đóng gói quả mãng cầu, đặc sản Tây Ninh đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Thương hiệu gắn liền chất lượng

Để sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) vững chỗ đứng, khẳng định niềm tin với người tiêu dùng, trước hết chất lượng sản phẩm phải đảm bảo, gắn liền với thương hiệu. Vì vậy, tỉnh Tây Ninh chủ trương không chạy theo số lượng mà tập trung chọn sản phẩm nổi bật, đặc thù gắn với điều kiện địa lý, tập quán, nét sinh hoạt của cộng đồng cư dân. Các ngành chức năng hỗ trợ chủ thể hoàn thiện sản phẩm đặc sản trên cơ sở chất lượng đi đôi với thương hiệu được xác lập từ lợi thế, thế mạnh từng địa phương.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 68 sản phẩm OCOP; trong đó 47 sản phẩm đạt 3 sao, 20 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Tất cả các sản phẩm được công nhận đều là những đặc sản nổi bật, mang dấu ấn điều kiện tự nhiên, thể hiện nét văn hóa bản địa của cộng đồng cư dân các dân tộc trên địa bàn. Trong số đó, có các sản phẩm như các loại bánh tráng siêu mỏng nhãn hiệu Tân Nhiên (bánh tráng ớt, muối nhuyễn siêu cay, bánh tráng phô mai, bánh tráng sa tế tỏi, bánh tráng sa tế tôm hành…), bánh tráng phơi sương, rau rừng tổng hợp Thanh Thúy, mắm điều chay, nước mắm trái điều Vương Ngọc, dế mèn đông lạnh, bột dế, dế sấy sả ớt ăn liền Oanh Vĩnh, sầu riêng Bàu Đồn, mít Thái siêu sớm Tân Lập...

So sánh tương quan trong khu vực Đông Nam Bộ và cả nước, số lượng sản phẩm OCOP ở Tây Ninh còn rất "khiêm tốn". Song đây thực sự là những sản phẩm đặc sắc, khẳng định thương hiệu riêng có của địa phương có vị trí địa lý khá đặc biệt, nối cao nguyên Nam Trung Bộ với Đồng bằng sông Cửu Long, vừa mang đặc điểm của một cao nguyên lại vừa có những sắc thái của đồng bằng.

Ông Lê Minh Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Minh Trung (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) cho biết, hợp tác xã có sản phẩm quả mãng cầu đạt 4 sao OCOP. Hợp tác xã có 100ha trồng giống mãng cầu truyền thống theo tiêu chuẩn VietGAP và 500ha liên kết đảm bảo tuân thủ quy trình sản xuất sạch. Tại Tây Ninh, mức chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm thường cao, rất phù hợp để cây mãng cầu sinh trưởng, "tích tụ độ ngọt” cho quả, tạo hương vị đặc biệt. Không chỉ có vị ngọt thanh, hương thơm nhẹ, múi dai, quả mãng cầu ở đây còn có hình thức khá bắt mắt, trái to, các gai (mắt) nở căng, khi chín các kẽ quả có màu vàng phớt hồng rất đẹp. Hiện nay, bình quân mỗi ngày Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Minh Trung bán ra thị trường 10 tấn quả mãng cầu.

Tương tự, các sản phẩm OCOP 3 sao gồm bánh tráng phơi sương và rau rừng tổng hợp của cơ sở sản xuất bánh tráng Thanh Thúy (ấp Lộc Trát, phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng) cũng được người tiêu dùng nhiều nơi biết tới nhờ vị bánh bùi, thoảng hương thơm của gạo. Chiếc bánh tráng dẻo, mềm, dai nhẹ rất phù hợp để cuốn cùng các loại rau rừng, thịt hoặc hải sản, làm nên đặc sản ẩm thực độc đáo của vùng đất Tây Ninh.

Chị Lê Thị Thanh Thúy, chủ cơ sở sản xuất bánh tráng Thanh Thúy chia sẻ, cơ sở của chị bắt đầu được gây dựng từ một lò tráng bánh lâu năm của làng nghề bánh tráng phơi sương Trảng Bàng. Bánh tráng phơi sương không cầu kỳ ở nguyên liệu nhưng lại hấp dẫn người tiêu dùng bởi các công đoạn chế biến để có được chiếc bánh dẻo, dai vừa phải, thơm ngon. Từ nguyên liệu chính chỉ là bột gạo, thêm chút muối, không có chất bảo quản, bánh được tráng và đem phơi nắng trong khoảng 1 giờ. Sau đó, người thợ tiến hành cắt, nướng bánh và chờ đến tối để mang ra phơi sương. Chiếc bánh tráng độc đáo ở chỗ người thợ phải “đón” sương đêm, để ý thời điểm nào trong đêm có lượng sương trời phù hợp nhất để đưa bánh ra phơi trong vòng 15 - 20 phút.

