Đồng Tháp đặt mục tiêu đưa ngành hàng vịt đạt hơn 8,7 triệu con

Đồng Tháp đặt mục tiêu đưa ngành hàng vịt đạt hơn 8,7 triệu con

Vịt là 1 trong 6 ngành hàng được tỉnh Đồng Tháp chọn lựa trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Năm 2022 tỉnh phát triển được hơn 6,9 triệu con, nuôi nhiều nhất là vịt cò lấy trứng, nuôi theo mô hình vịt chạy đồng và nuôi vịt rọ. Các huyện nuôi vịt nhiều nhất tỉnh là huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Tam Nông và Thanh Bình. Mục tiêu đến cuối năm 2025 tỉnh Đồng Tháp có tổng đàn vịt đạt 8,77 triệu con; sản lượng thịt vịt xuất chuồng đạt 9.491 nghìn tấn; sản lượng trứng vịt hơn 390 triệu trứng.

Đồng Tháp đặt mục tiêu đưa ngành hàng vịt đạt hơn 8,7 triệu con ảnh 1Nuôi vịt có lấy trứng tại hộ anh Nguyễn Văn Thìa, xã Tân Phú, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí -TTXVN

Ông Huỳnh Minh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề ra kế hoạch phát triển ngành hàng vịt đến năm 2025 là giảm dần tỷ trọng người nuôi vịt nhỏ lẻ, nuôi chạy đồng và tăng dần số hộ chăn nuôi vịt tập trung, quy mô lớn, nuôi trang trại. Củng cố lại hoạt động của các tổ hợp tác (THT) chăn nuôi vịt hiện có và hình thành thêm các THT, hợp tác xã (HTX), các mô hình chăn nuôi kiểu mẫu. Xây dựng mối liên kết theo chuỗi giá trị, kết nối sản xuất - tiêu thụ giữa người chăn nuôi với các doanh nghiệp theo hướng bền vững.

Hàng năm, tỉnh sẽ hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng 5 mô hình chăn nuôi vịt tuần hoàn; tổ chức hội thảo kết nối cung cầu; hướng dẫn xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh; hỗ trợ xây dựng ít nhất 1 trang trại chăn nuôi vịt kiểu mẫu. Đồng thời, khuyến khích phát triển dự án khởi nghiệp về sơ chế, chế biến thịt, trứng vịt hoặc chế biến thức ăn nhanh từ vịt (fastfood) và phát triển các sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ ngành hàng vịt để tăng giá trị gia tăng.

Ở huyện Tháp Mười, một trong huyện nuôi vịt tiêu biểu của tỉnh trong việc tái cơ cấu ngành hàng vịt, huyện đã tập trung phát triển nuôi vịt theo hướng sản xuất hàng hóa và xuất khầu, đa dạng hóa sản xuất các sản phẩm như: thịt, trứng thương phẩm cho thị trường nội địa, xuất khẩu mang thương hiệu sản phẩm của địa phương. Phát triển ngành hàng vịt dần dần khắc phục tình trạng phát triển tự phát và chăn nuôi nhỏ lẻ. Vận động người nuôi thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, có kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm. Gắn kết chăn nuôi vịt với thị trường từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, đảm bảo phát triển bền vững. Huyện Tháp Mười tổng đàn vịt nuôi an toàn sinh học hơn 73 nghìn con con và nuôi vịt rọ ở 3 Tổ hợp tác được gần 100 nghìn con, trung bình hàng năm cho Sản lượng hơn 20 triệu trứng.

Tỉnh Đồng Tháp chọn huyện Tháp Mười và Tam Nông làm vùng sản xuất vịt hướng trứng. Các giống vịt của địa phương chủ yếu là các giống vịt TC (Cổ Cò) chiếm hơn 90% giống này là vịt đẻ trứng; nuôi theo hình thức chạy đồng. Bình quân nuôi vịt chạy đồng cứ 1.000 con mỗi đêm đẻ từ 500-700 trứng.

Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp tổ chức lại sản xuất ngành hàng vịt, củng cố mở rộng quy mô và số lượng thành viên THT chăn nuôi vịt tại các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Tam Nông và Thanh Bình. Thực hiện hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm ngành hàng vịt với các doanh nghiệp lớn về chế biến. Áp dụng biện pháp an toàn sinh học, hỗ trợ việc trang bị các máy móc thiết bị mới vào trong sản xuất giống. Hợp tác, liên kết với các trung tâm, cơ sở sản xuất giống gia cầm bố mẹ để cung cấp giống vịt trứng, vịt thịt chất lượng cung cấp cho nông dân.

Đồng thời, tỉnh Đồng Tháp Đẩy mạnh thị trường tiêu thụ cho nhóm sản phẩm trứng vịt và thịt vịt sạch, chất lượng cao để có chính sách hỗ trợ phát triển phù hợp, đặc biệt là kết nối với thị trường hai thành phố lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Nguyễn Văn Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm