Đầu năm 2025, tại nhiều địa phương tỉnh Hòa Bình đã tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham gia. Với định hướng phát huy tối đa lợi thế để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc, tỉnh chú trọng công tác quy hoạch phát triển du lịch; ưu tiên đầu tư hạ tầng trong Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình, Khu du lịch có nhiều tiềm năng... Từ đó, du lịch Hòa Bình đang dần trở thành điểm đến thu hút hàng triệu khách du lịch trong nước và quốc tế mỗi năm.

Với cảnh quan tươi đẹp và trải nghiệm văn hóa đặc sắc, Hòa Bình trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam có tên trong danh sách điểm đến đẹp nhất thế giới do tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ Condé Nast Traveller công bố vào tháng 12/2024. Cùng với việc tổ chức nhiều hoạt động kinh doanh hiệu quả, lượng du khách tăng cao dịp cuối tuần và kỳ nghỉ lễ..., ngành du lịch tỉnh đặt mục tiêu năm 2025 đón 4,9 triệu lượt khách (trong đó có 1 triệu lượt khách quốc tế); tổng thu từ du lịch đạt 5.400 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2025 đến nay, hàng chục lễ hội truyền thống quy mô cấp tỉnh, huyện, xã được tổ chức đã thúc đẩy hoạt động du lịch tại các điểm đến. Tiêu biểu là: Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình tổ chức tại xã Phong Phú (huyện Tân Lạc) với 95.000 lượt người tham gia, trong đó có 85.000 khách du lịch; Lễ hội chùa Tiên (Lạc Thủy) đón khoảng 30.000 lượt người dân và du khách. Bên cạnh các lễ hội cấp tỉnh, nhiều lễ hội quy mô cấp xã đặc sắc đã thu hút nhiều du khách trong nước, quốc tế như: Gầu Tào (Mai Châu), đình Khênh (Lạc Sơn), đền Chúa Thác Bờ (Cao Phong, Đà Bắc)…
Tháng 2/2025, Khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa tại xã Suối Hoa (Tân Lạc) chính thức khai trương, hứa hẹn trở thành điểm đến nổi bật của du lịch Hòa Bình với trải nghiệm lưu trú nghỉ dưỡng sang trọng, đẳng cấp; dịch vụ vui chơi sôi động như: đường trượt cầu vồng, mô tô nước, đua thuyền Kayak, trượt cỏ… Tại đây, du khách được khám phá không gian thiên nhiên vùng hồ Hòa Bình hùng vĩ, thơ mộng; thiên đường giải trí đa sắc màu cùng các hoạt động thể thao dưới nước đầy sảng khoái và thú vị. Đặc biệt, du khách có cơ hội trải nghiệm đường trượt phao dài nhất Đông Nam Á.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình Quách Thị Kiều cho biết, để thực hiện mục tiêu, kế hoạch phát triển du lịch năm 2025 và những năm tiếp theo, tỉnh dành nguồn lực ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch. Trong đó, chú trọng phát triển du lịch văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của địa phương, tập trung phát triển sản phẩm nghỉ dưỡng, thể thao chất lượng cao.
Mặt khác, để thu hút đầu tư du lịch, tạo điều kiện cho du khách đi lại thuận lợi, địa phương đã đầu tư các bến cảng, tuyến đường 2 bên ven hồ Khu du lịch hồ Hòa Bình để kết nối các tuyến điểm. Đồng thời, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trở thành điểm tham quan du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, xây dựng dự án, sản phẩm du lịch chất lượng để khai thác tiềm năng, thu hút thêm du khách đến với tỉnh; phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Chị Trần Minh Hằng (du khách đến từ Hà Nội) chia sẻ, Hòa Bình có lợi thế địa lý nằm cạnh Thủ đô Hà Nội, đường giao thông đi lại thuận tiện, cảnh quan được thiên nhiên ban tặng, nhiều nơi còn giữ được nguyên bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, tỉnh là "thủ phủ" của người Mường - một nền văn hóa đặc trưng. Với sự phát triển đô thị mạnh mẽ như hiện nay, Hòa Bình đang trở thành điểm đến lý tưởng cho khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng ngắn ngày, chi phí phù hợp với túi tiền người dân.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát triển hệ thống sản phẩm có tính liên kết cao như: Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; cộng đồng, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP kết hợp trải nghiệm làng nghề; du lịch văn hóa lịch sử kết hợp lễ hội; ẩm thực gắn với sự kiện văn hóa, thể thao; du lịch chính quyền, du lịch số; nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe… Cùng với đó, Hòa Bình triển khai hiệu quả chương trình Dự án về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các sản phẩm du lịch thế mạnh về văn hóa sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng được quan tâm xây dựng. Một số dự án vui chơi, giải trí chất lượng cao trên Khu du lịch hồ Hòa Bình hoàn thành, đi vào hoạt động sẽ tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với địa phương.
Thanh Hải