Theo chị Thúy, những tháng cuối năm, nhiệt độ ban đêm ở Tây Ninh xuống thấp hơn, hơi se lạnh nên có những đêm phải “chờ” sương tới 3-4 giờ sáng để đủ lượng sương phơi cho chiếc bánh đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, xuất phát từ nhu cầu thị trường, chị Thúy còn trồng nhiều loại rau rừng để cuốn với bánh tráng. Các loại rau rừng được trồng tại cơ sở của chị như trâm ổi, mặt trăng, trâm sắn, quế vị, chùm mòi, lộc vừng đỏ, lộc vừng trắng, sao nhái, lá cách, cũng đã được công nhận là sản phẩm OCOP với tên gọi chung là “rau rừng tổng hợp”.

Đưa sản phẩm vươn xa

Xét chọn, gắn sao OCOP cho các sản phẩm thật sự đặc sắc, các cấp, ngành chức năng tỉnh Tây Ninh cũng trăn trở làm thế nào để các sản phẩm OCOP ngày càng được nhiều người biết tới, có thị trường tiêu thụ đa dạng hơn.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân, tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hình thành các diễn đàn kết nối cung - cầu. Đồng thời, tỉnh chủ động tổ chức các sự kiện giới thiệu về vùng đất, con người Tây Ninh với nhiều đặc sản chỉ Tây Ninh mới có. Các cấp, các ngành tăng cường hỗ trợ các chủ thể OCOP kết nối, tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối của các siêu thị ở các đô thị lớn, sức tiêu thụ dồi dào. Đồng thời, các ngành chức năng hỗ trợ các chủ thể OCOP từng bước áp dụng công nghệ số để thúc đẩy phát triển thị trường.

Vừa qua, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã ký ghi nhớ hợp tác về tiêu thụ sản phẩm với trên 30 doanh nghiệp Tây Ninh chuyên sản xuất, cung ứng các mặt hàng đặc sản. Trong số đó, các sản phẩm chủ lực được cung ứng, ký kết tiêu thụ chính là các sản phẩm OCOP, như quả mãng cầu, bánh tráng siêu mỏng các loại, bánh tráng phơi sương, muối tôm, các loại trà, yến... Sau ký kết các mặt hàng đặc sản của Tây Ninh hiện diện ở khoảng 800 điểm bán hàng thuộc hệ thống Saigon Co.op và được phân phối trong cả nước.

Đưa sản phẩm OCOP Tây Ninh vươn xa ảnh 2Sản phẩm bánh tráng Tân Nhiên của Công ty TNHH Tân Nhiên được UBND tỉnh Tây Ninh cấp chứng nhận sản phẩm đạt hạng 5 sao chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Ảnh: Thanh Tân - TTXVN

Tây Ninh phấn đấu đến năm 2025 có từ 100-120 sản phẩm OCOP, củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Tỉnh ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn, có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...

Trở về từ sự kiện “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội” diễn ra vào 7-8/10, ông Lê Minh Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Minh Trung phấn khởi cho biết, đưa quả mãng cầu tươi- sản phẩm OCOP 4 sao ra Hà Nội, chỉ trong 2 ngày diễn ra sự kiện, hợp tác xã đã bán được 1 tấn quả. Đây thực sự là cơ hội để mãng cầu tươi của hợp tác xã được nhiều người tiêu dùng phía Bắc biết tới.

Bên cạnh đó, mong muốn quảng bá, đưa sản phẩm vươn xa tới nhiều thị trường hơn nữa, hiện hợp tác xã đang phối hợp với một số doanh nghiệp lữ hành tổ chức các tour đưa du khách đến tham quan vườn mãng cầu, trải nghiệm cách chọn cắt những trái mãng cầu đến vụ thu hoạch và mua sản phẩm, qua đó tạo sức lan tỏa, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng khắp mọi miền đất nước. Hợp tác xã cũng giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, livestream để khách hàng từ nhiều nơi tương tác, tìm hiểu và đặt sản phẩm được nhanh chóng, tiện lợi.

Thanh Trà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm